Sân khấu TPHCM năm qua có nhiều thay đổi với những thành công nhất định, tạo nên sự khởi sắc trong hoạt động tổ chức biểu diễn. Đây chính là động lực giúp lĩnh vực nghệ thuật này phát huy tốt nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm đối với công chúng và xã hội; tạo niềm tin và hy vọng cho những người làm nghệ thuật tâm huyết với nghề. Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc - thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TT-DL TPHCM - đã chia sẻ những trăn trở và kỳ vọng của ông.
Theo tôi sân khấu cải lương vẫn chưa thật sự chuyển mình. Sự chuyển mình của một nền sân khấu phải dựa trên cơ sở những sáng tác mới, những tác phẩm mới, nét mới trong công tác đạo diễn, biểu diễn… Năm qua, từ Giải thưởng Trần Hữu Trang đến hoạt động xã hội hóa, sân khấu cải lương vẫn hoạt động cầm chừng để cố gắng giữ gìn sân khấu không lụi tàn. Các nghệ sĩ nỗ lực hoạt động cũng là cách tìm con đường để mình tồn tại, giúp sân khấu tồn tại. Trong đó, chương trình cải lương phòng trà tuy không mới, nhưng là nét sinh hoạt giúp đời sống sân khấu thêm sinh động. Đây là điều đáng mừng. Thực ra, người làm sân khấu cải lương luôn mong muốn có một bước chuyển thật sự chứ không chỉ là giải pháp tình thế trong lúc đang khó khăn, suy thoái. Cái khó của cải lương hiện nay là thiếu những ông “bầu”, bà “bầu” sân khấu tâm huyết và hầu như không có vở mới.
Cải lương vốn là lĩnh vực nghệ thuật hết sức nhạy cảm và thích nghi với cuộc sống, nay cải lương không phát huy được điều này. Phải chăng vì thiếu một đội ngũ những người sáng tác am hiểu về cải lương? Các bạn trẻ hiện chỉ có thể viết kịch, còn để có thể viết được một vở cải lương thì cần phải biết rất nhiều về cải lương, về bài bản, âm nhạc mang tính chất cải lương…
Ở một góc nhìn khác, khán giả ngày nay cũng mất đi thói quen xem nguyên tuồng mà chỉ thích xem trích đoạn, những chắt lọc hay, còn nguyên vở tuồng, nguyên câu chuyện kể trên sân khấu, chưa thu hút được khán giả. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải khắt khe hơn với yêu cầu đổi mới cải lương, chấn hưng lại nghệ thuật cải lương. Để làm được việc đó thì trước hết các nghệ sĩ phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, cùng tham gia, chịu khó làm nghề, lăn xả với nghề. Còn sự quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo chỉ là phụ thêm.
* Phóng viên: Vậy còn sự biến chuyển rất tích cực và hiệu quả của lĩnh vực sân khấu kịch xã hội hóa, từ công tác đạo diễn, dàn dựng, sáng tác kịch bản, biểu diễn… theo ông, đó có phải là xu thế phát triển chung?
* Đạo diễn - NSƯT TRẦN MINH NGỌC: Bản thân những người làm sân khấu kịch thấy rằng khi thị hiếu dần bão hòa nên tự thay đổi. Điều này có một phần nhờ vào tác động của công tác định hướng của hội đồng nghệ thuật khi thẩm định các vở diễn. Theo tôi, công tác định hướng tư tưởng nghệ thuật hiện nay đang được làm rất tốt. Khi ý thức của anh em nghệ sĩ với công chúng tốt lên đã giúp tạo nên một cách làm nghệ thuật mới hơn, tuy vẫn là kịch ma, kinh dị, nhưng nội dung không đơn thuần là giải trí nữa mà đi sâu vào giải thích những vấn đề của xã hội, những vấn đề của đời sống tâm linh con người. Đây là khuynh hướng tốt của sân khấu kịch.
Với lớp trẻ hiện nay, các em cũng có bước chuyển mình, chịu khó tìm kiếm những cách thể hiện mới, ví dụ như loại hình nhạc kịch. Bên cạnh đó, vấn đề đồng tính được các sân khấu phát triển sâu sắc hơn. Trước đây, không ít vở chỉ làm nội dung đồng tính về bề nổi bên ngoài cho người ta cười, người ta ghê, thì giờ đây các sân khấu dàn dựng những vở có chiều sâu, đi tìm sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và đặt ra một vấn đề xã hội rất lớn.
