Quy định về đào tạo liên thông các bậc học bị siết chặt (Ảnh: Sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành)
Qua hơn 14 năm thực hiện đào tạo liên thông - từ trung cấp (TC) lên cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) và từ CĐ lên ĐH - hệ đào tạo này đã đóng góp và giải quyết được nhu cầu học tập rất lớn của xã hội. Nhưng hiện nay, khi hệ thống giáo dục sau THTP được chia thành 2 hướng - giáo dục nghề nghiệp (TC, CĐ) và giáo dục ĐH (ĐH, sau ĐH) - thì quyết định mới về liên thông lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến người học lẫn các trường.
Liên tục thay đổi quy định
Các trường được tuyển sinh liên thông (từ TC, CĐ lên ĐH) vào đầu năm 2003 và số lượng người học hệ liên thông này rất lớn, đã tham gia vào thị trường lao động cũng như quản lý. Tuy nhiên, các quy định đối với hệ đào tạo này trong hơn 14 năm qua có quá nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến cơ hội học tập của nhiều người cũng như đối với các cơ sở đào tạo.
Lần đầu tiên là Công văn 6446 của Bộ GD-ĐT (tháng 9-2012), chấn chỉnh việc liên thông và liên kết đào tạo liên thông. Công văn này yêu cầu hoạt động liên thông, liên kết đào tạo liên thông từ TC lên CĐ, CĐ lên ĐH hệ chính quy phải thực hiện tại cơ sở chính của trường, các cơ sở thực hiện đào tạo liên thông, liên kết phải có quyết định của Bộ GD-ĐT. Đến năm 2013, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT siết hoạt động đào tạo liên thông bằng việc quy định thí sinh tốt nghiệp TC nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chính quy chưa đủ 3 năm (36 tháng) nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành học liên thông, trong kỳ thi tuyển sinh CĐ - ĐH chính quy năm 2013. Quy định này khiến các cơ sở đào tạo TC, CĐ chết đứng. Nhiều trường ĐH tuyển sinh hệ liên thông không tuyển được thí sinh. Đến ngày 21-4-2015, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 08 thay thế Thông tư 55, trong đó bỏ quy định nói trên.
Đến ngày 31-5-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 18 về liên thông giữa trình độ TC, trình độ CĐ với trình độ ĐH. Quyết định 18 có nhiều điểm thay đổi với mục đích nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đối với hệ đào tạo liên thông. Trong đó, đáng chú ý nhất là siết quy định liên thông ở khối ngành sức khỏe và thí sinh TC liên thông lên ĐH. Theo quy định mới ban hành, người có trình độ TC muốn liên thông thẳng lên ĐH bắt buộc phải dự tuyển sinh cùng thí sinh tốt nghiệp THPT quốc gia (hiện nay là kỳ thi THPT quốc gia). Thí sinh liên thông một bậc, từ TC lên CĐ hay từ CĐ lên ĐH thì mới tham dự kỳ thi do trường CĐ hoặc trường ĐH tổ chức. Quy định này hiện nay khiến nhiều trường cảm thấy băn khoăn.
Cần sự ổn định
Thực tế, Quyết định 18 của Chính phủ liên quan và ảnh hưởng nhiều đến khối ngành sức khỏe. Trong đó, mấu chốt là ở Điều 6 quy định về tuyển sinh liên thông. Theo đó, thí sinh TC liên thông ĐH phải thi kỳ thi THPT quốc gia cùng với học sinh lớp 12. Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, chỉ áp dụng thi tuyển sinh liên thông riêng đối với người có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, với điểm mỗi môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-7-2017, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có hàng ngàn hồ sơ đăng ký thi liên thông từ CĐ Dược lên ĐH Dược đều phải dừng vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Tại các Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Lạc Hồng…, rất nhiều thí sinh CĐ muốn liên thông lên ĐH Dược cũng cùng chung cảnh ngộ.
Lãnh đạo một trường CĐ có nhiều sinh viên tốt nghiệp CĐ Dược đăng ký thi liên thông lên ĐH ở nhiều trường cho biết: “Quyết định 18 đã có hiệu lực nhưng hiện nay chưa có bất kỳ thông tư hướng dẫn nào từ Bộ GD-ĐT để thực hiện. Về chứng chỉ hành nghề, chưa biết phải đăng ký hay phải thi; do đơn vị nào tổ chức thi và cấp chứng chỉ? Nếu không giải quyết sớm vấn đề này thì vô hình trung các trường CĐ vốn ở thế đã khó nay lại càng thêm khó”.
Trong khi đó, nhiều trường TC có đào tạo nhóm ngành sức khỏe ngao ngán: Thông tư 55 đã một lần khiến các trường rơi vào cảnh khó khăn, nay với Quyết định 18 thì các trường TC lại càng khó hơn trong khâu tuyển sinh và điều này làm ảnh hưởng lớn đến công tác phân luồng. Liên Bộ GD-ĐT, Y tế, LĐTB-XH phải cấp thiết bàn bạc, thống nhất và có thông tư hướng dẫn rõ ràng, chứ để như hiện nay là các trường TC hết đường sống.
Một chuyên gia đào tạo cho rằng: “Khung trình độ giáo dục quốc gia đã có và quy định rõ từng cấp độ đào tạo. Do đó, các bộ ngành phải ngồi lại với nhau thống nhất về chương trình, về các quy định liên thông, để người học ở các cấp thấp liên thông lên các bậc học cao hơn. Nếu không làm được vấn đề này mà cứ mạnh ai nấy làm như hiện nay, thì vừa tội cho người học và vừa khó cho các trường. Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, chất lượng đào tạo của các chương trình liên thông, liên kết đào tạo liên thông hiện nay có quá nhiều vấn đề về đầu vào cũng như đầu ra, các cơ sở đào tạo cần phải đánh giá và nhìn nhận một cách nghiêm túc”.