SEA Games 24

Dấu ấn lịch sử

3 câu hỏi với nhà vô địch Nguyễn Đình Cương: "Tôi xin tặng thành tích này cho mẹ!"
  • ĐIỀN KINH
    Dấu ấn lịch sử
     

"Tuyệt quá, Cương ơi!", "Hương ơi, em là số 1" - đó là những tiếng reo hò bật lên đầy xúc cảm của các thành viên đoàn thể thao và cả những phóng viên Việt Nam ở đích đến của đường chạy điền kinh khu liên hợp thể thao Korat vào chiều qua khi hai tuyển thủ Việt Nam về đích đầu tiên ở nội dung 1.500m nam và 200m nữ… 

1. Nguyễn Đình Cương mở đầu cự ly chung kết đầu tiên của đội tuyển điền kinh Việt Nam trong ngày tranh tài cuối cùng ở nội dung 1.500m nam. Trên khán đài, những thành viên đoàn thể thao Việt Nam như nín thở khi các đối thủ đeo bám nhau sát rạt, trong đó Đình Cương luôn bị 2 đối thủ của Malaysia và Thái Lan kè sát. Khi bước vào khúc cua cuối cùng, Đình Cương tăng hết tốc lực và chạy như bay, vượt qua đối thủ Mahendran (Malaysia) để về đích đầu tiên sau 3’45"31. Trên khán đài, các đồng đội của anh nhảy cẫng lên vì sung sướng và hét lạc giọng: "Tuyệt quá, Cương ơi!", bởi thành tích ấy của Cương đã phá sâu kỷ lục 3’47"28 của SEA Games đã tồn tại suốt 14 năm qua. VĐV Mahendran về thứ nhì và cũng có thành tích vượt kỷ lục là 3’45"70. Hạng ba thuộc về VĐV Srisung (Thái Lan). 

Dấu ấn lịch sử ảnh 1
Nguyễn Đình Cương (265) tăng tốc vượt qua đối thủ Mahendran (Malaysia) để về đích đầu tiên. Nhã Uyên

Sau phút tột đỉnh vui mừng, Đình Cương bỗng từ từ ngã xuống trên đường chạy vì kiệt lực và vì quá đau đớn do chấn thương rách bắp sau chân trái mà anh vừa gặp phải ở buổi tập ngày hôm trước bộc phát dữ dội. Các bác sĩ đã phải đưa anh vào phòng cấp cứu và Cương đã ít nhất 2 lần nôn tất cả những gì có trong dạ dày ra ngoài vì nỗ lực quá sức cho chiếc HCV. Rất lâu sau phút hồi tỉnh, Cương cười rạng rỡ: "Em như bay trên mây!", nhưng cái hình ảnh anh ra nhận huy chương với cái chân đau đớn và phải có 2 VĐV bạn dìu lên ngôi cao nhất khiến những người có mặt không khỏi nén được cảm xúc. Cái giá của chiếc HCV đâu có rẻ.
 
Sau đó, ở nội dung thi đấu cuối cùng trong ngày là 200m nữ, "nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương đã chính thức thống trị ở cả 2 cự ly ngắn, và cô hầu như không có đối thủ ngang tầm ở nội dung này trên đường chạy. Về đích với thành tích không tốt lắm (23"44, trong khi Hương thường chạy khoảng 23"30), nhưng cô vẫn bỏ xa đối thủ về nhì là Klomdee Orranut (Thái Lan) đến hơn cả mét. Về thứ ba là VĐV của Myanmar.
 
2. Trong một ngày rất tuyệt như bay trên mây với những những bước chạy của Hương và Cương, thì cái cảm bị rơi xuống đất cái phịch, cũng diễn ra ngay ở sân điền kinh và lại nằm ngay hố nhảy cao nam.
 
Khởi điểm ở mức xà 2,05m và đến mức xà 2,15, Bằng đã bắt đầu bị đấu thủ cạnh tranh số 1 là Lee Hup Wei (Malaysia) phả hơi nóng vào gáy do nhảy qua ngay lần đầu tiên, còn Duy Bằng phải đến lần 3 mới qua được. Độ cao tiếp tục nâng lên 2,17m, Lee Hup Wei vượt qua ở lần 2 và Bằng phải đến lần thứ 3 mới chinh phục được mức xà này, trong khi 2 VĐV còn lại của Malaysia và Thái Lan đã dừng cuộc chơi do cả 3 lần đều nhảy không qua.
 
