Đằng sau việc xóa nợ cho nước nghèo

“Khoảnh khắc lịch sử” là cụm từ được nhiều nhân vật, từ Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Snow đến nam nghệ sĩ Bono của nhóm rock Ailen U2, sử dụng để mô tả quyết định của Bộ trưởng Thương mại nhóm các nước G8 (gồm Anh, Canada, Đức, Italia, Mỹ, Nhật, Nga và Pháp) đồng ý xóa 40 tỷ USD mà 18 nước nghèo nhất thế giới đang nợ các định chế tài chính là Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Phi.

  • Triệt tiêu tham nhũng mới được xóa nợ

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi cởi bỏ bớt gánh nặng nợ nần, mỗi nước trong số 18 nước ấy, chủ yếu thuộc châu Phi và Nam Mỹ (Benin, Bolivia, Burkina Faso, Ethiopia, Ghana, Guyana, Honduras, Madagascar, Mali, Mauritania, Mozambique, Nicaragua, Niger, Rwanda, Senegal, Tanzania, Uganda và Zambia) phải chứng tỏ rằng họ thực sự nỗ lực triệt tiêu tệ nạn tham nhũng bằng cách tung ra những biện pháp thật thực tế, thật mạnh. Khoản tiền thay vì dùng trả nợ cho các định chế tài chính quốc tế phải được sử dụng vào những việc làm hữu ích cho xã hội địa phương, chẳng hạn như xây dựng đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học, đào tạo thầy cô giáo, y tá, bác sĩ.

  • Những đề xuất để dự án thành hiện thực
Đằng sau việc xóa nợ cho nước nghèo ảnh 1

Đằng sau việc xóa nợ cho nước nghèo

Quyết định này nhận được những tràng vỗ tay của dư luận thế giới. Nó chỉ đến sau thời gian dài thương thảo và chỉ được ký quyết định sau khi rất nhiều tổ chức phi chính phủ và cá nhân giàu lòng bác ái lên tiếng đề nghị từ nhiều năm qua. Vì có một số thành viên G8 chỉ muốn trừ cho các nước nghèo khoản lãi phát sinh từ nợ chứ không đồng ý xóa luôn nợ.

Nhưng rồi mọi người lại lo khi nghĩ đến từ ngày 6 — 8-7-2005, các nhà lãnh đạo cao nhất của G8 sẽ họp thượng đỉnh tại Gleneagles, Scotland (kinh phí tổ chức tốn khoảng 180 triệu USD) và vấn đề xóa đói giảm nghèo cho châu lục đen lại là một trong những vấn đề thương thảo chính yếu. Liệu châu Phi sẽ còn được ân huệ nào nữa không khi mà, theo một số các tổ chức từ thiện quốc tế, trên thế giới ngày nay còn 44 nước khác cũng đang khó phát triển kinh tế bền vững vì còn bị nợ nước ngoài siết chặt hết mọi lợi nhuận phát sinh từ các nỗ lực vươn lên của họ?

G8 sẽ có ý kiến thế nào về đề xuất của Pháp và Đức là đặt ra một khoản thuế trên mỗi vé máy bay để gom tiền làm quỹ xóa đói giảm nghèo cho các nước nghèo nhất thế giới? Liệu họ sẽ đồng ý với một đề xuất khác của Anh là xóa đói bằng cách phát hành một loại cổ phiếu đặc biệt ở các thị trường tài chính hay không? Anh có tham vọng thuyết phục các nước Pháp, Đức, Italia, Mỹ, Nhật, Nga đồng ý tăng tiền viện trợ phát triển quốc tế lên 50 tỷ USD mỗi năm. Để dự án trở thành hiện thực, từ đầu tuần này, Thủ tướng Anh Tony Blair đã bắt đầu chuyến công du đến gặp lãnh đạo các nước Nga, Đức, Luxembourg và Pháp để thuyết phục.

Tuy nhiên, những tổ chức bênh vực người nghèo ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á rất lo lắng vì giữa Anh và các nước thành viên cốt lõi của EU đang có bất đồng sâu sắc, cũng liên quan đến tiền. Đó là việc Anh đề nghị được thu hồi một phần tiền lâu nay vẫn góp cho sự vận hành của guồng máy EU vì cho rằng Anh phải đóng nhiều tiền hơn mọi nước thành viên khác.

Và như vậy, có thể nói là sự nghèo khó của người khốn khổ khắp thế giới (theo Ngân hàng Thế giới thì trong số hơn 6 tỷ cư dân của thế giới hôm nay có 1,1 tỷ người nghèo cùng cực cố sống với mỗi ngày chưa tới 1 USD) lại vẫn tùy thuộc sự tranh chấp chi nhiều, chi ít giữa các nước giàu nhất thế giới.

Thế còn Jeffrey Sach, kinh tế gia nổi tiếng đã nhiều lần soạn các dự án xóa đói giảm nghèo cho các nước nghèo nhất thế giới, nghĩ sao? “Năm 2005, Mỹ chi gần 500 tỷ USD cho các hoạt động quân sự nhưng chỉ đóng góp 16 tỷ USD cho công tác viện trợ phát triển các nước nghèo. 16 tỷ USD, tức chỉ bằng 0,15% tổng thu nhập hàng năm của Mỹ, bằng 15 cent trên mỗi 100 USD mà người Mỹ làm ra. Chúng ta phải cho nhiều hơn thì may ra thế giới mới bớt người nghèo và cơ may mọi người chung sống hòa bình mới đến”.

VIỆT KHÔI

Tin cùng chuyên mục