Đi họp nghe triển khai chủ trương nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị trên toàn địa bàn về, các thành viên ban điều hành khu phố 2 phường Phước Bình quận 9 lo lắng bởi cả khu phố có đến 21 đường đất lớn đất nhỏ bao quanh trong khi trên địa bàn đa phần là người lao động có mức sống trung bình. Họp tới họp lui, cuối cùng ban vận động cũng tìm được hướng làm là để người dân trả góp, cùng Nhà nước nhựa hóa đường.
1. Dẫn chúng tôi đi trên các con đường nhựa sạch sẽ, khang trang trong khu phố, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban điều hành khu phố 2 kể: Khu phố chọn điểm là nhựa hóa tuyến đường số 4, người dân đóng 840.000 đồng - 2 triệu đồng/hộ, hộ khó khăn được hộ khá hơn “bảo trợ”, những hộ quá khó thì được trả dần hàng tháng. Danh sách đăng ký trả dần cứ dài ra: cô Thu nhà số 83 đường 3, ông Cát nhà 110 đường 3… trả góp từng tháng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, cứ thế có hộ tròn một năm thì góp xong.
Đầu năm 2005, khu phố tiếp tục được chọn thực hiện chương trình mở rộng lộ giới, lót gạch vỉa hè, trồng cây xanh. Đặc trưng của khu vực là do đường đất đỏ nên bụi mịt mù từ sáng sớm đến tối mịt, hầu như nhà nào cũng làm ra thêm cổng che và trồng cây phía trước nhà. Một nhà làm được, hai nhà làm trót lọt, thế là tất cả nhà mặt tiền trên các tuyến đường lớn nhỏ đều… đồng lòng lấn hẻm. Ban điều hành khu phố lại họp, đưa ra cách làm là đảng viên đi trước làm gương.
Chỉ tay về những con phố nhỏ tươm tất, ông Minh nói nhẹ tênh: “Đó là thành quả mà Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dân tình nguyện thu hẹp căn nhà, mảnh vườn nhà mình, hiến đất cho con đường chung. Chuyện người người cầm xẻng ra làm đường là chuyện bình thường. Ai cũng muốn đời mình sang trang”. |
Chú Trương Văn Hai vừa “nghỉ” chức tổ trưởng tổ dân phố mà chú đã làm 20 năm nay, tình nguyện đập phần cổng lấn trước nhà mình. Cô Nguyễn Thị Thuần, chú Ky thương binh, chú Thành Long bắt tay dẹp bỏ bụi cây, “cắt gọn” cổng, hiến thêm đất để làm đẹp khu phố. Nhờ vậy, đến cuối năm 2006, toàn khu phố đã hoàn thành nhựa hóa đường, vỉa hè được lót gạch rộng hơn 4m, cây xanh được trồng hai bên vỉa hè, đèn được lắp đặt sáng choang dãy phố. Các em học sinh dắt nhau đến trường dưới con đường rợp cây xanh, tráng nhựa phẳng lì thay cho con đường đất đỏ nắng bụi, mưa lầy của mấy năm trước trong nụ cười mãn nguyện của bà con khu phố.
2. Phố nhỏ nghèo lọt giữa lòng phố lớn. Thế nhưng, giữa ồn ào tính toán, có những người lao động bình thường sống trọn vẹn nghĩa tình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Trần Văn On, ngụ số 120 đường số 4 xúc động nhắc lại chuyện cũ: “Từ ngày con trai tui chết vì sốt xuất huyết, nhà nghèo đến mức không đủ ăn, không đủ mặc nên không biết xoay trở thế nào. Lúc đó, bà con xóm nghèo đã là điểm tựa của vợ chồng tui, chạy lo từ cái hòm, cái bàn, cái ghế…. Rồi khu phố bảo lãnh để tui vay 50 triệu đồng chuyển đổi từ xe ba bánh sang xe tải nhỏ để thu gom rác dân lập, trang trải cuộc sống quá thiếu thốn của 12 miệng ăn trong nhà”. Ông On trả ơn nghĩa bằng bất cứ việc gì khu phố cần, ngày ngày đi thu gom rác, dọn dẹp sạch sẽ các tuyến đường lớn.
Đó cũng là câu chuyện đẹp mà Sơn Bảo, một người từng phải vướng vòng lao lý nhưng khi được khu phố bảo lãnh vay 20 triệu đồng mua xe chạy Honda ôm đã mừng rơi nước mắt. Có thu nhập, Bảo chuyển sang học lái xe và giờ đang chạy taxi. Với Bảo, cuộc đời cũng được sang trang như sự đổi thay của khu phố.
Mới đây, khu phố 2 đã vinh dự được tuyên dương và báo cáo thành tích 10 năm liền giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa tiêu biểu. Sự tự hào đó theo ông Minh, thật đơn giản: “Đất nghèo đã chuyển mình từ chính từng bàn tay góp sức của người dân khu phố”.
Hồng Hiệp