Mới đây, tại cuộc họp sơ kết 2 tháng triển khai kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm bẩn theo Luật An toàn thực phẩm, tổ chức tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT cho biết cơ quan chức năng vẫn còn phát hiện nhiều chất cấm, nguy hại trong thực phẩm, rau quả.
Lạm dụng “thúc chín tố” bảo quản thịt
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, trong quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm, nông sản, cục đã phát hiện và xác định hóa chất Ethephon hay còn gọi là “thúc chín tố” đang bị lạm dụng để bảo quản thịt tại Thanh Hóa và một số địa phương khác.
Vì lợi nhuận, thương lái tại nhiều địa phương đã sử dụng thuốc “thúc chín tố” để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ nhằm giữ độ tươi của thịt. “Loại hóa chất này không màu, không mùi, đựng trong lọ nhựa 5ml, trên lọ có in chữ nổi “thúc chín tố” có hoạt chất chính là Ethephon. Đây là một loại hóa chất gốc phốt pho, có tác dụng điều hòa sinh trưởng thực vật”- ông Tiệp nói.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về độc tính của Ethephon cho thấy, đối với mắt, Ethephon gây kích ứng, xót mắt, gây đỏ mắt; với da, nếu có tiếp xúc trực tiếp sẽ ăn mòn, gây sưng, đỏ da. Một số nước trên thế giới cho phép sử dụng Ethephon trên một số loại hoa quả để kích thích chín nhanh, chín đều, nhưng phải đáp ứng quy định về mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép. Tuy nhiên Ethephon không được phép sử dụng trong chế biến bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật. Việt Nam cấm sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Qua đợt giám sát mới đây còn phát hiện, việc lạm dụng hóc môn kích thích tăng trưởng gốc B-Agonist như Sallbutamol, Clenbuterol... dù các hóc môn này tại Việt Nam bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Sallbutamol đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam từ năm 2002 vì có thể gây rối loạn chức năng tim phổi nếu con người ăn phải thực phẩm có tồn dư lớn chất này. Còn Clenbuterol sử dụng trên gia cầm có thể kích thích gà, vịt đẻ 2 trứng/ngày, sử dụng trên heo giúp tăng trọng nhanh. Song khi thực phẩm có chứa độc tố này thì sẽ gây độc hại với con người, vì cũng không ai kiểm soát được liều lượng sử dụng.
Truy tìm nguồn thực phẩm bẩn
Liên quan tới nguy cơ thực phẩm bẩn, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm: “Sợ nhất là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là những chất chúng ta không biết được”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho biết: “Một số nơi, thương lái đưa thuốc tăng trọng cho nông dân sử dụng. Hay một bộ phận cán bộ thú y ham lợi, biết là thuốc cấm nhưng vẫn lén lút bán cho nông dân”. Trong khi đó, chất lượng các phòng kiểm định, phân tích và năng lực cán bộ phân tích của chúng ta còn kém. Cùng một mẫu đưa vào phân tích tại những phòng thí nghiệm khác nhau, thời gian khác nhau, lại đưa ra những kết quả khác nhau.
Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện tại các quy chế, tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đã gần như hoàn tất, nhưng vẫn chưa tìm ra được điểm xung yếu để tập trung giải quyết. Trong thời gian tới, phải kiên quyết xử lý những đối tượng, cơ sở vi phạm, truy xuất đến cùng vùng sản xuất bẩn. “Không thể nhân nhượng cho một người để đầu độc nhiều người. Chúng ta không thể chùn tay trong vấn đề này”- Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định. Theo ông Cao Đức Phát, trong quá trình xử lý, chắc chắn sẽ gặp sự phản ứng từ nhiều phía, song vẫn phải làm bởi vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe hàng triệu người dân.
Các loại rau củ, trái cây và thuốc bảo vệ thực vật cũng còn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt khó kiểm soát việc giao thương hàng hóa ở khu vực biên giới. Bà con sinh sống ở khu vực biên giới mang thuốc bảo vệ thực vật vào nước ta qua đường biên giới. Sau đó, doanh nghiệp tổ chức thu gom và đưa về xuôi tiêu thụ. Lượng nhập lậu rất lớn nên khó kiểm soát. Kết quả phân tích 118 mẫu rau, củ nhập khẩu từ 36 nước theo các con đường khác nhau cho thấy, 18 mẫu có tồn dư hóa chất. Rất may tất cả đều dưới ngưỡng cho phép. |
Phúc Hậu
>> Phát hiện nhiều mẫu thực phẩm “bẩn”