Dặt dìu tre nứa

Những bó tăm hương từ xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đang tỏa đi khắp nơi, phục vụ mùa sản xuất lớn nhất trong năm là Tết Nguyên đán. Không chỉ tăm hương, làng quê này còn lưu giữ nghề đan lát rá tre, mẹt tre vốn cứ tưởng vắng bóng từ lâu bởi những sản phẩm đồ nhựa.

Mùa đợi nắng

Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Phú Cầu lọt vào “mắt xanh” của hãng thông tấn AFP (Pháp) mùa Tết Tân Sửu 2021 với những khuôn hình đậm chất điện ảnh khi những bó tre, bó tăm hương nhuộm đỏ, nhuộm hồng xòe ra như những bông hoa lớn đẹp mắt, được đem hong khô trên những cánh đồng, sân phơi, dọc theo những con đường làng…

Người dân làng Quảng Phú Cầu phơi tăm hương

Người dân làng Quảng Phú Cầu phơi tăm hương

Những ngày giáp Tết Nguyên đán năm nay, người dân Quảng Phú Cầu thấp thỏm hơn bao giờ hết bởi sự đỏng đảnh của thời tiết. “Dù xã đã có dăm bảy chục lò sấy thủ công, nhưng với nghề làm tăm hương, không gì tốt bằng phơi nắng trời”, anh Nguyễn Hữu Trường, chủ cơ sở sản xuất tăm Ánh Trường (thôn Cầu Bầu) chia sẻ.

Năm nào cũng thế, gần Tết Nguyên đán là thời điểm nhộn nhịp, tất bật nhất ở làng Quảng Phú Cầu. Các cơ sở sản xuất tăm hương đều tăng nhân lực gấp đôi. Ông Nguyễn Hữu Quỳnh (thôn Đạo Tú) cho biết, nguyên liệu làm tăm hương là vầu bánh tẻ (không già quá, không non quá), được chuyển đến từ Nghệ An, Thanh Hóa…, thậm chí cả từ nước bạn Lào. Sau khi được “pha” mảnh, nếu chẻ máy thì chỉ cần đem hong khô, còn nếu vót tay (tăm vuông) thì phải đem ngâm kỹ cho hết chất “chua” của cây vầu rồi mới đem chẻ thành chân hương để tránh mối mọt, ẩm mốc. Cầu kỳ hơn, nhưng loại tăm vuông được làm thủ công sẽ để được tới 1-2 năm mà không cần sấy thuốc, đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng.

Là một thợ chẻ vầu kỳ cựu, ông Quỳnh rất tự hào “khoe”, mỗi ngày ông có thể chẻ được 1 tấn vầu. Vợ chồng ông Quỳnh đều làm nghề tăm hương đã nhiều năm, với đôi găng tay và con dao chẻ vầu, ông bà đã nuôi nấng cả 3 người con tốt nghiệp đại học, lập nghiệp ở Hà Nội.

Theo người dân làng Quảng Phú Cầu, trước đại dịch Covid-19, phần lớn sản phẩm tăm hương được xuất khẩu đi Ấn Độ, nhưng giờ đây đa số được tiêu thụ trong nước. Tăm hương xuất khẩu thì nguyên liệu nhất thiết phải là vầu, chẻ bằng máy, tròn bóng, đều tăm tắp. Trong khi tăm hương tiêu dùng nội địa có thể dùng cả nứa, có loại chẻ máy (tăm tròn), loại chẻ tay (tăm vuông). Tăm hương Quảng Phú Cầu chủ yếu là sản phẩm thô, xuất khẩu hoặc bán buôn cho tiểu thương các tỉnh, thành phố, nhưng cũng có một số hộ tự xe thành hương thành phẩm. Nguyên liệu làm bột hương của mỗi nhà khác nhau, nhưng chủ yếu là bột trầm, tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây bài, than xoan, ngải cứu, bồ kết... Nhựa trám sau khi lọc sạch tạp chất, trộn với than của các loại thảo mộc rồi nghiền mịn, tạo thành một hỗn hợp dẻo mịn để se hương. Hương làm xong thường được phơi dưới trời nắng từ 1-2 ngày. Nhiều sản phẩm hương vòng, hương nén... của Quảng Phú Cầu đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao (mỗi xã một sản phẩm).