Tuy nhiên, đến mức 2,19m thì chỉ có Lee Hup Wei vượt qua và đoạt HCV, đẩy Duy Bằng rơi xuống vị trí thứ nhì và… rơi xuống đất khi cả 3 lần không vượt qua độ cao này, đành chấp nhận chiếc HCB với thành tích 2,17m. Đoạt HCĐ là Hassaim Ana (Malaysia), 2,15m.

 Ở nội dung 7 môn phối hợp nữ, đương kim vô địch Nguyễn Thị Cúc đã trở thành cựu vô địch khi gặp phải đối thủ chủ nhà Winatho Wassana quá mạnh. Cúc chỉ đoạt HCB với 852 điểm, VĐV Thái Lan đọat HCV (867 điểm) và Nguyễn Thị Đào đoạt HCĐ. Với 8 chiếc HCV cùng 4 kỷ lục SEA Games (2 của Hằng, 1 của Huyện và 1 của Cương), 4 HCB, 5 HCĐ, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã thắng to ở đại hội lần này và tiếp tục khẳng định vững chắc vị thế ổn định của môn thể thao nữ hoàng trên đấu trường khu vực.
 
Hôm qua, một ngày mà điền kinh bay trên mây!

  •  JUDO
     VĂN NGỌC TÚ KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ
     
Dấu ấn lịch sử ảnh 2
Võ sĩ Văn Ngọc Tú lần thứ 3 đăng quang tại SEA Games. Hồng Long

Hôm qua, môn Judo đã khai mạc, và đội tuyển Việt Nam tham dự 2  nội dung Nage No Kata (quyền nam), U No Kata (quyền nữ) và 2 hạng cân -48kg nữ, -60kg nam.
 
Vòng loại hạng -60kg nam, Nguyễn Quốc Hùng chỉ cần 15 giây để hạ ippon võ sĩ Campuchia. Tuy nhiên, ở bán kết, Quốc Hùng đã không giữ được phong độ tốt khi để thua võ sĩ Myanmar Hein Latt và phải tranh HCĐ với võ sĩ Taves (Philippines). Trong trận đấu này, Hùng đã kịp điều chỉnh chiến thuật để giành HCĐ sau khi dẫn trước đối thủ 2 yuko. HCV và HCB thuộc về Thái Lan và Philippines.
 
Hạng cân -48kg nữ, chỉ hơn 1 phút thi đấu, bằng đòn bốc 2 chân tuyệt đẹp, Ngọc Tú đã ghi cho mình điểm ippon để giành chiến thắng tuyệt đối trước võ sĩ Malaysia Zainon. Tương tự, trong trận gặp võ sĩ Lào Phanouvong, bằng đòn móc chân tốc độ, Ngọc Tú cũng giành chiến thắng tuyệt đối. Bước vào trận chung kết với võ sĩ Philippines Quilotes - người từng thua Tú trong trận chung kết SEA Games 23, cũng bằng đòn móc chân dứt khoát và nhanh gọn, "nữ hoàng Judo Đông Nam Á" lần thứ 3 liên tiếp đăng quang ngôi vô địch.
 
Trước đó, ở nội dung Nage No Kata, 2 VĐV Nguyễn Quốc Tuấn - Nguyễn Quốc Thắng mặc dù thi đấu rất tốt với các kỹ thuật hoàn hảo, nhưng cũng chỉ dừng lại ở tấm HCĐ với 158,5 điểm. Trong khi đó, ở nội dung U No Kata, 2 võ sĩ Thái Mỹ Hương và Lâm Thị Thanh Loan chỉ xếp hạng 5.  

  •  Thể hình
     Phạm Văn Mách 3 lần vô địch  SEA Games
     
Dấu ấn lịch sử ảnh 3
Phạm Văn Mách

Với bài biểu diễn tự tin, phô diễn được tất cả vẻ  đẹp hình thể, lực sĩ Phạm Văn Mách đã qua mặt lực sĩ chủ nhà Pongkam để đoạt tấm HCV hạng 55 kg. Chiến thắng của Phạm Văn Mách không có gì bất ngờ, bởi đây là lần thứ 3 liên tiếp, Phạm Văn Mách giành HCV SEA Games và trình độ của Mách đã ở tầm thế giới. Tấm HCV cũng là sự đền bù xứng đáng cho Phạm Văn Mách sau khi anh bỏ lỡ cơ hội bảo vệ ngôi VĐTG 2007 tại Hàn Quốc vì sự cố… ăn uống.
 
Ngoài tấm HCV của Phạm Văn Mách, thể hình Việt Nam còn giành 2 HCB của Nguyễn Anh Tài (hạng trên 80 kg) và Phạm Ngọc Trang (Fitness). Trong 2 tấm HCB này, đáng tiếc nhất là trường hợp của Phạm Ngọc Trang, bởi nội dung thi đấu của cô chỉ có 3 VĐV tham dự. Tuy nhiên, Ngọc Trang đã không thắng nổi nữ lực sĩ chủ nhà Thái Lan Aipipom vì có lỗi trong phần biểu diễn. 

  • PETANQUE
     ĐÃ CÓ VÀNG
     

Hôm qua, petanque (bi sắt) Việt Nam lần đầu tiên bước lên bục đăng quang tại SEA Games. Đôi nam-nữ Thạch Hữu Tâm/Vũ Thị Thu thi đấu chặt chẽ và phối hợp ăn ý để đánh bại Lào với tỷ số 13-11 ở bán kết. Ở chung kết, đôi Việt Nam thắng áp đảo Thái Lan 13-1. Ghi điểm ngay từ lượt bi đầu tiên, đến lượt bi thứ 3, Tâm/Thu đã dẫn trước đối thủ 5-1. Lượt bi thứ 4, Hữu Tâm xuất sắc thực hiện cú bắn carô văng 3 bi của đối thủ, ghi 6 điểm, đưa Việt Nam vươn lên dẫn 11-1. Và đến lượt bi thứ 5, Hữu Tâm bắn carô văng 2 bi, trong lúc Thái Lan lại bo hỏng 2 bi. Ghi được 2 điểm ở lượt bi này, Thạch Hữu Tâm/Vũ Thị Thu đã kết thúc trận đấu với điểm số cách biệt 13-1, giành HCV.

Đôi nữ Trần Thị Phượng Em/Ngô Hồng Lê đã bất ngờ thất bại trước đôi Thái Lan 2-13 dù đã thắng đối thủ này 13-1 ở vòng đấu bảng. Đôi nam Võ Văn Bé/Võ Văn Lâu không mấy khó khăn vượt qua Lào 13-3 nhưng lại thua đôi Campuchia 9-13 trong trận chung kết. Như vậy, sau 7 nội dung, Việt Nam đã giành được 1 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ và hoàn thành chỉ tiêu 1 HCV đã đăng ký. Hôm nay, giải thi đấu nội dung bộ ba. 

  • QUẦN VỢT
     HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ
     

 3 câu hỏi với nhà vô địch
Nguyễn Đình Cương:
 "Tôi xin tặng thành tích này
cho mẹ!"

 Với những cú nước rút thần tốc, Nguyễn Đình Cương đã lên trở thành "ông hoàng" mới ở nội dung chạy trung bình nam. Bước lên ngôi vô địch 1500m cũng là lúc Đình Cương để gục xuống vì cố gắng đến kiệt sức và vì chấn thương hành hạ. Phải rất lâu sau đó, chúng tôi mới có thể trò chuyện nhanh cùng anh…

 · Có vẻ như Đình Cương đã nỗ lực tột cùng?

 - Đúng thế! Tôi vừa rách bắp chân trái vào hôm qua nên cũng khá lo lắng khi bước vào tranh tài nội dung này, vả lại, VĐV Mahendran (Malaysia) cũng thi đấu rất tốt. Lúc còn 400m nữa là về đích, tôi cứ tưởng mình không thể nào chạy được nữa, nhưng tự nhủ phải cố lên, phải về đến đích. Nói thật, lúc đó tôi chỉ thấy một cái bóng áo vàng phía trước và đeo bám và vượt qua bằng được, không ngờ lại về nhất và phá kỷ lục.

 · Trước khi bước vào thi đấu, anh có bị ám ảnh bởi kỷ niệm buồn ở kỳ SEA Games 23-2005 khi bị mất HCV nội dung này một cách oan uổng?
 
- Có chứ, điều đó có lẽ sẽ luôn là nỗi ám ảnh trong sự nghiệp thể thao của tôi. Bởi thế mà lần này, tôi quyết bằng mọi giá phải lấy lại chiếc HCV thuộc về mình.

 · Bây giờ, tất cả những cảm xúc của anh nếu chỉ gói gọn trong một chữ thì đó là chữ gì?

 - Chữ "nhớ". Tôi nhớ mẹ! Mẹ là người đã hy sinh cả đời để nuôi nấng dạy dỗ chị em chúng tôi khi bố tôi mất sớm, vì thế, mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc của chúng tôi. Đoạt được thành tích này, người tôi nghĩ đến đầu tiên là mẹ, và chỉ muốn tặng 2 chiếc HCV này cho mẹ mà thôi.
 Tuấn Thành (ghi)

Ở nội dung đơn nữ, tay vợt Ngô Việt Hà sau trận thắng ở vòng 1 đã vào tứ kết và gặp lại đối thủ Sandy Gumulya (Indonesia). Trong khi đó, tay vợt Nguyễn Thùy Dung cũng không thể tạo được bất ngờ trước hạt giống số 2 Luangnam (Thái Lan) với tỷ số 0-2. Đôi nam, Quang Huy - Thanh Hoàng cũng dừng bước ngay từ vòng 1 khi thúc thủ 1-2 trước đôi Philippines, Arcilla - Tierro.

Nội dung đôi nữ, Mai Huỳnh - Việt Hà thi đấu khá tốt khi vượt qua vòng 1 nhờ chiến thắng 2-0 trước đôi Myanmar, Ma - Su. Đơn nam, Ngô Quang Huy cũng chấm dứt cuộc phiêu lưu của mình tại tứ kết, khi không thể vượt qua hạt giống số 2 Cecil Mamiit của Philippines với phần thua 0-2. Đôi nam nữ Quốc Khánh - Thùy Dung thua ngay từ vòng 1.  

  •  BÓNG CHUYỀN
     TUYỆT VỜI CÁC CHÀNG TRAI VIỆT!
     

Chiều qua, dưới sức ép rầm rầm của các khán giả chủ nhà có mặt ở Nhà thi đấu khu liên hợp Korat, thế nhưng, các chàng trai của đội tuyển bóng chuyền Việt Nam đã làm nên bất ngờ lớn khi đè bẹp đội chủ nhà Thái Lan đến 3 ván trắng.
 
Ván đầu tiên là cuộc đua điểm số quyết liệt, và đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng sít sao 27-25. Hưng phấn, các cầu thủ Việt Nam thi đấu càng lúc càng ấn tượng với những cú đập bóng như búa bổ, cũng như hàng chắn đã bọc lót rất tốt nên đã thắng luôn 2 ván sau cùng điểm số 25-20. Với chiến thắng chung cuộc 3-0, đội tuyển nam Việt Nam sẽ tranh HCV với đội Indonesia, cơ hội nâng cấp chiếc HCĐ SEA Games lần đầu đoạt được cách đây 2 năm của bóng chuyền nam nước nhà xem ra đã thành hiện thực. 

  •  BẮN CUNG
     CÁC KIẾM THỦ NAM ĐOẠT THÊM 1 HCB, 1 HCĐ
     

Ngày thi đấu cuối môn đấu kiếm diễn ra hôm qua, và các tay kiếm nam Việt Nam đã đoạt thêm 1 HCB ở nội dung kiếm 3 cạnh, cùng 1 HCĐ ở nội dung kiếm chém. Như vậy, kết thúc đại hội, các kiếm thủ Việt Nam đã đoạt tổng cộng 3 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ. Vượt chỉ tiêu 2 chiếc HCV đề ra ban đầu.

  • BƠI LỘI
     KHÔNG NHƯ MONG ĐỢI
     

Một trong những nội dung mà đội tuyển Việt Nam hứa hẹn sẽ gây bất ngờ tại đại hội là 4x100m hỗn hợp nam đã… không xảy ra bất ngờ như dự kiến. Mưu sự tại nhân, thành sự tại… các tay bơi, nên dù cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí dẫn đầu ở 2 nội dung đầu tiên là bơi ếch và bơi ngửa, nhưng các tay bơi Việt Nam lại chứng tỏ sự hụt hẫng quá lớn ở nội dung bướm và tự do nên rốt cuộc chỉ đứng thứ 4 sau 3’54"08, dù thành tích này đã phá KLQG 3’54"92. Đoạt HCV là đội Philippines với thành tích 3’49"28. Như vậy, kết thúc môn bơi lội, đội Việt Nam chỉ đoạt 1 HCV và 1 HCĐ. 

  • BÓNG NƯỚC
     SINGAPORE VÔ ĐỊCH
     

Hôm qua, ngày tranh tài cuối cùng, đội tuyển Việt Nam đã có trận thắng duy nhất tại giải trước đối thủ Malaysia với tỷ số 9-6. Kết thúc đại hội, đội Singapore tiếp tục đứng đầu khu vực khi đoạt HCV, hạng nhì thuộc về đội Philippines và HCĐ là Indonesia. 

  •  Cử tạ
     Chỉ có HCĐ
     

Ở hạng 85 kg, Nguyễn Quốc Hải chính là lực sĩ có tuổi đời cao nhất trong số 5 lực sĩ tranh tài. Tuy vậy, tuổi tác không đi kèm với sự già dặn, kinh nghiệm thi đấu. Sau khi hoàn thành nội dung cử giật với trọng lượng 133 kg, Quốc Hải đăng ký trọng lượng 172 kg cho nội dung cử đẩy, nhằm cạnh tranh tấm HCB với Rahman Hidayat (Indonesia). Nhưng sơ sẩy kỹ thuật và thiếu khả năng điều phối sức hợp lý nên phải mất 3 lần cử, Quốc Hải mới nâng thành công trọng lượng 172 kg. Vì thế, lực sĩ này chỉ giành HCĐ, thua lực sỹ Thái Lan Pitaya giành HCV đến 11 kg.
 
