Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 193% GDP năm 2017) nên dễ chịu tác động của các bất ổn của thế giới. Chính phủ đang lo ngại chu kỳ “khủng hoảng 10 năm” và Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công thương… xây dựng báo cáo đánh giá rõ rủi ro, thách thức Việt Nam phải đối mặt từ nay tới năm 2020 và những năm tiếp theo. “Phải chăng ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu. Đây là vấn đề cần các nhà khoa học tiếp tục cho ý kiến” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cơ cấu lại các thị trường xuất khẩu cũ và mở rộng thị trường sang các khu vực, quốc gia khác, không thể loay hoay chỉ có 10 thị trường chính như hiện nay. Với thị trường trong nước, Phó Thủ tướng cho rằng 2 năm qua tăng trưởng trên 10%/năm nhưng cơ sở hạ tầng của thị trường nội địa còn yếu kém, cần phải được tập trung làm rõ, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường này. Trong điều kiện Chính phủ thực hiện tái cơ cấu, điều hành chính sách kinh tế tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, nền kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và không còn phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học làm rõ các yếu tố trên, đánh giá liệu nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn mới?
Theo Phó Thủ tướng, các nhà khoa học cũng cần hiến kế gia tăng tính gắn kết trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường dựa trên nguyên tắc “không đánh đổi phát triển kinh tế để hủy hoại môi trường, không để ai phải tụt lại ở phía sau”; tính kết nối giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các khu vực khác trong nền kinh tế trên quan điểm “ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định”. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng các chỉ tiêu về sự bền vững của nền kinh tế là chưa có và Chính phủ mong muốn “đặt hàng” các nhà khoa học về nội dung này.