Điều gì làm các nhà quản lý đau đầu nhất? Đó chắc chắn là những quyết định nhạy cảm ở những thời điểm quan trọng. Có nên sa thải một nhân viên thiếu hiệu quả mà lại thân thiết với ban giám đốc? Xử lý ra sao một sản phẩm không an toàn để không tổn hại danh tiếng công ty?... Dĩ nhiên, những quyết định dễ dàng, trắng đen rạch ròi đã được cấp dưới thực thi, còn đặt lên bàn nhà quản lý mỗi ngày là những lựa chọn gai góc, ẩn chứa nhiều rủi ro nhất.
Tác giả Joseph L. Badaracco, giáo sư chuyên ngành đạo đức kinh doanh tại Harvard Business School, người có gần 40 năm giảng dạy về chiến lược, lãnh đạo và đạo đức kinh doanh, gọi những quyết định này là “vùng xám”. Trong vấn đề thuộc “vùng xám”, ta không dễ dàng phán xét đúng sai, cũng không có khuôn mẫu để tham khảo.
Làm sao vượt qua sự u ám của “vùng xám” để đưa ra những quyết định tốt nhất có thể? Joseph L. Badaracco đã bật mí đầy đủ trong cuốn sách Đằng sau một quyết định lớn (tựa gốc: Managing in the gray).
Trong cuốn sách của mình, Joseph L. Badaracco đưa ra một quy trình gồm năm câu hỏi. Ông thiết kế quy trình này không chỉ dựa vào các quan điểm quản trị hiện đại, những ví dụ kinh doanh thực tiễn đầy sống động, mà còn từ tư tưởng của những triết gia, chính trị gia lừng lẫy như Tôn Tử, Khổng Tử, Aristotle, Nietzsche, Jesus Christ… Nói ngắn gọn, hiệu quả của quy trình này đã được kiểm chứng qua thời gian và qua nhiều nền văn hóa.
Năm câu hỏi gồm: Hệ quả thuần của vấn đề là gì?, Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì?, Kế hoạch hành động nào phù hợp với thực tế?, Chúng ta là ai?, Liệu có thể sống chung với quyết định này hay không?.
Câu hỏi số một giúp nhà quản lý nhìn rộng và sâu tất cả những hệ quả có thể xảy ra, “suy nghĩ rộng chừng nào tốt chừng nấy”, “toàn diện và khách quan về điều gì sẽ đem đến hạnh phúc nhiều nhất và ít đau khổ nhất cho nhiều người nhất”.
Câu hỏi số hai - Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì? đánh thức tiếng nói nội tâm của nhà quản lý, buộc họ nghĩ về trách nhiệm “giữa người với người”, điều đôi khi không được nhắc đến trong những quy định. Chẳng hạn, trách nhiệm của nhà quản lý với một nhân viên thân thiết đã nghỉ việc, trách nhiệm của tổng thống Mỹ với những đứa trẻ vô tội ở đất nước mà ông đã gây ra chiến tranh…
Câu hỏi số ba - Kế hoạch hành động nào phù hợp với thực tế? bàn về một kế hoạch thực thi linh hoạt, mềm mỏng. Điều này rất cần thiết, bởi nói như Tôn Tử, thế giới vốn phức tạp và nhiều biến động, cần “phải có chiến thuật, ranh ma, khả năng điều chỉnh và tâm lý sắc sảo”.
Trong câu hỏi số bốn - Chúng ta là ai?, từ khóa ở đây là “chúng ta”, nhắc nhở nhà quản lý đưa ra lựa chọn phù hợp với tôn chỉ, sứ mệnh của tổ chức mà người đó thuộc về.
Và cuối cùng, vì không có quyết định nào là hoàn hảo, Liệu có thể sống chung với quyết định này hay không? là câu hỏi cuối cần phải suy xét, người ra quyết định phải dựa vào trực giác, đồng thời can đảm cam kết, chịu trách nhiệm, thuyết phục người khác về lựa chọn của mình.
“Vùng xám” là nơi để kiểm tra khả năng lãnh đạo, tư duy xử lý tình huống bất khả kháng và cả tính nhân văn của người quản lý. Thỉnh thoảng, chúng ta có thể sẽ bị lạc đường và tê liệt trước sự phức tạp và bất định của vấn đề, thậm chí là làm tổn thương người khác và sự nghiệp của bản thân, nhưng đã là một nhà quản lý có trách nhiệm, thì bạn phải biết cách đánh giá tường tận mọi việc và có hướng đi đúng đắn cho nhóm của mình.
Có một thông điêp xuyên suốt 5 câu hỏi trên, là trách nhiệm nhân văn trước những quyết định khó khăn. Theo Joseph L. Badaracco, điều mà “vùng xám” khiến nhà quản lý khó chịu nhất chính là trách nhiệm, lòng trắc ẩn giữa người với người, vốn chẳng thể nào được phân định rõ ràng nếu chỉ dựa vào dữ liệu hay sự phân tích.
Một nhà quản lý càng có trách nhiệm, càng có trái tim nhạy cảm với người khác, thì lại càng bị day dứt bởi “vùng xám”. Đằng sau một quyết định lớn ủng hộ một sự cân bằng giữa tính hiệu quả và tính nhân văn. “Hãy tiếp cận vấn đề bằng góc nhìn của một nhà quản lý, nhưng giải quyết bằng cái tâm của một con người”, Badaracco viết.
Bản thân là một giáo sư chuyên ngành đạo đức trong kinh doanh, Badaracco nhấn mạnh rằng khi chúng ta giải quyết một sự việc, không đơn thuần chỉ nằm ở kỹ năng xử lý vấn đề, mà còn nằm ở quan điểm nhân văn của mỗi người, vì “chúng sai khiến và định hướng suy nghĩ, cảm giác, và hành động của chúng ta. Ở một chừng mực nào đó, quan điểm nhân văn chính là yếu tố quyết định chúng ta là ai”.
Do đó, Badaracco đã kết thúc cuốn sách của mình với hai phần phụ lục bàn về chủ nghĩa nhân văn, bản chất của con người, quá trình tiến hoá và đạo đức học. Đằng sau một quyết định lớn là ấn phẩm cần có trong tủ sách của mọi nhà quản lý và bất cứ ai muốn đưa ra quyết định tốt hơn.