Ngoài làm tăm hương, người dân Quảng Phú Cầu còn phát triển một số sản phẩm như rá tre, mẹt tre, tăm tre, que xiên, chổi tre… Dù không còn làm nhiều sản phẩm như trước đây, nhất là khi những loại nong nia lớn không còn được tiêu thụ nhiều như trước, nhưng những lúc nông nhàn, nhiều thế hệ trong làng vẫn duy trì nghề đan rổ, rá. Ông Đặng Văn Hả (80 tuổi, cao niên của làng Quảng Phú Cầu) tâm sự: “Nghề đan rá, mẹt tre đã truyền nhiều đời trong làng. Tuy có mai một, nhưng những chiếc rá tre vẫn không thể thiếu đối với hàng cơm bình dân và nhất là những cơ sở làm bún. Cũng có những resort, khách sạn, nhà hàng muốn trang trí theo phong cách gần gũi với thiên nhiên nên đặt mua các sản phẩm từ tre nứa, số khác đặt làm hàng xuất khẩu, tuy khối lượng chưa nhiều… Nhờ thế mà nghề chưa thất truyền”.

Đảm bảo môi trường

Tre nứa vốn thân thuộc với làng quê và sẽ còn gắn bó thủy chung với người dân Quảng Phú Cầu dài lâu, góp phần đem lại bộ mặt khang trang cho làng xã, giúp cuộc sống người dân sung túc hơn. Nhưng để thực sự làm nên một “nông thôn kiểu mẫu” thì vấn đề môi trường vẫn cần quan tâm hơn nữa. Theo những người thợ lành nghề, nếu mỗi ngày làng nghề sử dụng 500 tấn tre, nứa, vầu thì môi trường sẽ phải “gánh” khoảng 60-70 tấn mùn cưa, đầu mẩu. Việc ngâm tre, nứa ở sông, kênh, rạch, cộng với hóa chất nhuộm màu phát thải từ các cơ sở chế biến tăm hương tiềm tàng rủi ro gây ô nhiễm nguồn nước. Rồi những ngày trời nắng, hanh hao, khói bụi mùn gỗ từ các cơ sở sản xuất cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân.

Vì thế, dự án “Xây dựng lò đốt rác thải làng nghề” đã được xây dựng tại làng Quảng Phú Cầu, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu xử lý rác thải. Có một mô hình hứa hẹn khác là lò sấy nguyên liệu bằng hơi nước từ phế thải của làng nghề; sử dụng mùn cưa, đầu mẩu nứa, vầu để làm nhiên liệu đun nóng nước trong nồi hơi để cấp cho lò sấy nguyên liệu. Thế nhưng, chi phí để xây dựng lò sấy hơi nước lên tới 400 triệu đồng, rất lớn so với thu nhập của đa số hộ sản xuất, nhất là ở giai đoạn kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Giải pháp lâu dài mà địa phương lựa chọn là xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung tại thôn Cầu Bầu để di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư. Được triển khai từ năm 2019, dự kiến cuối năm 2022 cụm công nghiệp này bắt đầu đi vào hoạt động, nhưng quá trình triển khai xây dựng cụm công nghiệp không đạt tiến độ mong muốn. Vả lại, xử lý triệt để chất thải mới có thể đảm bảo được môi trường sống trong lành cho cộng đồng dân cư, chứ không chỉ là “dịch chuyển, thu gom ô nhiễm”.

Để làng nghề thân thiện hơn với môi trường quả thực là vấn đề quá sức giải quyết của xã Quảng Phú Cầu, thậm chí là cả huyện Ứng Hòa.

Tin cùng chuyên mục