Đặt mục tiêu phấn đấu cao nhất

Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chuyển động nhịp nhàng, khẩn trương thì dù GDP không thể tăng 6,8%, nhưng kết quả đạt được vẫn sẽ rất tốt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới dự báo tăng trưởng âm năm 2020. 

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, những thành tựu đã đạt được của Việt Nam là không thể phủ nhận: tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt là tháng 5 - tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội, những dấu hiệu phục hồi của khu vực sản xuất, doanh nghiệp, du lịch... đã rõ nét.

Thế nhưng, năm 2020 đã đi qua được nửa chặng đường, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn chưa mở cửa trở lại, chuỗi cung - cầu bị đứt gãy nhiều tháng qua chưa được nối liền. Đó rõ ràng là những yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở rất lớn. 

Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho thấy, năm 2020, ngân sách có thể hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng. Bội chi năm nay chắc chắn sẽ tăng lên, không chỉ vì hụt thu mà còn vì những khoản chi cấp bách phải thực hiện. Vì vậy, khá ngạc nhiên khi tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ vẫn không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng như thông báo tại phiên họp tổ đại biểu Quốc hội chiều 8-6 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Chính phủ không xin điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm nay”. Từng bày tỏ tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết tâm cao và các giải pháp điều hành của Chính phủ, trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9, người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh, hơn bao giờ hết tình hình hiện nay đòi hỏi tính chủ động, nhanh chóng thích ứng với yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) phân tích, theo nhiều định chế tài chính quốc tế, mức tăng trưởng dự báo khả thi cho nền kinh tế Việt Nam là khoảng 5%. Nhưng thực tế đang biến đổi rất khó lường, không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Vì thế, “nếu thấy chưa chắc chắn thì chưa nên điều chỉnh chỉ tiêu mà đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất trong chỉ đạo điều hành”. 

Thay vì điều chỉnh và cố gắng đạt được một chỉ tiêu “cứng” để có được “báo cáo đẹp”, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần đánh giá toàn diện tình hình để thấy rõ những điểm mạnh và điểm yếu của nền kinh tế, từ đó có những giải pháp đúng đắn và căn cơ. 

Với vị thế là một quốc gia ổn định chính trị, đã đứng vững trước đại dịch Covid-19, Việt Nam có cơ hội tốt để đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đây là câu chuyện lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. “Điều quan trọng là chúng ta phải tập trung phát triển được công nghiệp phụ trợ và thị trường lao động thì mới tận dụng được cơ hội”, đại biểu Nguyễn Hữu Thuận (Hải Phòng) nhận định. Đại biểu Võ Trọng Việt (Lạng Sơn) cho rằng, sự tin tưởng của người dân vào năng lực của Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19 là thuận lợi căn bản để tiếp tục xây dựng hệ thống quản trị vận hành “đúng vai, thuộc bài”, đạt hiệu quả cao nhất. Mấu chốt là ở chỗ chiến thắng được sức ỳ và nỗi sợ trách nhiệm để “dám làm, dám quyết”, tận dụng tốt nhất những cơ hội có được.

Bên cạnh giải pháp đã được Chính phủ đề xuất là giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ở nhiều tổ đại biểu, các ý kiến cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Tất nhiên, đi kèm với đó là yêu cầu cải thiện quy trình ra quyết định, đảm bảo chuyển động đồng bộ từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cho đến từng cán bộ, công chức; và, không thể thiếu vai trò giám sát của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng ngừa tiêu cực, thất thoát.

Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chuyển động nhịp nhàng, khẩn trương thì dù GDP không thể tăng 6,8%, nhưng kết quả đạt được vẫn sẽ rất tốt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới dự báo tăng trưởng âm năm 2020. 

Tin cùng chuyên mục