Đào tạo công chức đến năm 2020: Yêu cầu cấp bách

Yếu chuyên môn, thiếu thực tiễn
Đào tạo công chức đến năm 2020: Yêu cầu cấp bách

TPHCM hiện có đội ngũ gần 100.000 cán bộ, công chức và viên chức làm việc tại các đơn vị, tổ chức, cơ quan hành chính thuộc hệ thống chính quyền các cấp. Trong đó, đội ngũ công chức thừa hành công vụ có khoảng 11.000 người. Tuy nhiên, theo ước tính chỉ có chưa đến 10% trong đội ngũ trên có đủ trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu xây dựng nền hành chính công…

Lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước cho công chức khối sở ngành tại Trường Cán bộ TPHCM. Ảnh: H.N.

Lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước cho công chức khối sở ngành tại Trường Cán bộ TPHCM. Ảnh: H.N.

Yếu chuyên môn, thiếu thực tiễn

Nằm trong khuôn khổ của dự án hỗ trợ cải cách hành chính  cho TPHCM, nhóm chuyên gia tư vấn của Tổ chức Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vừa thực hiện đợt khảo sát tại một số quận huyện và sở ngành về nhu cầu đào tạo đội ngũ công chức giai đoạn 2010-2020.

Kết quả cho thấy, đội ngũ công chức của TP hiện vừa yếu, thiếu, lại vừa chênh lệch về trình độ chuyên môn. Công chức có thâm niên chiếm tỷ lệ khá cao với gần 70%, có nhiều kinh nghiệm nhưng lại thiếu các kỹ năng cần thiết trong một môi trường tổ chức hành chính hiện đại. Đáng chú ý, đối với nhóm công chức này là còn một bộ phận vẫn quen hoặc có xu hướng làm việc theo lề lối cũ. Cụ thể, tại bộ phận văn phòng của một quận, chỉ có 6/28 công chức có thể tự nghiên cứu, tham mưu và đề xuất một đề tài mang tính khoa học gắn với thực tiễn công việc mà mình đang đảm nhận.

Theo nhóm chuyên gia tư vấn, thực trạng trên xuất phát từ thực tế trong nhiều năm qua đội ngũ công chức của TP chưa được đào tạo một cách đầy đủ và có kiến thức và các kỹ năng quản lý cần thiết để thực thi công vụ một cách hiệu quả nhất. Nhiều công chức phát triển con đường chức nghiệp thông qua việc tự tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Do vậy, về chuyên môn họ thường bị tụt hậu so với đòi hỏi ngày càng cao của TP.

Những năm qua, TP đã tập trung đầu tư rất lớn cho công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Trường Cán bộ TP, có một tỷ lệ khá lớn công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng không phù hợp với trình độ chuyên môn. Có một thực tế ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức là những người làm được việc thì thường được cử đi học hết lớp này đến lớp khác.

Ngược lại, những người trình độ chuyên môn thấp lại rất ít có cơ hội được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó, nảy sinh tâm lý sợ đi học hoặc đi học nhưng tiếp thu một cách thụ động, thiếu sự sáng tạo trong vận dụng kiến thức học được vào thực tế công việc. 

Khảo sát đầu vào để đào tạo phù hợp

100% công chức được đào tạo là mục tiêu mà nhóm chuyên gia tư vấn đặt ra khi xây dựng lộ trình đào tạo đến năm 2020 cho đội ngũ công chức TP. Đích đến của lộ trình được xác định là tập trung đào tạo về năng lực có khả năng làm chủ và hoàn thành nhiệm vụ trong các tình huống thực tế; xử lý được các tình huống phát sinh; vượt qua khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và tiên liệu được những xu hướng và sự thay đổi trong tương lai khi thực hiện các nhiệm vụ để đưa ra các giải pháp hiệu quả, tránh gây tổn thất.

Theo TS Bích Hoa, thành viên nhóm chuyên gia tư vấn, lộ trình đào tạo đội ngũ công chức TP được chia thành các giai đoạn: Từ 2010 đến 2012; từ 2012 đến 2015 và từ 2015 đến 2020. Trong đó, giai đoạn từ 2010 đến 2012 phải đào tạo được ít nhất 50% công chức làm công tác tham mưu ở các sở ngành và quận huyện.

Mục tiêu này bảo đảm yêu cầu hình thành ngay một đội ngũ công chức ở cấp sở ngành, quận huyện có năng lực tham mưu, hoạch định các giải pháp thực thi hiệu quả các mục tiêu phát triển của TP. Đồng thời, trang bị kỹ năng quản lý hiện đại phù hợp theo các vị trí công việc; bảo đảm có đủ năng lực để tổ chức và thực thi hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP trong bối cảnh mới.

Nội dung đào tạo được chia thành 20 mô-đun theo nhóm các kỹ năng về quản lý, điều hành, nghiên cứu, hoạch định chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế… Mỗi mô-đun (tương đương với một khóa học) học tập trung từ 3 đến 5 ngày, bảo đảm suốt lộ trình từ 2010 đến 2020, 100% công chức của TP sẽ hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao năng lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển nền hành chính công hiện đại và hội nhập.

Để lộ trình đào tạo trên sớm được triển khai, theo bà Trần Mỹ A, chuyên viên Ban Tổ chức Thành ủy, cần khảo sát đầu vào theo trình độ thực tế của đội ngũ công chức hiện nay để đưa ra các mô-đun đào tạo phù hợp. Thành ủy ủng hộ chủ trương đào tạo bắt buộc này và coi đây là một yêu cầu cấp bách trong chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức chung cho TP. Ban Tổ chức Thành ủy sẽ phối hợp trong chỉ đạo tổ chức thực hiện theo lộ trình đã đề ra, nhằm đảm bảo yêu cầu xây dựng được một đội ngũ công chức có chất lượng sử dụng được cho trước mắt và lâu dài.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục