Không bức xúc sao được, cũng mặt tiền đường Lê Duẩn, khu đất số 23 Lê Duẩn có diện tích 3.025m2, khi TPHCM tổ chức bán đấu giá đã thu về 1.430 tỷ đồng nhưng khu đất số 8 Lê Duẩn có diện tích lớn hơn - khoảng 3.400m² lại được duyệt giá bán chỉ là 621,7 tỷ đồng; còn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn là 3,5 triệu đồng/m²/năm (?!)
Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi động cơ nào dẫn đến sự “bẻ kèo”, từ chủ trương đấu thầu lại chuyển sang giao đất chỉ định, đem đến lợi nhuận có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng cho các nhà đầu tư? Với loại hình giao đất công như thế này, nếu được thanh tra sòng phẳng, Nhà nước có thể sẽ thu hồi được nhiều trăm ngàn tỷ đồng từ việc giao đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, đất vàng ven sông Sài Gòn, cũng như hàng loạt khu đất vàng khác thuộc quận 1, Bình Thạnh, quận 4, chứ chưa nói ở những khu vực khác.
Một loại lãng phí tiếp theo, cũng cực kỳ lớn, là sự cát cứ trong quản lý đất công. Mới đây, người viết bài có tham dự buổi giám sát của Hội đồng nhân dân TP tại quận Tân Phú. Thông tin từ địa phương cung cấp cho thấy cả “rừng đất công” đang sử dụng không đúng mục đích. Theo đó, cuối năm 2017, quận Tân Phú chủ động đi khảo sát thực địa, kiểm tra hồ sơ, rà soát và tổng hợp lại. Kết quả là có đến 32 khu đất với tổng diện tích trên 40ha sử dụng sai mục đích, kiến nghị thu hồi.
Sự lãng phí kiểu này có thể thấy ở nhiều quận, huyện nhưng thật trớ trêu khi rớ vào, tất cả khu đất đều “có chủ”! Tình trạng này xuất phát từ sự tồn tại chồng chéo của các bộ ngành, các tổng công ty Nhà nước liên quan đến công sản. Trước đây, doanh nghiệp Nhà nước được giao sử dụng khu đất đó, nay vai trò lịch sử đã kết thúc, khu đất được quy hoạch chuyển sang mục đích khác, nhưng cơ quan chủ quản vẫn không “nhả ra” để “hợp tác” với các doanh nghiệp khác, tiếp tục khai thác khu đất với sứ mệnh mới. Ngay cả việc tiến hành thanh tra khẳng định khu đất đang sử dụng sai mục đích, đủ điều kiện để thu hồi, nhưng trên thực tế việc thu hồi khá khó khăn.
Vì sao có sự lãng phí đất công khủng khiếp như vậy?
Thực tế cho thấy, đất đai là loại hình kinh doanh đặc thù. Với hệ thống pháp luật hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng được quyền “bước vào sới”. Ở đó, dư luận râm ran rằng, muốn làm bất động sản phải có sự “quen biết”, phải có “thợ chạy”, phải “có thầy”, có khả năng “đi vào cửa trước, luồn cửa sau”, việc sở hữu khu đất vàng càng đắc địa là càng thể hiện “uy lực” của doanh nghiệp đó… Điều này có thể kiểm chứng cụ thể trên một bộ hồ sơ nhà đất được phê duyệt: có các chữ ký của lãnh đạo từ quận - huyện qua các sở, lên TP, những dự án lớn liên quan các bộ ngành trung ương, đều có chữ ký đầy đủ của các cơ quan này. Đó chính là lý do nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vừa và nhỏ “than trời” vì thời gian hoàn tất thủ tục cho một dự án phải mất từ 3 - 5 năm.
Do đó, muốn triệt tiêu tiêu cực, đầu tiên, phải xóa bỏ hẳn cơ chế giao đất chỉ định, tất cả phải đem ra đấu giá. Nhà nước chuẩn bị sẵn các thông số liên quan đến khu đất, từ mật độ xây dựng, chiều cao, khoảng lùi… Như vậy, khi nhà đầu tư tham gia đấu giá, đã có sẵn bộ hồ sơ khu đất, tự tính toán bài toán kinh doanh, loại bỏ trường hợp chạy chọt để xin xỏ. Thứ hai, đối với toàn bộ đất công sản, phải kiên quyết dứt bỏ các doanh nghiệp đã sử dụng trước đó, dù là của địa phương này hay bộ nọ, bộ kia, Nhà nước tập trung về một đầu mối quản lý. Từ quỹ đất này, Nhà nước lên đề bài cho từng khu đất, rồi đem ra đấu giá công khai, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Cách làm này sẽ giải quyết được các vấn đề sau: đất công được bán đúng giá thị trường; Nhà nước thu được tiền lớn cho ngân sách; khu đất tìm được nhà đầu tư có năng lực và thực hiện ngay, không bị “trùm mền”; lợi ích nhóm, tiêu cực không có đất tồn tại; xóa tan dư luận ngờ vực. Còn cứ tiếp tục cách làm “tù mù” lâu nay, đất công chỉ thuộc nhóm lợi ích, tiếp tục thất thu ngân sách, tiêu cực vẫn còn đất sống…