Đào tạo “vua”

Nguyễn Nguyên

Sau sự cố hàng loạt trọng tài cấp cao nhúng chàm, VFF và Hội đồng trọng tài (đúng hơn là một thành viên trong hội đồng) ngồi lại với kế hoạch mở lớp đào tạo cấp tốc dành cho “vua” để chuẩn bị cho mùa giải 2006.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm không đề cập đến chuyện “bỏ bóng đá người” nơi các thành viên để tranh giành nhau chiếc ghế ở Hội đồng trọng tài mà chỉ đề cập đến vấn đề đào tạo “vua”.

Đào tạo “vua” ảnh 1

Trọng tài trẻ Nguyễn Quốc Hùng phạt thẻ đỏ Xuân Hoàng (16, Nam Định).

Chuyện đào tạo “vua” lâu nay gần như bị đóng băng kể từ sau khi ông cựu Ủy viên Hội đồng trọng tài Đỗ Đình Hùng thất sủng.

Hồi ông Đỗ Đình Hùng còn làm giảng viên và còn có tiếng nói trong Hội đồng trọng tài, các khóa đào tạo được tổ chức thường xuyên và chất lượng đầu ra thường được đánh giá là khá, có tính kế thừa. Đến nay, ngoài các trọng tài kỳ cựu đã mất thì ông Hùng là người duy nhất được các trọng tài (ở đủ mọi cấp) gọi là thầy.

Các khóa đào tạo hồi ấy thường là do Liên đoàn chủ động và người lên kế hoạch giảng dạy là các trọng tài kỳ cựu đã gác còi, trong đó ông Hùng là chủ trì. Sau này, khi ông Hùng bị đánh bật khỏi Hội đồng trọng tài, số giờ lên lớp của ông cũng giảm đi rất nhiều.

Thay cho những buổi học chất lượng mà giảng viên Đỗ Đình Hùng đứng lớp thường là những buổi hội thảo gọi là trao đổi nhiều hơn là các buổi học của học viên với giảng viên như trước đây. Bằng chứng là nhiều trọng tài sau này “ra trường” từng lên tiếng than phiền về những ông thầy không ra thầy: “Ông ấy hồi làm trọng tài biết quái gì về luật và mấy khi được cầm còi, bây giờ ngồi vào ghế Hội đồng lại lên lớp và toàn là lý thuyết suôn”.

Làm trọng tài bây giờ nhiều người nói quá khó, nhưng trong giới thì lại bảo là quá dễ nếu biết đường đi. Khó đối với những người đi bằng cổng chính và dễ với những người biết đi cổng phụ. Đó là một sự thật mà thường thì nhiều người không khó nhận ra các trọng tài xum xuê bên người nào thì đại đa số là người đó có tiếng nói quyết định đến việc ra sân của trọng tài nhiều hơn là yếu tố chuyên môn.

Thời bao cấp, khi ông Trần Bảy làm Tổng thư ký và nổi tiếng là người có kinh nghiệm làm Trưởng giải, ông Bảy tâm sự rằng: “Làm Trưởng giải, ai nắm được trọng tài thì xem như người ấy nắm được thành công của giải”. Câu nói ấy của ông Bảy chỉ phù hợp với tình hình bóng đá bao cấp thời ấy chứ không hợp với xu hướng mới bây giờ nhưng tiếc là những người kế nhiệm ông vẫn đi bằng con đường ấy.

Trọng tài nào ra sân, trọng tài nào được phân công, trọng tài nào được trưng dụng và thậm chí là được làm trận “ngon”, giới trọng tài thường hiểu làm sao để được hưởng những đặc cách và đặc lợi ấy. Thế nên mới có chuyện thời của ông này thì trọng tài này được xem là số 1, được đẩy vào FIFA nhưng sang thời ông khác thì các trọng tài ấy lại trở nên tội đồ. Đơn cử như trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng luôn là số 1 thời ông Trần Bảy làm Tổng thư ký và làm Trưởng giải, nhưng sang đến đời sau thì trọng tài Tuấn Hùng bị lột FIFA và bị “giết” đầu tiên bởi 1 quả 11 mét bị tranh cãi ở bên ngoài hay bên trong vạch 16m50 của đội Sông Lam.

Không sai khi chính trong giới trọng tài khi được ưu ái đi làm giải luôn kèm theo những câu hỏi nhau về chuyện “kèm mồi” hoặc “nó là lính ai?”.

Và chuyện chất lượng của trọng tài đã bị trượt dài từ những góc nhìn và những quan niệm mang tính… bóng đá như thế.

Cựu trọng tài FIFA Hồ Thiệu Quang từng là người đào tạo ra nhiều học trò làm trọng tài của bóng đá TP.HCM tâm sự: “Đào tạo nên một trọng tài ít nhất phải 6 năm còn với một trọng tài giỏi thì phải lâu hơn, nhiều hơn cộng với nhiều yếu tố khắc nghiệt”. Bây giờ, sau khi hàng loạt trọng tài đạn bắn không thủng nhúng chàm, những người làm trọng tài chẳng những không hiểu hết về sự khắc nghiệt của một trọng tài được đào tạo và trưởng thành như thế nào lại chỉ tính đến thời gian non ba tháng cho việc xuất xưởng hàng loạt.

Cứ nhìn những trọng tài trẻ và mới được thử nghiệm ở vòng chung kết U-21 thì biết. Họ thật khổ sở và khó khăn dù ai cũng tin chắc họ làm việc bằng một cái tâm chưa bị vẩn đục. Thế mà vẫn kiện cáo, vẫn làm chết oan một đội bóng đương kim vô địch.

Không phải cứ làm “vua” và cứ sống lâu lên lão làng là đào tại ngay được “vua”.

Lâu nay, những ông “vua” ở Việt Nam gần như không có thầy thực thụ.

Nguyễn Nguyên

Tin cùng chuyên mục