Dấu chấm hết cho Berlusconi?

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi ngày 9-11 tuyên bố sẽ từ chức vào cuối tháng này và không tham gia cuộc bầu cử thủ tướng sắp tới. “Triều đại” của vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất ở Italia sau Thế chiến II đã đến hồi cáo chung?

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi ngày 9-11 tuyên bố sẽ từ chức vào cuối tháng này và không tham gia cuộc bầu cử thủ tướng sắp tới. “Triều đại” của vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất ở Italia sau Thế chiến II đã đến hồi cáo chung? 

Tuyên bố được ông Berlusconi đưa ra sau khi chính phủ do ông đứng đầu giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về quyết toán ngân sách năm 2010 - điều kiện tiên quyết để quốc hội thông qua bất kỳ kế hoạch ngân sách nào trong tương lai. Tuy nhiên, với kết quả 308/630 phiếu ủng hộ, thắng lợi lại là sự phản ánh thất bại của Chính quyền Berlusconi khi phe của ông không còn kiểm soát đa số (316 phiếu) tại Hạ viện. Rất nhiều nghị sĩ là đồng minh của ông Berlusconi đã dứt áo ra đi, đứng về phía phe đối lập phản đối Thủ tướng Italia.

Theo nhiều nhà phân tích, việc ông Berlusconi tuyên bố ra đi là kết quả tất yếu khi lòng tin dành cho Thủ tướng Italia không còn. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1994, nhà lãnh đạo của Italia bị xem là hiện thân của những lời hứa suông. Trong cương lĩnh tranh cử, ông Berlusconi luôn hứa hẹn sẽ đưa ra các biện pháp để nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho thanh niên. Nhưng hơn một thập kỷ qua, chỉ số phát triển kinh tế của Italia luôn tụt hậu so với các thành viên khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) gần 1%. Nợ công Italia đến thời điểm hiện tại đã chiếm 120% GDP và Italia đang bị cảnh báo về khả năng vỡ nợ.

Trong khi nền kinh tế èo uột, nhà lãnh đạo Italia lại dính đầy tai tiếng với các vụ bê bối về gian lận thuế, hối lộ và tình dục. Chính vì những điều đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn đủ can đảm rót vốn vào. Lãi suất trái phiếu chính phủ Italia thời hạn 10 năm hiện đã tăng lên mức rất cao 6,85%, phản ánh sự mất lòng tin của nhà đầu tư vào trái phiếu mang đầy tính rủi ro. Các nhà kinh tế đều nhận định rằng nền kinh tế Italia đang suy thoái, khó có thể tăng trưởng vào năm 2012 và chính phủ sẽ không đạt được các mục tiêu về thâm hụt tài chính.

Theo tạp chí Times (Mỹ), rất nhiều người dân Italia sẽ chẳng hề buồn khi ông Berlusconi ra đi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để gạt bỏ ông Berlusconi, người đã vượt qua hàng chục cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và trụ lại bất chấp việc đã 3 lần phải ngồi vào ghế bị cáo tại tòa.

Giacomo Maramao, giảng viên triết học chính trị của 3 trường đại học tại Roma (Italia), cho rằng ông Berlusconi đã hết thời song “ông Berlusconi sẽ chỉ thảo luận việc từ chức khi nhận được sự bảo đảm cho các công ty riêng cũng như sự an toàn cho bản thân, cụ thể là về mặt pháp lý”. Đầu năm nay, một dự luật đã được chính phủ Italia thông qua.

Theo đó, ông Berlusconi sẽ được miễn truy tố hoàn toàn trước pháp luật một khi còn là Thủ tướng Italia. Nếu rời bỏ cương vị này, ông Berlusconi chắc chắn sẽ phải đối mặt với hàng loạt tội danh đang bị điều tra.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục