Đất thép chuyển mình

Trong những năm qua, Củ Chi luôn là huyện đi đầu của TPHCM trong xây dựng và phát triển văn hóa gắn với đặc thù nông nghiệp, nông thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thấm sâu vào từng hộ gia đình, từng xóm - ấp với yếu tố xây dựng con người theo 5 đức tính mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra. Đất thép Củ Chi đang từng ngày thay đổi, từ chính các phong trào, hành động vì cộng đồng của người dân huyện.
Đất thép chuyển mình

Trong những năm qua, Củ Chi luôn là huyện đi đầu của TPHCM trong xây dựng và phát triển văn hóa gắn với đặc thù nông nghiệp, nông thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thấm sâu vào từng hộ gia đình, từng xóm - ấp với yếu tố xây dựng con người theo 5 đức tính mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra. Đất thép Củ Chi đang từng ngày thay đổi, từ chính các phong trào, hành động vì cộng đồng của người dân huyện.

  • Bán bà con xa, mua láng giềng gần

Giữa cái nắng rát của những ngày đầu tháng 3, ở ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, trong căn nhà tình thương vừa được khánh thành, ông Thái Minh Trọng mừng mừng tủi tủi nói lời cảm ơn với những người đã giúp đỡ. Gia đình quá khó khăn, số tiền 60 triệu đồng xây nhà là quá sức với ông. Nhận được lời kêu gọi vận động của ấp, rồi của xã, ông Lập Thành (ngụ ấp Hậu) đã nhận tài trợ ngay số tiền 35 triệu đồng; số còn lại là những mạnh thường quân và bà con chòm xóm góp vào. Cũng chung niềm vui như ông Trọng, gia đình hai hộ nghèo là bà Võ Thị Thanh Tâm và ông Trần Hoài Bảo, cùng ngụ ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội lại được chính ngôi chùa Pháp Thành mình hay lui tới nhang khói trên địa bàn ấp đỡ đầu số tiền 25 triệu đồng/hộ khi sửa chữa nhà tình thương.

Đờn ca tài tử - loại hình văn hóa ưa thích của người dân Củ Chi.

Đờn ca tài tử - loại hình văn hóa ưa thích của người dân Củ Chi.

Còn chị Nguyễn Thị Hòa ở tổ 4 ấp 8 khi được UBND xã Bình Mỹ tuyên dương, đã cười xuề xòa không dám nhận vì thấy “có làm được gì to tát đâu”. Việc “không to tát” mà nhiều năm nay chị đã làm là bán thiếu không lãi con giống vật tư, phân bón đã giúp cho hàng trăm hộ dân trong ấp vượt qua khó khăn.

Bà Trần Thị Út, Trưởng ấp 8 xã Bình Mỹ, cho biết: Còn rất nhiều hộ dân trong ấp như chị Hòa, bà con đã giúp đỡ về vật chất, tinh thần để cùng nhau vượt qua khốn khó. Không thể tính bằng con số và giá trị, chính từ sự giúp đỡ đó đã kịp thời động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, được bà con nhân dân ấp 8 thực hiện tích cực. Chi bộ và Ban Nhân dân ấp 8 cũng đã triển khai và thực hiện tốt NQ TƯ 5, gắn liền với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhờ vậy bộ mặt ấp 8 đã thay đổi hẳn.

  • Nhân lên những tấm lòng nhân ái

Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân huyện. Năm 2000, ấp Tân Lập, xã Tân Thông Hội được đầu tư xây dựng văn phòng ấp đầu tiên. Đến nay, ấp đã được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa tương đối đầy đủ, với tổng diện tích 835m², với phòng làm việc, hội trường, phòng đọc sách, góc truyền thống, sân khấu ngoài trời và khu thể thao, thu hút đông đảo người dân ấp đến tham gia, sinh hoạt.

Đáng quý hơn, trong tổng kinh phí xây dựng 460 triệu đồng thì người dân đã chung tay đóng góp 181,744 triệu đồng. “Tiếng lành đồn xa”, hiện nay 10/10 ấp của xã này đều đã có văn phòng làm việc, có khuôn viên và trang thiết bị để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức hội họp và sinh hoạt cho cộng đồng dân cư. Các ấp đều có mạng lưới loa truyền thanh, phục vụ công tác tuyên truyền, có tủ sách trưng bày các loại sách báo, tạp chí và một số sách khác để phục vụ nhân dân.

Riêng ấp Tân Lập và ấp Thượng đã đầu tư xây dựng phòng đọc sách rất khang trang với hơn 1.000 đầu sách các loại. Đặc biệt, qua 3 năm xây dựng xã nông thôn mới, 2009 - 2012, xã đã tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa. Xã hiện có 4 hồ bơi, 6 sân bóng đá mini, trong đó có 3 hồ bơi và 5 sân bóng đá mini do người dân đầu tư xây dựng.

Đối với người dân nông thôn, ngoại thành, đình làng là nơi rất gần gũi, gắn bó với tuổi thơ và những hồi ức đẹp, cũng là nơi tình làng nghĩa xóm gắn bó qua các lễ hội truyền thống, nên ngay khi nhận được lời kêu gọi, rất nhiều tấm lòng, mạnh thường quân cả huyện và bên ngoài hưởng ứng. Kết quả, đình Tân Thông đã được trùng tu khang trang, đẹp đẽ với tổng kinh phí lên đến hơn 10 tỷ đồng, trở thành một trong những niềm tự hào của đất thép hôm nay.

"Huyện Củ Chi không chỉ là địa danh nổi tiếng đối với người dân Việt Nam mà còn được ghi dấu trên bản đồ du lịch quốc tế. Do đó, bộ mặt văn hóa của mảnh đất, con người Củ Chi ở một góc độ nào đó còn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với quốc tế. Là một huyện nông thôn, ngoại thành với xuất phát điểm về cơ sở hạ tầng thấp, các thiết chế văn hóa vừa thiếu vừa yếu; nhân dân đa số sống bằng sản xuất nông nghiệp; mặc dù được TP dành sự quan tâm đặc biệt nhưng cái chính vẫn là ý chí, quyết tâm của chính Đảng bộ và nhân dân Củ Chi trong quá trình phát triển, vươn lên. Những thành quả đó rất đáng trân trọng và tôn vinh"

Đồng chí Thân Thị Thư,
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục