Đánh trống được Bác Hồ thưởng kẹo

Đánh trống được Bác Hồ thưởng kẹo

Ngày đầu tập kết ra Bắc tôi công tác trong Đoàn văn công quân đội Liên khu 5. Tháng 10-1954, đoàn chúng tôi dự hội diễn văn công toàn quân ở thị xã Hà Đông. Tháng 11 và 12 dự Đại hội văn công toàn quốc tại Nhà hát lớn Hà Nội. Gần 100 đoàn văn công Nam Bắc hội về phô hương khoe sắc. Hà Nội như sống trong hoa thơm quả ngọt của một bầu không khí văn hóa văn nghệ cách mạng.

Bác Hồ bắt nhịp bài hát Kết đoàn (tháng 9-1960). Ảnh: T.L.

Bác Hồ bắt nhịp bài hát Kết đoàn (tháng 9-1960). Ảnh: T.L.

Sau gần 2 tháng đại hội, các đoàn văn công chúng tôi được nghỉ chờ công tác mới. Vào một buổi chiều trong khu nhà mới đang xây dựng, tôi đang nằm dài trên giường gỗ mới tinh xem cuốn “Trên cao gió lộng”, bỗng nghe còi gọi tập họp. Trong lúc đứng chờ ban tổ chức, anh em cứ đoán già đoán non chắc đêm nay đi phục vụ cho hội nghị đặc biệt nào đây. Đến khi nhà thơ Thanh Tịnh vào thông báo 5 đoàn văn công miền Nam là Đoàn ca múa Nam bộ, Đoàn ca múa Quân khu 5, Đoàn dân ca Liên khu 5, Đoàn dân ca Tây Nguyên, Đoàn dân ca Huế có tiết mục biểu diễn ngắn gọn sẽ được đi biểu diễn thì ai nấy bấm nhỏ chắc là biểu diễn cho Bác xem.

Ba chiếc xe lớn mui trần chạy qua mấy đường phố Hà Nội, ra đến vườn Bách Thảo thì rẽ ngoặt làm tất cả mọi người trên xe ồ lên rối rít. Nhà thơ Lưu Trọng Lư ngồi xe đầu đứng dậy khoát tay ra hiệu “giữ bí mật”, đến khi xe từ từ chạy vào đường Phủ Chủ tịch mọi người mới yên lặng giữ tư thế trang nghiêm. Giữa vườn cỏ xanh, sân khấu dựng lên trống bốn mặt, hai cánh gà màu xanh da trời hai bên. Đèn bật sáng từ chiều. Nắng lấp loáng trên mấy hàng cây xà cừ. Trời vừa nhòa nhòa sương thì cũng vừa có tiếng reo từ xa: “Bác đến, Bác đến”. Tôi theo mọi người quên cả hóa trang, có người chỉ mới hóa trang được một nửa chạy ra đón Bác. Bác đưa tay ra hiệu, giọng Bác ấm thân mật: “Các diễn viên hóa trang cho xong rồi diễn cho Bác xem”. Bác nói vừa dứt lời mọi người đều lui về sau sân khấu. Tôi cầm hai chiếc roi trống đứng trong cánh gà nhìn ra thấy rõ Bác, da Bác có hồng hào hơn hôm Bác ở chiến khu về ra mắt đồng bào Hà Nội. Chòm râu, mái tóc Bác trắng và đôi mắt Bác đằm thắm hiền dịu.

Sau 4 tiết mục, hát múa Mùa lúa chín (nhạc Hoàng Việt) của đoàn Nam bộ, lĩnh xướng danh ca Xuân Mai làm nổi lên đồng lúa bát ngát ở miền Nam; tiết mục hò Huế của đoàn dân ca Huế với chất giọng mượt mà của danh ca Châu Loan lại tạo nên chất trữ tình thủy chung của Huế; tiết mục múa hát Tây Nguyên bất khuất của đoàn Tây Nguyên chập chùng chiêng trống, rừng núi như vang vọng khí phách anh hùng; tiết mục hát bài chòi Liên khu 5 yêu dấu của Đoàn dân ca Liên khu 5 với giọng hát cao quyến rũ của nghệ sĩ Lệ Thi dựng nên một khúc ruột miền Trung.

Cuối cùng tiết mục múa hát Bá trạo của đoàn Quân khu 5 chúng tôi nổi lên hình tượng một con thuyền với người cầm lái tài ba vượt bão tố cập bờ vinh quang. Diễn viên vừa múa vừa hát nhìn xuống Bác nên tay múa không đều, giọng hát không rập. Mà tôi cũng vậy, hai roi trống thỉnh thoảng đánh lộn nhịp vì lòng cứ rộn ràng nhìn Bác. Hình như Bác biết, Bác đưa tay ra hiệu bảo chúng tôi tập trung diễn cho hay.

Vừa dứt tiết mục Bá trạo, màn đỏ khép lại, nhà thơ Thanh Tịnh vào chưa kịp phổ biến để Bác gặp nhưng tất cả mọi người đều chạy ùa ra Bác, vây quanh Bác. Bác đứng ở giữa tay bưng đĩa kẹo, tay kia ra hiệu mọi người trật tự. Sau khi phân phát đủ mỗi người một chiếc kẹo, Bác dừng tay hỏi cháu nào là diễn viên múa chèo thuyền. Tất cả chúng tôi mừng quá giơ tay lên thưa “chúng cháu, chúng cháu”. Thế là chúng tôi thêm được một viên kẹo của Bác. Rồi Bác hỏi tiếp: “Cháu nào đánh trống cho múa chèo thuyền”. Tôi mừng quá nhào vô đứng bên Bác, cầm được tay Bác rối rít thưa Bác: “Cháu đánh trống”. Bác cúi xuống một chút tay Bác đặt lên vai tôi, giọng Bác ấm như lời người cha nói với con: “Cháu không ra sân khấu khán giả chỉ biết tiếng trống. Nhưng nếu không có người đánh trống thì điệu múa chèo thuyền sẽ mất hay. Bác thưởng một viên kẹo nữa cho cháu”. Thế là tôi có 3 viên kẹo của Bác thưởng. Cầm viên kẹo của Bác tôi rất xúc động.

Trước đây tôi không chịu đánh trống, chỉ thích làm người múa ngoài sân khấu để khán giả nhìn thấy. Bác thưởng thêm kẹo hình như Bác hiểu tôi có công chịu nép mình bên cánh gà làm người đánh trống thầm lặng. Đêm đó về chỗ nghỉ tôi gói 3 viên kẹo cất trên đầu chỗ nằm. Cũng trong đêm đó tôi viết vào nhật ký “Má ơi, nhờ đánh trống mà con được Bác Hồ thưởng kẹo. Riêng mình con được đến 3 viên kẹo của Bác Hồ cho”. Sau nhiều ngày 3 viên kẹo tôi cố giữ nhưng không giữ được lâu, chỉ còn mấy dòng nhật ký ghi trong một ngày của tháng 12-1954 thì vẫn mãi mãi bên tôi. Dù sau đó tôi làm nhiều ngành công tác từ anh bộ đội văn công đến người giảng viên đại học, làm nhà văn tôi không bao giờ quên cái ngày Bác Hồ thưởng kẹo, một kỷ niệm, một kỷ vật quý giá của đời tôi.

Trúc Chi

Tin cùng chuyên mục