Dấu hiệu “tan băng” giữa Nga và EU

Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Peterburg (SPIEF) lần thứ 20 với chủ đề “Trước ngưỡng một thực tế kinh tế mới” diễn ra từ ngày 16 đến 18-6 thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế khi báo chí cả Nga và phương Tây đều đánh giá diễn đàn này có thể mở đường cho sự “tan băng” trong quan hệ Nga - EU.
Dấu hiệu “tan băng” giữa Nga và EU

Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Peterburg (SPIEF) lần thứ 20 với chủ đề “Trước ngưỡng một thực tế kinh tế mới” diễn ra từ ngày 16 đến 18-6 thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế khi báo chí cả Nga và phương Tây đều đánh giá diễn đàn này có thể mở đường cho sự “tan băng” trong quan hệ Nga - EU.

Tìm cơ hội duy trì và phát triển đối thoại

Hãng tin Nga Sputnik dẫn lời cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang tham dự diễn đàn khẳng định, trong năm 2016 Nga đã trở lại vị trí của mình trên bản đồ ngoại giao thế giới và EU cần xóa bỏ lệnh trừng phạt chống Nga. Hiện tỷ lệ người dân châu Âu phản đối các chính sách trừng phạt của EU với Nga ngày càng tăng.

Nông dân Pháp biểu tình bằng máy cày đòi bỏ lệnh trừng phạt của EU với Nga

Thăm dò dư luận đối với các công dân của 10 nước: Đức, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hà Lan, Hungary, Hy Lạp, Pháp và Thụy Điển (chiếm 82% GDP, 80% dân số EU) chỉ ra rằng có 48% ý kiến thuận (so với 43% ý kiến chống) ủng hộ hợp tác với Nga. Thậm chí một số chính trị gia của Pháp, Đức, Italia còn gửi thư ngỏ thừa nhận việc áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế Nga của EU là sai lầm về chính trị và kinh tế.

Theo quan điểm của họ, dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ hữu ích cho châu Âu trong việc nối lại hợp tác và đối thoại với Nga. Trong khi đó, những biện pháp trả đũa của Nga trong lĩnh vực nông nghiệp trước lệnh trừng phạt đã dẫn đến tình huống khó khăn cho nông dân Đức.

Người đứng đầu Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu Wolfgang Buchel thừa nhận, Đức đã bị mất một phần thị trường tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp khi Nga trả đũa lệnh trừng phạt của châu Âu. Thư ký Liên minh Lombardy - Bắc Italia, ông Paolo Grimoldi, cho biết tất cả các thành viên của Hội đồng khu vực Lombardy đã ký một dự thảo nghị quyết yêu cầu bãi bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Theo ông, tổng các thiệt hại của EU vì các biện pháp trừng phạt lên tới hơn 44 tỷ EUR, tương đương với tổn thất khoảng 900.000 việc làm.

Tờ New York Times nhận định, với sự góp mặt của những nhân vật có tầm ảnh hưởng, SPIEF là diễn biến mới nhất cho thấy châu Âu đang sẵn sàng giảm thiểu những biện pháp trừng phạt kinh tế có tác động tiêu cực tới cả hai phía.

Tìm nguồn tăng trưởng mới

 

Trong khuôn khổ SPIEF, Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga đã ký hợp đồng cung cấp dầu khí với Tổng Công ty dầu Việt Nam PetroVietnam Oil Corporation (PV Oil), công ty con của PetroVietnam. Theo đó, từ nay tới năm 2040, Rosneft sẽ cung cấp cho Việt Nam lượng dầu lên tới 96 triệu tấn. Đây được xem là một trong những hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay, nằm trong chiến lược mở rộng các đối tác tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương của Liên bang Nga..

 

Theo RFI, từ 2 năm nay, sau khi Nga sáp nhập Crimea và bị EU áp đặt lệnh trừng phạt, rất ít khách mời đến từ châu Âu. Nhưng năm nay, nhiều nhân vật quan trọng của châu Âu và thế giới đến dự SPIEF. Nổi bật hơn cả là sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ông Juncker là quan chức đầu tiên chính thức đặt chân trên đến Nga kể từ tháng 3-2014. Đây được coi là dấu hiệu chính trị không thể phủ nhận về việc châu Âu có thiện ý muốn nối lại quan hệ với Nga. Tuy nhiên, trước cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch EC cho biết, EU sẽ chỉ dỡ bỏ trừng phạt kinh tế nếu Nga không tiếp tục can dự vào Ukraine.

Phiên toàn thể của Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 20 ngày 17-6 có chương trình nghị sự đa dạng, tập trung vào các vấn đề cấp bách mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt, mục đích chính của diễn đàn là thảo luận về thực trạng nền kinh tế và tìm ra các nguồn tăng trưởng mới trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, tại hơn 100 sự kiện lớn nhỏ khác nhau trong khuôn khổ diễn đàn, 200 chuyên gia và các nhà quản lý doanh nghiệp của hơn 30 quốc gia sẽ thảo luận về nhiều khía cạnh của nền kinh tế thế giới hiện nay, như hợp tác năng lượng, đầu tư, tài chính ngân hàng, công nghệ cao...

Theo Russia Today, phát biểu trong phiên toàn thể của SPIEF, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, kinh tế Nga đang tăng trưởng trở lại. Ông cũng nhấn mạnh nước Nga không ác cảm với EU. Dù chịu thiệt hại đáng kể sau khi Mỹ và EU áp đặt các lệnh trừng phạt từ năm 2014, nhưng kinh tế Nga đã thích nghi với hoàn cảnh mới, sau khi áp dụng tỷ giá nội tệ quốc gia linh hoạt, nền kinh tế hiện có lợi thế để cạnh tranh. Ông Putin còn cho hay, tình hình kinh tế vĩ mô Nga ổn định, mức độ lạm phát đã giảm, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga vẫn cao nhờ nhiều nỗ lực của Ngân hàng Trung ương. Ngoài ra ông Putin khẳng định, EU vẫn là đối tác thương mại quan trọng với Nga và Mátxcơva hiện sẵn sàng để khôi phục quan hệ với khối 28 nước…

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục