Bên lề hội thảo “Các đô thị miền Đông Nam bộ” vào đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chia sẻ, TP rất quyết liệt trong công tác thu hồi đất công, kho bãi sử dụng không đúng mục đích. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản...
Cò kè và thách thức
Theo báo cáo của UBND quận 8 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng cục bộ kho bãi để tạo quỹ đất xây nhà tái định cư phục vụ chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà lụp xụp trên kênh rạch, địa bàn quận có tới 77 kho, trong đó Trung ương quản lý 33 kho với tổng diện tích hơn 198.000m², TP quản lý 44 kho với tổng diện tích gần 119.000m².
UBND quận 8 cho biết, bên cạnh một số ít đơn vị giao mặt bằng nhanh còn có khá nhiều đơn vị cố tình “chây ỳ” dù đã có quyết định thu hồi đất từ nhiều năm nay. Trong tổng số 18 mặt bằng nhà, đất đã được Bộ Tài chính và UBND TPHCM ra quyết định thu hồi, đến nay quận 8 chỉ mới tiếp nhận được khoảng 6 mặt bằng. Đa số các đơn vị còn lại viện cớ chờ ghi vốn, lập phương án bồi thường tài sản trên đất… hoặc chờ hết hạn hợp đồng cho thuê đất, kho bãi với các đối tác mới trả lại đất cho Nhà nước.
Trong khi đó, nhiều kho bãi bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích. Kho số 338 đường Dương Bá Trạc phường 1 quận 8 có diện tích 4.600m² do Công ty cổ phần Điện máy quản lý sử dụng là một điển hình. Ghi nhận tại đây cho thấy, ngôi nhà kho đã khá cũ kỹ. Tấm bảng đề “Xưởng sản xuất và lắp ráp hàng điện máy” treo trước cửa đã phai gần hết chữ. Xe ra, vào khu vực này khá thường xuyên nhưng bảo vệ không cho chúng tôi vào ngay cả khi chúng tôi đi cùng với cán bộ quản lý đô thị quận.
Mặt bằng số 42-46 Mạc Vân phường 13 quận 8 có diện tích khoảng 4.000m² do Công ty cổ phần Dệt may Gia Định quản lý trống lốc, cũ kỹ với vài bức tường loang lổ dù bên ngoài treo tấm bảng rất mới “Trung tâm đào tạo cán bộ ngành dệt may – Cơ sở 2”. Trong khu đất này, có một căn phòng nhỏ đủ đặt chiếc giường, một tivi và một bảo vệ đang sinh sống. Ông bảo, hình như công ty chỉ đồng ý trả lại một phần mặt bằng.
Theo một cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, việc các đơn vị phải trả lại kho bãi, đất công sử dụng không đúng mục đích “cò kè” kiểu như trên không hiếm. Kho số 15 trên đường Lương Ngọc Quyến phường 13 quận 8 có diện tích 1.250m2 do Công ty Kho bãi TP quản lý và cho lại Công ty cổ phần Hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật thuê là một ví dụ. Sau 7 năm có quyết định thu hồi, tháng 7-2011 vừa qua, UBND quận 8 mới lấy lại được kho 15 Lương Ngọc Quyến để xây dựng trường mầm non. Quận 8 phải cho đơn vị này thuê lại một mặt bằng khác tại Bến Bình Đông để di dời tạm trong khi đơn vị chờ TP bố trí chính thức mặt bằng khác (?).
Tuy nhiên, chưa thể nói hành xử kiểu “cò kè” là quá tệ. Chánh văn phòng một bộ lớn, có một khu đất to ở ngay trung tâm TP mà chỉ có lèo tèo vài cơ quan ở, đã thách thức: “Ai dám vào đây thu hồi đất?” khi chúng tôi đề cập đến ý kiến “gom” các văn phòng bộ lại chung một nơi, còn phần mặt bằng dôi dư, giao cho TP sử dụng cho các mục đích công ích.
Dường như không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các kho bãi trên đường Bến Bình Đông rộng hàng mấy ngàn mét vuông dù đã có quyết định thu hồi để xây dựng trường học từ lâu như kho số 275, 287-291, 305-307, 681 song mọi việc chưa tiến triển khi mà có nhiều đơn vị sử dụng sai mục đích kho bãi, đất đai công có thái độ như vậy.
Lúng túng
Một thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho thấy, từ năm 2003 đến nay, sở đã ra quyết định thu hồi khoảng 100 khu đất công hoặc kho bãi sử dụng không đúng mục đích.
Tiến độ thu hồi các mặt bằng này chuyển động chậm chạp, ngoài lý do khách quan thuộc về những đơn vị đang nắm giữ các mặt bằng, kho bãi sử dụng không đúng mục đích, không thể không nói đến một nguyên nhân chủ quan. Đó là hệ thống thủ tục phiền hà trong thu hồi đất.
Một cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, về nguyên tắc, muốn thu hồi đất các địa phương và sở ngành chức năng phải lập phương án bồi thường đối với phần kiến trúc được xây dựng trên đất. Đây là công việc không đơn giản và trong nhiều trường hợp, do không thỏa thuận được phương án đền bù, các sở ngành chức năng cùng các địa phương đã buộc phải… ngưng công việc của mình.
Đã có trường hợp một khu đất công trước kia chỉ có cỏ mọc và sình lầy. Đơn vị được giao sử dụng khu đất đã chịu khó san lấp mặt bằng và xây dựng một số công trình trên đó. Khi giao trả lại đất cho Nhà nước, đơn vị này đề nghị được bồi thường với chi phí gần bằng chi phí mua một miếng đất mới tương tự. Hai bên không thống nhất phương án đền bù nên việc thu hồi chắc còn rất lâu mới thực hiện được.
Trong một số trường hợp, cả hai bên thu hồi và bị thu hồi đất đều rất thiện chí, thế nhưng công tác đền bù công trình xây dựng trên đất nhiều khi cũng rất mất thời gian, nhất là đối với các công trình kỹ thuật. Trước hết, hai bên phải thống nhất được với nhau việc chọn tư vấn đánh giá chất lượng công trình kỹ thuật. Sau khi tư vấn trình kết quả, hai bên phải cùng ngồi lại và thống nhất kết quả đánh giá của tư vấn… Những thủ tục như vậy nhiều khi kéo dài hàng năm liền...
Trở lại với mặt bằng tại số 338 đường Dương Bá Trạc nêu trên. Mặt bằng này đã có quyết định thu hồi của UBND TPHCM từ năm 2007 và đến tháng 3-2008, UBND TPHCM ban hành quyết định thành lập Hội đồng định giá mặt bằng để tổ chức thẩm định, lập phương án bồi thường cho Công ty cổ phần Điện máy.
Tuy nhiên đến nay, công tác thẩm định giá vẫn còn nằm trên giấy vì doanh nghiệp nêu trên không đồng ý cho tổ công tác khảo sát hiện trạng, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản trên đất. Doanh nghiệp tuyên bố sẽ không hưởng ứng bất cứ yêu cầu nào của quận 8 về việc xử lý kho 338 Dương Bá Trạc nếu không được làm việc với UBND TPHCM (?).
Đối với mặt bằng 42-46 Mạc Vân, UBND quận 8 cho biết, năm 2009 Sở Tài chính đã duyệt để bán đấu giá nhưng xem lại thì khu đất này theo quy hoạch của quận là xây dựng trường học nên mọi việc dừng lại. UBND quận 8 đã kiến nghị thu hồi phần phù hợp với quy hoạch xây trường để xây trường (khoảng 3.500m2) và phần đất phù hợp với quy hoạch khu dân cư (khoảng 500m2) đưa ra đấu giá nhưng đến nay các sở, ngành chức năng vẫn chưa có ý kiến.
Nguyễn Khoa - Hạnh Nhung