Người xưa có câu “Cai quan định luận” nghĩa là chỉ khi nắp quan tài đậy lại mới luận bàn được về người nằm trong đó. Đánh giá một con người không dễ, một con người có địa vị trong đời sống xã hội cũng có nghĩa là có trách nhiệm với cộng đồng và lịch sử với một địa phương đương nhiên là không đơn giản chỉ bằng cảm tính hay cảm tình. Sáng suốt nhất chỉ có thời gian và lòng người.
Là người có cơ hội gắn bó những hoạt động nghề nghiệp của mình với thành phố này từ hồi còn gắn kết với Quảng Nam trong một tỉnh và đặc biệt là từ khi Đà Nẵng đã tách ra thành một thành phố trực thuộc Trung ương (1997), tôi xúc động khi nghe tin anh Nguyễn Bá Thanh đã qua đời. Vì tôi hiểu được phần nào những dấu ấn của anh trong cương vị người lãnh đạo đối với thành phố bên sông Hàn mà tôi được chứng kiến bằng những cảm nhận nghề nghiệp và những lần tiếp xúc trực tiếp với con người này.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Ấn tượng về cái thành phố bề bộn dấu tích chiến tranh ngay sau ngày giải phóng (1975) mà tôi “quá cảnh” trên đường vào Sài Gòn, rồi tới cái thành phố bị tàn tạ trong thời kỳ “bao cấp” và nỗ lực đổi mới trong cái cơ chế “nông thôn bao vây thành thị” trước khi tách thành một đơn vị độc lập trực thuộc trung ương giúp tôi nhìn nhận được rõ hơn cái giá trị của thành phố Đà Nẵng ngày hôm nay.
Tôi không quên, ngày đầu tiên Đà Nẵng mang quy chế thành phố trực thuộc trung ương cũng là ngày đầu tiên của năm 1997, tôi đã có mặt trên chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống thành phố này và được một vài đồng nghiệp báo chí ưu ái gọi là “người xông đất” chỉ vì xuất hiện sớm nhất trên cửa sân bay nơi đã có sẵn cánh báo chí đứng đợi.
Tôi còn nhớ, đêm hôm trước, ngày cuối cùng của năm 1996, tôi tham gia ban giám khảo của đêm chung kết “SV96” chứng kiến cuộc thi đấu sôi động của các bạn trẻ với kết quả là Đội sinh viên Đà Nẵng đoạt giải Á quân. Các em sinh viên của thành phố này dựng một tiểu phẩm lấy hình tượng đoàn xe lửa làm biểu trưng cho thành phố và coi những cản lực trên đường ray là trách nhiệm mà giới trẻ phải góp phần phá bỏ để thành phố của mình bước vào một giai đoạn lịch sử mới... Cuộc thi kéo dài đến gần nửa đêm, và rời cuộc thi chỉ vài tiếng là tôi lên máy bay để đến khai mạc một cuộc triển lãm về những sử liệu của “Đà Nẵng Xưa” như một việc làm chào mừng. Ngày 1-1-1997 cũng là ngày đầu tiên anh Nguyễn Bá Thanh trở thành người đứng đầu bộ máy hành pháp của thành phố để 6 năm sau ở cuơng vị Bí thư Thành ủy.
Kể từ đó hầu như năm nào tôi cũng có cơ hội đến thành phố này một vài lần, cộng tác với anh chị em ở địa phương trong nhiều hoạt động liên quan đến nghề nghiệp của mình. Do vậy cũng có nhiều cơ hội gặp người đứng đầu của thành phố này cùng các đồng sự của anh. Đôi lần người đứng đầu thành phố cũng nhắc lại câu chuyện “xông đất” của tôi. Việc lãnh đạo một thành phố phát triển trong một thời kỳ chuyển đổi sâu sắc, chịu tác động bởi rất nhiều áp lực, động chạm đến không chỉ lợi ích của nhiều tầng lớp xã hội mà còn cả chính cái cơ chế hiện tồn, đương nhiên là một việc khó khi đánh giá vai trò của một con người có trách nhiệm cao nhất ở địa phương. Tuy nhiên báo chí cũng đã nói nhiều đến những gì Đà Nẵng đã làm khi người đứng đầu thành phố là anh Nguyễn Bá Thanh.
Những điều dễ nhận thấy ở anh Nguyễn Bá Thanh là một con người có cá tính mạnh mẽ và quyết đoán. Chính cá tính mạnh mẽ ấy giúp người đứng đầu vận hành bộ máy của mình hoạt động một cách có hiệu quả khi thực hiện những ý tưởng đúng đắn mà hiện thực toàn cảnh của một thành phố Đà Nẵng như hôm nay là một minh chứng. Tôi cũng hiểu rằng cái cá tính mạnh mẽ ấy cũng có thể để lại không ít cách nhìn nhận và hệ quả khác nhau.
Ngay với tôi, đã có lúc không làm người đứng đầu thành phố thay đổi ý định khi đề cập đến việc một số di tích lịch sử bị xâm hại vì những công trình xây mới trong thành phố như ở khu vực thành cổ... cũng như ý tưởng chuyển một số cơ quan văn hóa (như thư viện, nhà xuất bản...) từ khu vực trung tâm đi nơi khác... Không thay đổi ý kiến nhưng anh Nguyễn Bá Thanh vẫn lắng nghe và mong sự cảm thông của người đối thoại vì “phải đặt việc này trong toàn cảnh quy hoạch của thành phố đang phát triển”.
Khi nhận được những khiếu nại của cử tri Đà Nẵng, tôi thường chuyển thẳng tới anh Nguyễn Bá Thanh khi còn là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố. Có những vụ việc cử tri được thỏa mãn, cũng có những trường hợp không được như ý và vẫn tiếp tục khiếu kiện, nhưng khi đơn đã đến tay, là người đứng đầu địa phương, anh vào cuộc quyết liệt không hề né tránh... Điều đó không phải ở đâu cũng có, nhưng tôi cũng hiểu rằng, người lãnh đạo khó có thể chiều lòng tất cả.
Kỷ niệm cuối cùng của tôi là khi gặp anh “từ Trung ương” về thành phố dự lễ khánh thành cùng một lúc hai cây cầu mới dựng vượt sông Hàn được khởi công từ khi anh còn là Bí thư Thành ủy. Tôi hỏi anh rằng giờ đây từ “trên cao” anh nhìn lại thành phố này như thế nào? Anh Nguyễn Bá Thanh chữa lại câu hỏi và trả lời rằng “từ ngoài nhìn vào chứ không phải từ trên nhìn xuống thì thấy còn nhiều việc phải làm, thậm chí phải sửa, nhiều điều ưng ý nhưng lẽ ra có thể làm tốt hơn nữa”.
Những ngày anh Nguyễn Bá Thanh lâm trọng bệnh điều trị ở nước ngoài rồi trở về trong nước, và những gì diễn ra ngay sau khi qua đời, lòng người dân thành phố Đà Nẵng, nơi ông sinh ra, sống và cống hiến trên nhiều cương vị khác nhau rồi trở thành người lãnh đạo cao nhất của thành phố đã phần nào nói lên một vế của cái nguyên lý: “Có công dân dựng đền thờ...”. Cả nước nhìn vào thành phố Đà Nẵng hôm nay có thể nhận ra dấu ấn một thời anh Nguyễn Bá Thanh để lại. Còn người dân sống trên thành phố này sẽ tiếp tục sống với những đổi thay sắp tới và sẽ hiểu hơn về những dấu ấn ấy...
14-2-2015
DƯƠNG TRUNG QUỐC
>> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viếng đồng chí Nguyễn Bá Thanh