Kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 _ 30-4-2017)

Đất dữ hóa lành: Giải tỏa điểm nóng

Nhiều người đi ngang qua đều được kéo lại để minh chứng cho cái gọi là “đổi thay thấy dữ” của khu Nhị Tỳ Quảng Đông hồi xưa.
Quán nước đầu hẻm của chị Ba rộn rã hẳn lên. Nhiều người đi ngang qua đều được kéo lại để minh chứng cho cái gọi là “đổi thay thấy dữ” của khu Nhị Tỳ Quảng Đông hồi xưa. Anh Chung chỉ tay, nói: “Đó, chú Lấn giờ là trưởng khu phố 2 nghen! Trước giờ ổng là cư dân ở đây, mần chuyện khu phố mấy chục năm, để ổng kể cho nghe!”. Kéo chiếc ghế nhựa ngồi xuống cái rụp, ông trưởng khu phố bắt đầu kể về mảnh đất ông đang sinh sống:

- Đó, bước qua quán nước này, ngay bên kia đường vài ba mét là bắt đầu khu Nhị Tỳ Quảng Đông, đây là khu nghĩa địa của cộng đồng người Hoa (Quảng Đông) ở Sài Gòn thời chế độ cũ. Hồi tôi mới về đây đã thấy nhiều ngôi mộ. Phần nhiều chôn lâu rồi, người nhà ít quan tâm. Giờ thấy hông, nhà kiên cố, chung cư mới, các ngôi trường hiện đại đã thay khu nghĩa trang. Nói thiệt, hồi đó thành phố mình không quyết tâm làm, sao được như ngày nay.
Đất dữ hóa lành: Giải tỏa điểm nóng ảnh 1 Một trong những khu dân cư đầu tiên được xây dựng tại khu Nhị Tỳ Quảng Đông
Ngồi cạnh bên, anh Huỳnh Lý Chung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 8, quận 11, liền tiếp lời:
- Trước và sau năm 1975, lúc đó tôi cũng còn nhỏ nhưng vẫn nhớ hoài. Khu này đâu ai dám vô, nghe tới tên là ai cũng sợ. Thậm chí kêu xe chạy vào khu này cũng không ai dám. Tối đến trong khu đen thui, cách 5-6m mà không nhìn thấy mặt nhau. Chỉ những người lớn lên ở đây mới thấy bình thường, còn người ngoài ngán tới lắm.

- Không ngán sao được, khu này quá phức tạp; ma túy, mại dâm, xì ke đủ cả. Nhất là hồi mới giải tỏa xong mấy khu mộ, nơi đây trở thành ổ hút chích ma túy, mại dâm, ai dám vô khu này chơi mới lạ.
- Nghe nói trước nữa là ao tù nước đọng phải không chú?

- Ừ, đây trước còn gọi là khu vườn lài. Cây cối mọc um tùm, trời mưa nước đọng bốc mùi hôi chịu không xiết.

Câu chuyện của những người gắn bó và chứng kiến sự đổi thay của khu Nhị Tỳ Quảng Đông lúc trước, cứ thế kéo người muốn nghe câu chuyện về sự kiên quyết của chính quyền TPHCM và quận 11 khi đối mặt với những nhiệm vụ “khó không tưởng”…

Quyết tâm tới cùng  

Ông Nguyễn Văn Ngọc (nguyên Chủ tịch UBND phường 8, quận 11) công tác tại khu này từ thời bắt đầu có chủ trương giải tỏa khu nghĩa trang. Ông Ngọc nhớ lại: “Nhà tôi ngay sát rìa nghĩa trang chứ đâu, muốn đi ngang về tắt phải qua nghĩa trang là gần nhất. Lúc mới giải phóng, nói giao thương cách trở ngay khu cửa ngõ này không ai tin, nhưng đó là sự thật. Hồi đó, muốn vô khu Lãnh Binh Thăng, phải đi lòng vòng qua đường Minh Phụng, Lê Đại Hành, Bình Thới mới tới nơi. Đường sá lóm thóm bằng đất không. Muốn nhanh cứ vô khu nghĩa trang, lòng vòng rồi cũng có đường ra. Mà thiệt tình, vô đây sợ lắm”. 

