
Dầu lửa đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Những biến động kinh tế, chính trị trên thế giới đều ẩn chứa mối liên quan đến dầu lửa. Điều đó khiến báo chí thế giới một lần nữa nhắc đến học thuyết quân sự hóa chính sách năng lượng.

Đường ống dẫn dầu - Mục tiêu bảo vệ số 1 của lính Mỹ tại Iraq.
Sau cuộc khủng hoảng dầu lửa thập niên 70 của thế kỷ trước khiến kinh tế thế giới bị suy thoái trầm trọng, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã phải áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, kể cả biện pháp quân sự. Và học thuyết quân sự hóa chính sách năng lượng đã được hình thành. Giờ đây học thuyết này dường như vẫn tiếp tục được phát huy.
Học thuyết trên được Tổng thống Mỹ Carter khởi xướng vào năm 1980 sau khi xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran. Mỹ rất lo ngại khi Chính phủ mới tại Iran (một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới) có khuynh hướng chống Mỹ và phương Tây, đe dọa nghiêm trọng nguồn cung cấp dầu lửa cho nền kinh tế Mỹ từ khu vực Trung Đông.
Mỹ là quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, vì thế, mọi biến động về giá dầu ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Vựa dầu Trung Đông là lợi ích sống còn đối với Mỹ và nước này tìm mọi cách để nguồn dầu nhập khẩu từ Trung Đông không bị gián đoạn. Tổng thống Carter tuyên bố: Vì lợi ích của nước Mỹ, chúng ta sẽ làm tất cả, kể cả biện pháp quân sự.
- Hai cuộc chiến vùng Vịnh
Nguyên tắc trên của Tổng thống Carter được những người kế nhiệm tiếp tục áp dụng đã dẫn đến cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất (1990-1991) do Tổng thống Bush (cha) phát động. Mục tiêu lớn nhất của Tổng thống Bush khi đó là nắm nguồn dầu mỏ của Iraq (một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ).
Sau các đợt phóng tên lửa mở màn chiến tranh, quân Mỹ đã nhanh chóng kiểm soát các giàn khoan dầu của Iraq. Nhằm che giấu động cơ dầu lửa trong cuộc tấn công này, nhà cầm quyền Mỹ biện minh rằng cuộc tấn công nhằm trả đũa việc Iraq tấn công quân sự chống Kuwait, đồng minh của Mỹ tại Trung Đông.
Iraq tiếp tục là nạn nhân của học thuyết quân sự hóa chính sách dầu lửa khi Tổng thống Bush (con) phát động cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ 2 vào tháng 3-2003 với chiêu bài ngăn chặn tham vọng sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq. Thực tế, Mỹ rất lo ngại ban lãnh đạo Iraq do Tổng thống Saddam Hussein đứng đầu có tư tưởng dân tộc, không thân phương Tây. Vì vậy, Mỹ phải tạo dựng một chính thể mới tại Iraq đáp ứng được lợi ích dầu mỏ của Mỹ.
- Quân đội vào cuộc bảo vệ các giếng dầu
Trước các hoạt động phá hoại các giếng dầu, tàu chở dầu và hệ thống đường ống dẫn dầu của các nhóm khủng bố, Mỹ đã triển khai quân đội tại nhiều điểm nóng trên thế giới nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động khai thác và vận chuyển dầu khí.
Hạm đội 5 của Mỹ với các tàu tuần dương hiện đại nhất được triển khai tại vùng Vịnh, tuần tra 24/24 để bảo vệ các tàu chở dầu. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng được triển khai tại Nigeria và Colombia nhằm ngăn chặn các vụ đốt đường ống dẫn dầu của các tập đoàn dầu khí đa quốc gia. Mỹ cũng đang xem xét đến việc lập các căn cứ quân sự tại các quốc gia châu Phi có nhiều dầu mỏ như Senegal, Ghana, Mali, Uganda và Kenia.
- Đến “cuộc chiến” dầu lửa Mỹ-Trung
Các chuyên gia Mỹ cho rằng với nền kinh tế liên tục tăng trưởng trên 9% trong thập niên qua, Trung Quốc đang trỗi dậy để trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, Trung Quốc ngày càng phải nhập nhiều dầu mỏ để đáp ứng cơn khát dầu và hiện đã vượt Nhật Bản, trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ nhiều thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế Mỹ, với đà tăng trưởng như hiện nay, trong vòng 20 năm nữa Trung Quốc sẽ vượt Mỹ đồng thời trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Đây là thách thức rất lớn đối với việc đảm bảo an toàn năng lượng cho nền kinh tế Mỹ (hiện thế giới tiêu thụ 80 triệu thùng dầu/ngày, trong đó riêng Mỹ tiêu thụ 20 triệu thùng/ngày). Cả Mỹ và Trung Quốc đang dồn sức trên đường đua tìm kiếm các nguồn dầu lửa.
Gần đây Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng hợp tác khai thác dầu với quốc gia “sân sau” của Mỹ là Venezuela. Trung Quốc cũng đang chú tâm đến việc đầu tư khai thác dầu tại các nước Mỹ Latinh. Các quan chức Mỹ theo dõi chặt chẽ và hết sức lo ngại trước chính sách ngoại giao dầu mỏ của Bắc Kinh. Các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có nhiều chuyến thăm đến các quốc gia châu Phi, trong đó vấn đề hợp tác năng lượng là chương trình nghị sự hàng đầu.
Trung Quốc cũng đang rất tích cực đầu tư khai thác dầu khí tại Kazakhstan và đang hợp tác xây dựng đường ống dẫn dầu từ các giếng dầu ở Kazakhstan sang Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đang cố gắng ký hiệp định với Nga xây dựng đường ống dẫn dầu từ Siberia (Nga) sang Đại Khánh (Trung Quốc) nhằm đáp ứng nguồn cung cấp dầu ổn định cho nền kinh tế khổng lồ của nước này.
Trong lúc đó, Mỹ cũng đang cố gắng nắm nguồn dầu lửa ở các quốc gia thành viên SNG là Azerbaijan, Uzbekistan, Armenia… và Mỹ cũng đang xây dựng đường ống dẫn dầu dài 1.000 dặm từ các giếng dầu ở Azerbaijan đi qua Gruzia đến cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ).
THANH XUÂN
(Theo TomDispatch.com và Reuters)