Dù đang tuổi thanh xuân nhưng không ít trường hợp đã bắt đầu có dấu hiệu lú lẫn. Theo Hội Thần kinh học TPHCM, ước tính 20%-30% người trẻ tuổi đang gặp các vấn đề liên quan đến suy giảm trí nhớ. Thậm chí thống kê chưa đầy đủ của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nhiều người trẻ đã từ lú lẫn chuyển sang rối loạn tâm thần, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong đó, nguyên nhân chính là áp lực cuộc sống, căng thẳng và sinh hoạt mất cân bằng.
Ngày càng có nhiều người dân quan tâm rèn luyện sức khỏe hằng ngày. Ảnh: THÁI BẰNG
Chưa già đã… lú!
Theo Hội Thần kinh học TPHCM, vào khoảng 40 tuổi, tỷ lệ sa sút trí tuệ chỉ chiếm thông thường 0,1% dân số nhưng đến trên 65 tuổi là 5%-8%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các dấu hiệu liên quan đến suy giảm trí tuệ có xu hướng tăng mạnh trong giới trẻ. Các triệu chứng của sa sút trí tuệ mà Hội Thần kinh học TPHCM khuyến cáo là: mất trí nhớ gần (người bệnh thường quên và không nhớ lại được, hỏi lặp đi lặp lại một câu hỏi nhưng quên câu vừa mới trả lời); khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc; có các vấn đề về ngôn ngữ; rối loạn định hướng (người bệnh có thể bị lạc ở một nơi đã từng rất quen thuộc với họ); giảm khả năng đánh giá; quên vị trí đồ vật; thay đổi cá tính; mất tính chủ động… Đặc biệt, suy giảm trí nhớ là một trong những yếu tố tác động nhanh đến sa sút trí tuệ.
Theo TS-BS Lê Thúy Tươi, sau tuổi 30, con người bắt đầu phải đối mặt với chứng suy giảm trí nhớ với những biểu hiện rất đơn giản như quên tắt điện khi tan ca, quên đính kèm file khi gửi email cho đối tác… nhưng diễn biến âm thầm và trở nên nghiêm trọng theo tuổi tác. Căn cứ vào khảo sát và đánh giá, TS Nguyễn Thy Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học TPHCM, cho rằng tình trạng “lú lẫn” ở người lớn tuổi đang gia tăng và sa sút trí tuệ cũng đang trẻ hóa là những vấn đề sức khỏe đáng quan ngại. Đặc biệt cùng với tuổi tác, trí não con người ngày càng bị lão hóa. Do đó, hầu hết người lớn tuổi đều sa sút trí nhớ, xuất hiện nhiều hiện tượng của bệnh lý Parkinson.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Công, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bệnh Parkinson thường xuất hiện ở người từ 50 tuổi trở lên và là một trong những bệnh liên quan đến cử động của cơ thể phổ biến nhất, gặp trong khoảng 1% người trên 60 tuổi, nhưng nay độ tuổi khởi bệnh đang có xu hướng trẻ hơn. Theo báo cáo về bệnh lý sa sút trí tuệ trong thực hành y khoa của Trường Đại học Y Dược TPHCM mới đây, khoảng 50% người bị suy giảm trí nhớ sẽ chuyển sang thành bệnh sa sút trí tuệ 3 năm sau đó. Trong đó, với ước tính 20% - 30% người trẻ tuổi đang gặp các vấn đề về suy giảm trí nhớ và đang gia tăng nhanh.
Qua thực tiễn khám và điều trị tại các bệnh viện cho chuyên khoa thần kinh, Hội Thần kinh học TPHCM nhìn nhận trung bình khoảng 100 người trẻ đến khám bệnh ở các cơ sở y tế thì có đến 20 người gặp vấn đề về suy giảm trí nhớ. “Xã hội phát triển khiến người trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống dẫn đến stress. Các bệnh lý thoái hóa thần kinh vì vậy tăng cao mà không do tác động tuổi tác. Người trẻ dễ bị kích động, cáu gắt, mất tập trung, xử lý công việc chậm, hay nhầm lẫn… Họ chật vật hơn khi đi làm, kiếm tiền và xử lý các mối quan hệ xung quanh trong xã hội hiện đại…”, TS Nguyễn Thy Hùng, đánh giá.
Đừng để quá muộn
Theo Hội Thần kinh học TPHCM, chứng suy giảm trí nhớ được ghi nhận có ngay ở tuổi trung niên, con người đã xuất hiện sự lão hóa nhanh của các tế bào thần kinh trước sự gây hại của gốc tự do. Môi trường sống, stress hoặc thiếu một số chất quan trọng khiến các gốc tự do trong cơ thể con người không ngừng sản sinh và gây hại lên não.
Theo các chuyên gia y tế, sau tuổi 25, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh não bị hủy đi mà không có sự sinh sản thêm, đồng thời chức năng não suy giảm do những liên kết giữa các tế bào thần kinh với nhau bị giảm cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Sự phá hoại của gốc tự do còn là một trong những tác nhân gây nên và thúc đẩy quá trình sa sút trí tuệ bằng cách làm chết hay tổn hại các tế bào thần kinh não, khiến cho các chức năng não rối loạn.
Theo TS-BS Trần Công Thắng (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) mối lo lắng thường gặp của người giảm trí nhớ là sẽ tiến triển tăng dần đến sa sút trí tuệ. Theo TS-BS Trần Công Thắng, bệnh sa sút trí tuệ thường có các biểu hiện như giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động, mất khả năng nhận biết đồ vật. Người trẻ mắc các chứng bệnh này sẽ dễ bị sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson… khi về già.
Các chuyên gia y tế thừa nhận áp lực cuộc sống, công việc, xã hội đè nặng… là những yếu tố tác động suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể làm đảo ngược hoàn toàn quá trình thoái hóa thần kinh. Có chăng chỉ có thể ngăn ngừa và làm chậm quá trình thoái hóa thần kinh bằng các chất chống gốc tự do (chất chống oxy hóa) từ thiên nhiên. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định công dụng của chất chống oxy hóa giúp bảo vệ và ngăn ngừa các tác hại của gốc tự do. Cùng với đó là thường xuyên hoạt động trí não, sống trật tự, có phương pháp, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ, tập thể dục có thể duy trì khả năng tư duy; sinh hoạt điều độ (tránh căng thẳng, tăng thư giãn và nghỉ ngơi đúng mức)…
Về mặt dinh dưỡng, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho rằng cần sử dụng thực phẩm chống gốc tự do gây ôxy hóa từ thiên nhiên (thảo dược, rau quả) và không hút thuốc, nghiện rượu cũng như cân đối hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đường. Mặt khác, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm chiên xào, đồ hộp chứa chất bảo quản và phụ gia, đường hóa học; bổ sung các sản phẩm có khả năng chống gốc tự do để giúp bảo vệ tế bào thần kinh.
TƯỜNG LÂM