Theo lời những cư dân sống lâu năm ở đây, đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, trước tình hình rối ren, cách trở của khu vực, lãnh đạo TPHCM nghĩ tới phương án giải tỏa khu nghĩa trang, lập những khu dân cư mới để sạch hóa địa bàn. Chủ trương đưa xuống cơ sở nhưng lãnh đạo quận 11 lúc bấy giờ với khả năng thực có tại địa phương, không dám nhận phần việc này do lo kham không nổi. Sau đó, lãnh đạo TPHCM giao cho các cơ quan chức năng từ địa phương, Công an TP, rồi Sở Giáo dục - Đào tạo… mỗi nơi một phần việc cụ thể, giải tỏa bằng được khu vực nghĩa trang, đưa dân cư vào sinh sống. Ông Nguyễn Trung Lấn còn nhớ: “Năm 1983, quận bắt đầu thông báo ngưng chôn cất. Sau đó là mấy đợt thông báo khác cho thân nhân đến di dời các phần mộ. Hồi đó, khu này như bãi chiến trường, gạch đá ngổn ngang, lớp mộ có người tới hốt cốt đưa đi, để lại lổn nhổn gạch đá; có chỗ, không tìm được người thân của mộ, phải tiếp tục đợi”.

Đến năm 1985, chính quyền thành phố và quận bắt đầu cho san bằng bớt đống gạch đá ngổn ngang đó. Theo ông Ngọc: “Giải tỏa một khu nghĩa trang rộng như vậy, căng nhất vẫn là khâu quản lý. Lúc đó, thành phố chưa có kế hoạch xây dựng liền nên để trống một thời gian. Mấy năm đó là những năm vất vả với lực lượng chức năng ở cơ sở”. Ông Bộ (nguyên Trưởng Công an phường 8, quận 11) nhớ lại: “Dù đã giải tỏa hộ dân trong khu vực để san ủi khu nghĩa trang nhưng trong 5 năm từ 1983 đến 1988, chúng tôi thực sự sống trong “bão táp” bởi tệ nạn ập vào. Đánh lộn, đâm chém, cướp giật; rồi ma túy, ma cô, mại dâm cứ len lỏi trong mấy khu xà bần và mộ chưa có người thân chuyển đi đó mà làm tới. Sáng sớm ra đây, thấy người ở đâu ra mà ngủ lúc nhúc trông phát sợ. Công an rồi chính quyền mở rất nhiều đợt ra quân làm “sạch” môi trường sống nhưng cũng không xuể. Quản lý địa bàn thời điểm đó thật… căng não”.

Chuyển mình từ đống đổ nát

Tin báo lên chính quyền thành phố về sự phức tạp của khu Nhị Tỳ Quảng Đông, liền có ngay chỉ đạo phải quyết liệt “dọn dẹp” gấp khu nghĩa trang. Và vào năm 1988, khu vực nghĩa trang đã cơ bản được san lấp. Lúc này, người dân vào khu vực trồng rau muống, rau lang, đào ao nuôi cá; hợp tác xã mua bán, nuôi bò… của các đơn vị được đưa vào khu vực giải tỏa để giữ đất, tránh tái diễn tệ nạn. Tiếp theo đó, được lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ, Công an TP bắt đầu xây dựng chung cư Bình Thới, rồi các khu dân cư bắt đầu hình thành. Nhà cửa có dần, dân đi kinh tế mới quay về thành 5 khu phố (sau này còn 4). Hơn 15.000 dân bắt đầu trở về, chuyển từ nơi khác tới, sinh sống ngay trên mảnh đất dữ - khu nghĩa trang ngày nào.

