Ngày 30-8 vừa qua, tại Trường Đại học Văn Lang TPHCM đã diễn ra hội thảo “Việc làm về công nghệ thông tin cho người khuyết tật”. Ngoài mục đích “hiến kế” cho sự phát triển của dự án, đây còn là dịp để các nhà tổ chức, điều hành chương trình, các mạnh thường quân nhìn lại những thành quả bước đầu về xóa bỏ rào cản, định kiến xã hội đối với người khuyết tật mà họ đã dốc tâm huyết thực hiện…
Chỉ cần nhìn vào bảng danh sách 45 cơ quan, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hành chính, công nghệ thông tin từ miền Trung đến Nam bộ đăng ký tiếp nhận thực tập sinh và tuyển dụng học viên cùng con số 87,9% học viên khuyết tật của tất cả các ngành tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp (do Tổ tư vấn hướng nghiệp xã hội của dự án và Phòng Kế hoạch - Quản lý nhân lực Đại học Văn Lang tiến hành khảo sát) đã phần nào cảm nhận những cố gắng đáng trân trọng của các thành viên trong ban tổ chức, điều hành dự án.
Theo ông Trần Phan Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề kỹ thuật cao, thành quả đáng khích lệ đó bắt nguồn từ nhiều yếu tố, cụ thể là sự chuyên tâm của tập thể cán bộ giảng viên nhà trường và trung tâm trong việc nghiên cứu cách thức tổ chức lớp học tập trung ở các vấn đề quan trọng như: tuyển sinh, xây dựng chương trình học, công tác đào tạo, giới thiệu việc làm và theo dõi hỗ trợ học viên sau khi tốt nghiệp.
Trong công tác tuyển sinh, nhà trường đã vận dụng các kênh thông tin thông báo tuyển sinh như: báo mạng, báo giấy, diễn đàn online cộng đồng người khuyết tật. Các cán bộ, nhân viên chuyên trách thường xuyên bám sát và tích cực chuyển thông tin tuyển sinh tới các câu lạc bộ người khuyết tật, hội người mù các tỉnh, các mái ấm, nhà mở thông qua email, điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp. Ngoài ra, đơn vị còn linh động triển khai thông tin tuyển sinh qua kênh liên lạc với các bạn cựu học viên khóa trước. Trước khi học viên chính thức nhập học, đại diện đơn vị đào tạo thường tổ chức các buổi phỏng vấn tuyển sinh trực tiếp có mặt cha mẹ, người thân học viên nhằm nắm bắt trình độ, hoàn cảnh, nguyện vọng giúp đối tượng chọn đúng nghề phù hợp.
Việc thiết kế chương trình đào tạo, dựa trên chương trình đào tạo của Đại học Carnegie Mellon (CMU - Đại học Hoa Kỳ được xếp hạng 1 thế giới lĩnh vực công nghệ máy tính) chuyển giao, ban quản lý dự án ITTP Đại học Văn Lang đã tổ chức nhiều cuộc họp với các giảng viên được đào tạo tại Mỹ và các chuyên gia thuộc phòng, ban trong trường nhằm kiến tạo mô hình dạy học tốt và phù hợp nhất với các học viên khuyết tật.
Về phương pháp giảng dạy, ban quản lý dự án cùng tập thể giáo viên đã tiến hành nghiên cứu và phân loại các dạng khuyết tật tương thích với phương pháp đào tạo. Đối với học viên khuyết tật vận động thì áp dụng phương pháp trực quan sinh động; người khiếm thính thì phải có giáo viên “thủ ngữ” đi kèm; người khiếm thị được trang bị loa ngoài và tai nghe riêng. Bên cạnh đó, giảng viên cũng ứng dụng các chương trình dạy học hiện đại như Netop School, Net Support có thể thu nhỏ màn hình, ngắt kết nối, kết nối, đánh dấu, ghi chú… giúp học viên tập trung hơn các bài tập thực hành và nhìn rõ bài giảng trên máy tính.
Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng tạo mọi điều kiện cơ sở hạ tầng tốt nhất dành riêng cho học viên khuyết tật như: làm hành lang, lối đi riêng, thang máy, nhà vệ sinh trong khuôn viên trường và khu vực nội trú sao cho thật phù hợp với người khuyết tật. Đặc biệt, trong giai đoạn 2 của dự án (từ tháng 8-2010 đến tháng 9-2011) nhà trường hỗ trợ 1 xe 15 chỗ đưa rước từ trường về ký túc xá nhằm giảm bớt khó khăn cho học viên.
Để giúp học viên khi tốt nghiệp phát triển được nghề, có thu nhập và cuộc sống ổn định, trong quá trình học, đơn vị đào tạo đã cắt cử cán bộ thường xuyên liên hệ và mời đại diện doanh nghiệp đến trường giao lưu với học viên. Song song đó phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cho học viên đi tham quan, kiến tập. Nhà trường còn chủ động xây dựng mạng lưới cựu học viên, thực hiện khảo sát điều tra việc làm sau khi tốt nghiệp nhằm tiếp nhận thông tin tuyển dụng từ các cựu học viên đã có việc làm ổn định tại các công ty.
Thông qua diễn đàn sinh viên, các cựu học viên còn có điều kiện truyền đạt thông tin, chia sẻ kinh nghiệm học tập làm việc của chính bản thân mình cho các học viên mới nhập học. “Với kinh nghiệm tổ chức điều hành và quản lý chương trình đúc kết từ thực tế suốt 2 giai đoạn vừa qua, tôi tin rằng ở giai đoạn tiếp theo hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn này sẽ được tiếp tục triển khai hiệu quả và có tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong xã hội” - ông Dũng khẳng định trước khi chia tay chúng tôi.
MAI NGUYỄN