Sự kiện em Lê Quang Trung, học sinh lớp 6A1 trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (APC), đoạt giải Bạch Kim trong kỳ thi Olympic Toán học Châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS 2012) vừa qua được xem như thắng lợi chung của học sinh Việt Nam và là niềm vinh dự cho trường APC. Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với thầy Phạm Anh Quang – Hiệu trưởng Trường APC TPHCM. Dưới đây là nội dung cuộc tiếp xúc này.
° Trước sự việc nêu trên thầy có ý kiến gì?
Thầy Phạm Anh Quang: Trước tiên tôi xin cám ơn sự quan tâm của nhiều giới trước tin vui này. Với tôi, thành công trong giáo dục là sự tổng hợp hài hòa của nhiều yếu tố mà quyết định nhất đó là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đối với nhà trường, chúng tôi luôn phải làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình. Một trong những vai trò và trách nhiệm đó là phát hiện tài năng, định hướng sự phát triển, tạo điều kiện tuyệt đối để học sinh phát huy tốt nhất năng lực bản thân.
Giải thưởng hôm nay chính là nền tảng, động lực để em Trung tiếp tục nỗ lực, phấn đấu. Nhưng nhìn theo quan điểm giáo dục của nhà trường thì chúng tôi vẫn muốn học sinh hiểu rằng kỳ thi này chỉ là một sân chơi và giải thưởng này giống như mốc son đầu tiên trên con đường đến đích thành công. Bởi đích đến còn rất xa và để đi hết con đường ấy thì nhất thiết không thể thiếu sự phát triển toàn diện. Riêng nhà trường đã lên kế hoạch tập trung dài hạn những học sinh với năng lực và niềm đam mê toán học cùng với em Trung theo chế độ chăm sóc, giảng dạy đặc biệt tương thích. Bởi trong trường hợp này, nhà trường luôn nhận định sự cần thiết phải tạo nên môi trường tương tác thích ứng với định hướng phát triển tích cực cho em. Đào tạo mũi nhọn nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo quan điểm giáo dục và mục tiêu giáo dục của nhà trường.
Quan điểm của APC là phải đạt được mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh. Với chúng tôi, phát triển toàn diện chính là nền tảng vững chắc của sự thành công. Chúng tôi muốn góp phần hình thành một thế hệ trẻ tài – đức vẹn toàn. Một thế hệ tương lai của đất nước phải hội đủ những giá trị chân, thiện, mỹ…
° Có phải mỗi quan điểm giáo dục thì cần có một phương pháp giáo dục thích ứng đi kèm?
- Thật ra không có phương pháp giáo dục nào tối ưu tuyệt đối. Mỗi đối tượng giáo dục khác nhau ta chọn phương pháp giáo dục khác nhau. Trong mỗi giai đoạn phát triển tâm sinh lý khác nhau ta lại chọn phương pháp giáo dục thích ứng khác… Vì thế trong quá trình giáo dục chúng ta phải phối hợp linh hoạt các phương pháp giáo dục. Với APC, chủ đạo vẫn dùng phương pháp lấy học trò làm cơ sở, lắng nghe và tôn trọng chính kiến tích cực của học trò, khuyến khích lối tư duy năng động, sáng tạo có định hướng... Và với xu thế hiện nay, chúng tôi tập trung phát huy vai trò và trách nhiệm của học sinh, thể hiện cho học trò của mình hiểu rằng: Các em hãy sống trách nhiệm với chính mình, với gia đình; sống trách nhiệm với bạn bè, xã hội, tổ quốc… để các em cảm nhận được giá trị của bản thân. Và khi hiểu được giá trị bản thân, các em sẽ nỗ lực phấn đấu để giá trị đó được ghi nhận.
° Thầy nghĩ như thế nào về vai trò của giáo dục đối với một bộ phận nhỏ giới trẻ có lối sống không tích cực hiện nay?
- Nhìn ở góc độ tích cực nhất thì đó là hệ lụy kèm theo khi xã hội ngày càng phát triển. Bởi bất kỳ ai trong chúng ta đều luôn tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc, sự thoải mái về vật chất lẫn tinh thần. Với con trẻ, trong thế giới quan của chính mình thì những điều các em đang suy nghĩ, đang hành động chính là niềm vui, là hạnh phúc của các em… Nhưng những giá trị của niềm vui, hạnh phúc đó không phải giá trị mà ta mong muốn. Vai trò và trách nhiệm của giáo dục là định hướng lại cho các em giá trị chân, thiện, mỹ; Bảo vệ các em trước những cám dỗ và cuối cùng là rèn luyện các em nghị lực vượt qua những cám dỗ ấy. Đó là một phần trong chương trình giáo dục của APC, bởi nghị lực không tự nhiên mà có, đó là kết quả của một quá trình giáo dục và rèn luyện.
° Chuẩn bị cho năm học 2012 – 2013, việc tuyển sinh với chất lượng đầu vào không đồng đều có dẫn đến sự lo ngại lớn trong phụ huynh?
- Tôi xin ghi nhận sự lo ngại có cơ sở này của quý phụ huynh. Nhưng nếu hỏi thế nào là học sinh giỏi? Thế nào là học sinh kém? Chúng ta sẽ nhận được một văn bản cụ thể về những qui định để định nghĩa những cụm từ này và chúng ta cứ thế mà xếp loại, đánh giá... Vì thế cũng xin được nói rõ ở điểm này, cách nhận định đánh giá chất lượng giáo dục của trường APC vẫn theo quan điểm đánh giá chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng với góc nhìn một quá trình thay đổi tích cực của học sinh: Ngày hôm qua các em đã không làm được điều mà bố, mẹ, thầy, cô mong đợi nhưng hôm nay các em làm điều đó một cách tốt hơn. Vì thế chúng tôi cần những học sinh biết xấu hổ vì kết quả học tập kém, có mong muốn tiến bộ để chúng tôi định hướng mục tiêu giáo dục, giúp các em làm nên điều kỳ diệu nhất mà người lớn chúng ta vẫn cho là không thể. Theo chúng tôi, không có học sinh kém, mà chỉ có học sinh không được định hướng đúng. Và chúng tôi tuyển sinh theo quan điểm này.
° Xin cám ơn thầy về buổi trò chuyện này.
Anh Trinh - Bảo Kim