Ông Lấn nhớ hoài, trước thời điểm bắt đầu giải tỏa trắng khu nghĩa trang, những người làm công tác địa phương như chú rất vất vả trong việc tuyên truyền chủ trương của chính quyền. “Thời đó, kinh tế đất nước còn khó khăn. Mang tiếng ở thành phố nhưng khu này chẳng khác gì ngoại thành hay nông thôn, đã thế tệ nạn dẹp tới dẹp lui vẫn phảng phất đâu đó nên dân lo lắm”, chú Lấn kể. 

Mãi đến khi hình thành nên các khu dân cư, chung cư và cơ sở hạ tầng, địa phương dần được ổn định, lúc đó dân mới tin. Sau 12 năm thay đổi khu nghĩa trang cũ, thời điểm bắt đầu những năm 2000, lòng dân mới thực sự đồng thuận và tin vào những chủ trương của thành phố, của quận. Dân tham gia vào các phong trào làm kinh tế hay bảo vệ an ninh Tổ quốc nhiều hơn trước. 

Ông Lấn kể: “Tụi tôi họp với dân, nhắc hoài về những tồn dư từ thời trước khi giải tỏa âm ỉ tới giờ. Bà con cũng đồng tình cùng địa phương, nhất là trong chuyện hạn chế nạn trộm cướp. Tôi nhớ có bà cụ ở xóm trên, còn hào hứng nói - Mấy anh, mấy cậu yên tâm, bình an cho khu phố này là tụi tôi cũng hưởng lây mà. Đồng lòng vậy nên có biến là bà con đầu trên xóm dưới, cả xóm đi bắt trộm. Ở hẻm 62, có 3 đối tượng vô trộm đồ. Nghe bà con báo động, tui chạy tới đã thấy 3 đứa bị khống chế ở đầu hẻm. Hay ở hẻm 68, có đứa vô trộm xe ở quán lẩu dê. Dân chúng hô hào một tiếng, quay ra cũng thấy đối tượng bị trói nằm một chỗ…”. Dân gặp khó, chính quyền gỡ bằng trợ vốn, cho vay, rồi tình làng nghĩa xóm nên dân càng tin tưởng. Điểm nóng “coi mắt chọn cô dâu đi Đài Loan” hay mấy chỗ bán hàng “nóng” dần mất biệt, cũng từ sự quyết tâm của chính quyền địa phương và tin báo của quần chúng nhân dân.   

* * *

…Quay qua cầm ly trà đá uống một hơi, anh Chung lại rỉ rả tâm sự: “Chú thấy không, ngày xưa trường Lạc Long Quân khu mình nè, cũ nát chẳng ai muốn con em mình vô học. Giờ thì ngược lại, trường lớp khang trang ai cũng muốn cho con đến trường. Có sống qua thời gian khó đó, mới trân trọng thành quả hôm nay...”.
“Nhị Tỳ Quảng Đông trước đây là khu nghĩa địa, không chỉ mất vệ sinh môi trường mà còn rất phức tạp với các tệ nạn trộm cắp, ma túy, mại dâm. Sau khi khu vực này được giải tỏa, nhiều dự án đã làm đổi thay bộ mặt nơi đây với khu chung cư Bình Thới và những khu dân cư hiện đại, cơ sở hạ tầng tốt, nhiều tuyến đường thông thoáng; các cao ốc văn phòng cho thuê phục vụ cho nhu cầu phát triển thương mại - dịch vụ trong khu vực; “cụm giáo dục” với các trường mầm non - tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông khang trang kết nối liên hoàn; hệ thống y tế đạt chuẩn với Bệnh viện quận 11 và Trung tâm Y tế Dự phòng quận 11, đáp ứng nhu cầu của người dân... Sự thay đổi ở khu Nhị Tỳ Quảng Đông đã tạo sự chuyển biến về bộ mặt đô thị của quận. Không chỉ vậy, với nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở tại đây, khu vực đã góp phần giúp quận 11 chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sang phát triển thương mại - dịch vụ, từ đó đưa quận 11 phát triển xứng tầm vị trí, vai trò của quận”.
 Ông Trương Quốc Cương, Phó Chủ tịch UBND quận 11.

Tin cùng chuyên mục