Chỉ trong năm 2015, hơn 5.835 trẻ em di cư mất tích bí ẩn tại Đức. Theo tờ Funke Mediengruppe, 555 em trong số này dưới 14 tuổi. Hầu hết các trường hợp đều rơi vào những trẻ em di cư đến từ Afghanistan, Syria, Eritrea, Morocco và Algeria. Đức đã mở cuộc điều tra quy mô nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân vụ việc. Một số chính trị gia bắt đầu công kích chính phủ vì đã không có bất kỳ hành động nào để giải quyết vấn đề này. Theo bà Luise Amtsberg thuộc đảng Xanh, chính quyền không để ý đến sự nguy hiểm của nạn lạm dụng đối với cộng đồng người di cư.
Theo giới điều tra Đức, 5.835 trẻ em di cư bị mất tích đều không có bố mẹ đi cùng hoặc bị lạc cả gia đình. Đây là những đối tượng dễ bị dụ dỗ và nhiều khả năng có thể rơi vào tay bọn buôn người hoặc các nhóm tội phạm. Tuy vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy các băng đảng tội phạm đứng sau các vụ trẻ em mất tích nhưng không thể bác bỏ khả năng một lượng trẻ lớn như vậy mất tích có liên quan tới các hoạt động phạm pháp.
Theo Cơ quan tình báo Đức, điều nguy hiểm hơn cả các em nhiều khả năng sẽ rơi vào tầm ngắm của các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đám chiêu mộ chiến binh thánh chiến đặc biệt muốn săn lùng những đứa trẻ có sức khỏe tốt, có khả năng thực hiện những công việc như buôn lậu thuốc phiện, cướp bóc và thực hiện các vụ tấn công khủng bố tại các nước Trung Đông và châu Âu. Những phần tử khủng bố có khả năng bắt chuyện dễ dàng với trẻ di cư vì ở Đức, lũ trẻ không biết tiếng bản địa. Không tiền sinh sống, không gia đình, không nơi nương tựa là những lý do khiến các em cảm thấy lời mời gọi từ các nhóm khủng bố hay các nhóm tội phạm rất hấp dẫn.
Theo thống kê của Tổ chức nhân đạo Save the Children, có khoảng 26.000 trẻ em không có người thân đi kèm đã đến châu Âu trong năm ngoái. Nếu tổng số trẻ em di cư bị mất tích tại các nước châu Âu từ năm 2014 cho đến nay là hơn 10.000 em thì tính riêng tại Đức, con số này là rất lớn vì chiếm hơn một nửa.
Trước sự bất lực của giới chức các nước sở tại, Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) buộc phải mở các cuộc điều tra nhưng cho đến nay, những vụ mất tích vẫn là những câu hỏi lớn không lời giải đáp.
Dù đang có trong tay bằng chứng cho thấy một số trẻ di cư ở châu Âu đã bị bóc lột tình dục nhưng Europol không thể nắm được thông tin phần lớn trẻ di cư giờ đang ở đâu, làm gì hay sống với ai. Europol khẳng định sẽ tìm thêm bằng chứng từ các tổ chức đang làm việc trên các tuyến đường di cư qua các quốc gia vùng Balkan, kêu gọi các cộng đồng dân cư đề cao cảnh giác và quan tâm hơn đến các cộng đồng di cư sống quanh mình để phát hiện giúp các cơ quan chức năng những trường hợp có thể là trẻ em di cư bị lạm dụng.
Trở lại câu chuyện ở Đức, truyền thông nước này cũng đã chính thức vào cuộc nhằm góp thêm tiếng nói bảo vệ trẻ em di cư. Liên đoàn Bảo vệ trẻ em Đức cho rằng, cần quan tâm hơn nữa tới trẻ em di cư thay vì xa lánh vì dù đến từ quốc gia nào các em vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong những chuyến hành trình đi tìm cuộc sống mới ở châu Âu.
THANH HẰNG