* Theo ông, đội ngũ sáng tác và đạo diễn trẻ hiện nay có đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của sân khấu?
* Có thể nói, trong vòng chục năm trở lại đây, có một dấu hiệu đáng mừng là số các tác giả từ nghiệp dư, quần chúng tham gia vào lĩnh vực chuyên nghiệp ngày càng nhiều, dần hình thành một đội ngũ tác giả có nghề. Các bạn phải trải qua nhiều thử thách, tham gia trại sáng tác, đào tạo thêm về chuyên môn… để có thể cho ra đời các tác phẩm chất lượng. Hiện nay, các sân khấu kịch Idecaf, 5B, Hồng Vân… đã và đang diễn một số vở của các tác giả trẻ này. Đây thật sự là một tín hiệu tốt và tôi tin chắc trong tương lai chúng ta sẽ có nhiều vở, ngày càng tốt hơn, để cung cấp cho sân khấu xã hội hóa. Mặt khác, tuy các đạo diễn chịu khó tìm tòi, sáng tạo, nhưng vì thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, điều kiện đủ để hoạt động. Ví dụ như sân khấu kịch Idecaf có xây dựng vở nào cũng chỉ có từng ấy đèn, không gian cũng có bấy nhiêu, không có chiều cao, không có chiều sâu, không có chiều rộng của sân khấu chuẩn mực… Thiếu những điều kiện cơ sở hạ tầng ấy thì đạo diễn có giỏi mấy cũng đành bó tay.
Chúng ta thường thấy các sân khấu ngày nay hay dùng tính ước lệ, nhưng đấy cũng chỉ là thủ pháp thôi. Người sáng tạo buộc phải dùng sự ước lệ vì quá nghèo, không thể bày biện, dù biết rằng đôi khi cũng gây không ít phản cảm. Từ đó cho thấy, công tác đạo diễn đang bị hạn chế nhiều mặt. Dẫu vậy, chúng ta có thể tin cậy vào sự sáng tạo của đạo diễn và đội ngũ diễn viên, họ thừa khả năng thể hiện nhưng vì thiếu các trang thiết bị, kỹ thuật hỗ trợ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
* Theo ông, các diễn viên trẻ hôm nay đã đủ sức kế thừa thế hệ đi trước? Ông kỳ vọng gì vào các nghệ sĩ trẻ?
* Để gọi là “kế thừa thế hệ đi trước” thì thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay vẫn chưa làm được. Vẫn còn một khoảng trống giữa các thế hệ. Ví dụ như, khi nói về sân khấu cải lương, hiện chưa thể có người thay thế được Minh Vương, Lệ Thủy hay Bạch Tuyết; nói về hát bội thì chưa ai thay thế được Đinh Bằng Phi; ở sân khấu kịch chúng ta chỉ có một Thành Lộc duy nhất… Thế nên, chúng ta có thể gọi là kế tục thôi. Dù rằng lớp trẻ hôm nay vẫn đang cố vươn tới. Muốn là thế hệ kế thừa, nhất thiết, lớp trẻ phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn, điều này có được thể hiện qua năng lực làm việc, chịu khó học hỏi, lòng yêu nghề.
Ngày xưa, thế hệ vàng vào nghề bằng cả tình yêu, sẵn sàng vượt qua những khó khăn. Còn nay, các em thừa hưởng những cái có sẵn, lại thêm nhu cầu sớm nổi tiếng, muốn có nhiều tiền… điều này chi phối rất lớn đến quan điểm làm nghề, theo đuổi nghệ thuật, khiến lớp trẻ bị ngăn cách xa hơn với con đường phát triển tài năng thật sự. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn mong mỏi và hy vọng rất nhiều vào thế hệ trẻ - lớp nghệ sĩ tiếp nối, góp sức không thể để sân khấu mai một.
Theo quy luật chung, chúng ta vẫn luôn luôn phải trông chờ vào những đợt diễn viên trẻ mới ra đời. Mỗi một thế hệ đều có ưu điểm, đặc thù riêng, chúng ta cũng không thể bắt các em tuyệt đối theo những người đi trước, nhưng cũng không thể thả nổi, để các em muốn phát triển ra sao thì ra. Vẫn cần lắm sự định hướng của xã hội và nghệ thuật, và chúng ta vẫn luôn đặt niềm tin vào các em - thế hệ trẻ năng động, nhiệt huyết, nhanh nhạy, thích tìm tòi sáng tạo…
* Xin cảm ơn ông, chúc ông năm mới nhiều sức khỏe và thành công!
THÚY BÌNH