Trong khi đó, ở hạng 95 kg, do tính nhầm trọng lượng khởi điểm nên Lưu Văn Thắng thậm chí còn không một lần thành công với trọng lượng 145 kg, vì vậy, lực sỹ này đành ngậm ngùi chia tay giấc mơ giành huy chương ngay sau nội dung cử giật. 

  • Futsal
     NỮ VIỆT NAM XUẤT SẮC VÀO CHUNG KẾT
     

Những dự đoán từ trước trận bán kết môn futsal nữ Việt Nam - Malaysia rằng Việt Nam sẽ thắng rốt cuộc cũng đã diễn ra theo đúng ý nhiều người. Chỉ có điều, phải rất chật vật, các cô gái của chúng ta mới có thể vượt qua được đối thủ với tỷ số 3-1 trong thế trận khá ngang ngửa để tiến vào trận chung kết. Lối đá phòng thủ chặt chẽ của Malaysia khiến những miếng tấn công nhanh của Việt Nam không mang lại hiệu quả. Phải đến phút thứ 19, cầu thủ vào thay người Nguyễn Thị Mỹ Kim (12) mới tung cú sút dứt khoát tung lưới thủ môn Anics Ibrahim (1), mở tỷ số 1-0. Các cô gái Việt Nam tiếp tục duy trì thế ép sân khi hiệp nhì khởi đi. Thế nhưng, Malaysia mới là đội tìm được bàn thắng san hòa tỷ số 1-1 ở phút 29, sau khi Rozana Roslan (8) dứt điểm chính xác tung lưới thủ môn Kim Ngân.

 Giữa lúc căng thẳng, kinh nghiệm của các cầu thủ Phùng Thị Minh Nguyệt (7) và Nguyễn Thị Nga (16) mới được phát huy triệt để. Phút 33, Nga sút căng hạ gục Ibrahim (1), trước khi Minh Nguyệt ấn định chiến thắng 3-1 cho Việt Nam bằng pha dứt điểm kỹ thuật, đưa đội nhà tiến vào trận chung kết. Ở trận bán kết dùiễn ra cùng giờ, nữ Thái Lan đã đè bẹp Philippines với tỷ số 9-2, giành quyền vào chơi trận chung kết với Việt Nam vào lúc 16 giờ ngày 13-12.

  •  Cầu lông
     Tiến Minh hy vọng có huy chương
     

Ở nội dung đơn nam, Việt Nam có 2 tay vợt dự tranh là Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Quang Minh. Không mấy khó khăn, Nguyễn Tiến Minh thắng tay vợt Asuncion (Philippines) 2-0 lọt vào tứ kết. Cơ hội có huy chương của Tiến Minh (hạng 41 thế giới) là rất có thể nếu vượt qua tay vợt đồng cân, đồng lạng Poompat (Thái Lan) hạng 43 thế giới trong trận đấu tứ kết diễn ra vào hôm nay. Quang Minh bị loại khi thua Kuan Beng Hong (Malaysia) 0-2.
 
Nội dung đơn nữ: Nguyễn Thị Sen thua Ponsana (Thái Lan) 0-2, Phương Nhi thua Soratja (Thái Lan) 0-2. Hai đôi nam-nữ Việt Nam thua ngay trận đầu. Hai đôi nữ giành chiến thắng vào tứ kết. Một đôi nam thắng vào tứ kết, một đôi thua bị loại.  

  • Bóng ném
     Nhà vô địch bị hạ bệ
     

Trong trận đấu mang tính quyết định với đội chủ nhà Thái Lan, các cô gái vàng Việt Nam chơi khá mờ nhạt. Trong hiệp thứ nhất, đội Thái Lan dẫn trước 11-8. Sau đó, họ tiếp tục ghi thêm 14 điểm trong hiệp 2, còn Việt Nam chỉ ghi được 12 điểm. Thắng chung cuộc 25-20, đội nữ Thái Lan giành ngôi vô địch. Đội Việt Nam đổi màu huy chương từ vàng..sang bạc. 

Nhóm PV

Dấu ấn lịch sử ảnh 4
Vũ Thị Hương không có đối thủ trên đường chạy 200m nữ.

Tin cùng chuyên mục