Đặt mình vào vị trí của người dân để cấp giấy chủ quyền nhà đất sớm nhất

Chiều 5-7, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) cho tổ chức và cá nhân tại các dự án (DA) phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên giải trình.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM do Thường trực HĐND TPHCM tổ chức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM do Thường trực HĐND TPHCM tổ chức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều đơn thư khiếu nại

Báo cáo tại phiên giải trình, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đối với DA phát triển nhà ở thương mại đã được đưa vào sử dụng kể từ ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đến ngày 30-4-2023, với tổng số 191.101 căn hộ, nhà ở riêng lẻ đủ điều kiện cấp GCN.

Đáng chú ý, trong đó có 39 DA với 19.958 căn hộ đang thực hiện cấp GCN, nay phải tạm ngừng cấp do phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quy định tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP; 10.277 căn hộ tạm ngừng cấp do đang thanh tra, điều tra; 8.918 căn hộ chưa cấp GCN do vướng các quy định về loại hình bất động sản mới...

Qua thống kê, theo dõi tại Ban Tiếp công dân TP, ban đã tiếp nhận 2.262 lượt đơn liên quan việc cấp GCN; trong đó, có 887 đơn đủ điều kiện xử lý và 1.375 đơn không đủ điều kiện xử lý.

Hiện nay, số lượng đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh không đủ điều kiện xử lý liên quan đến việc cấp GCN trên địa bàn TP rất nhiều, chiếm 61%. Đa số các đơn thư này có nội dung trùng lắp với đơn thư mà công dân đã gửi trước đó, cùng một vụ việc nhưng công dân gửi nhiều lần.

Nguyên nhân, chủ yếu do các cơ quan có thẩm quyền cấp GCN chậm giải quyết hồ sơ, dẫn đến công dân khiếu nại. Ngoài ra, có những trường hợp, vụ việc tòa án các cấp đang thụ lý hoặc chậm thụ lý giải quyết dẫn đến công dân gửi đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh nhiều lần đến nhiều cơ quan.

Đối với ngành TN-MT TPHCM, khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, thời gian đầu đi vào hoạt động, do có sự thay đổi quy định về thẩm quyền ký cấp GCN, thời gian và trình tự thủ tục thực hiện, lượng hồ sơ do chi nhánh các quận, huyện và TP Thủ Đức chuyển về trình ký GCN rất lớn. Theo đó, việc cấp GCN chậm trễ; do không thống nhất thẩm quyền ký cấp GCN trong một số trường hợp… đã dẫn đến khiếu nại.

Gắn trách nhiệm với từng cơ quan chức năng

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, UBND TP đã chia thành từng nhóm vướng mắc và đề ra biện pháp tháo gỡ, gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành. Sở TN-MT chủ trì xử lý các vướng mắc về hoàn thành nghĩa vụ tài chính, CĐT chậm nộp hồ sơ cấp GCN, loại hình bất động sản mới, nghĩa vụ tài chính bổ sung, DA đang thanh tra, kiểm tra… Sở Xây dựng trực tiếp giải quyết, tham mưu xử lý các vướng mắc như: CĐT vi phạm về pháp luật xây dựng, DA có đối tượng sở hữu là cá nhân, tổ chức nước ngoài...

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên giải trình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên giải trình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho hay, cử tri rất quan tâm đến phiên giải trình này, tập trung vào phản ánh các khó khăn, bức xúc khi chưa được cấp GCN: “Cử tri đặt câu hỏi: Khi nào, bao giờ người dân chúng tôi đi mua nhà mà được cấp GCN?”.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác cấp GCN cho người mua nhà tại các DA nhà ở thương mại còn tồn tại nhiều hạn chế. Trên địa bàn TP, đến nay chưa có cơ quan nào chủ trì trong việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện về tình hình phát triển các DA nhà ở thương mại; TP chưa có số liệu tổng thể về các DA đã cấp và chưa được cấp GCN. Do đó, TP không thể xác định đầy đủ các nguyên nhân, cũng như đề ra các hướng giải quyết, không dự báo thời gian, tiến độ cụ thể và không chuẩn bị được nguồn lực để xem xét, tháo gỡ những vướng mắc này.

"Đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo, rà soát, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, hướng giải quyết, tiến độ, thời gian cụ thể hoàn thành việc tháo gỡ vướng mắc đối với từng DA cho từng nhóm, chậm nhất là quý 3-2023. Đối với nhóm DA không có vướng mắc pháp lý, hoặc đã được tháo gỡ về mặt pháp lý, cần khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc cấp GCN"

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, UBND TP cần chỉ đạo rà soát tổng thể các DA phát triển nhà ở thương mại đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp GCN, xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc, có kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể để tháo gỡ và xem xét, giải quyết cấp GCN cho người mua nhà theo quy định.

Các sở, ngành phải đặt vị trí của mình vào người dân, xem xét giải quyết trước đối với những DA đơn giản, đảm bảo điều kiện để cấp GCN cho người dân sớm nhất.

Tin cùng chuyên mục