Đầu năm, nhiều chủ nhà trọ cải tạo lại nhà trọ, nói là để cải thiện đời sống sinh hoạt cho người thuê trọ nhưng không ít chủ nhà trọ chỉ sửa sang qua quýt, rồi lấy cớ tăng giá phòng khiến công nhân, sinh viên lao đao. Nhiều công nhân, sinh viên vì ngại di chuyển vật dụng, không muốn chỗ ở cách xa nơi học tập, làm việc đành chấp nhận thuê trọ giá cao; có trường hợp trả phòng tìm nơi ở mới, tốn thời gian, công việc bị ngưng trệ, cuộc sống đảo lộn…
Tăng giá vô tội vạ
Trở lại TPHCM vào ngày 8-2 (mùng 9 Tết) để ổn định chỗ ở, chuẩn bị cho việc học trong năm mới nhưng đến chiều 12-2, Lê Công Bằng (quê Quảng Ngãi, sinh viên năm 2, khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn) vẫn phải tất tả khắp các tuyến hẻm ở phường 4 (quận 8) để tìm thuê nhà trọ.
Bằng cho biết, 4 ngày qua phải ngủ nhờ phòng trọ của bạn học cùng lớp vì chưa tìm thuê được phòng trọ mới. “Trước tết, chủ trọ không hề đề cập chuyện giá trọ. Tết vô, lấy lý do sơn lại phòng, thay hai bóng đèn mới, vợ chồng ông chủ trọ tăng giá phòng lên 950.000 đồng (giá cũ 700.000 đồng). Mỗi tháng, ở quê ba mẹ làm nông gửi cho 1,8 triệu đồng, nếu trả tiền theo giá mới, tụi em không đủ tiền để ăn uống, sinh hoạt, trang trải học tập trong tháng. Nghĩ thật vô lý, chủ trọ cho thuê phòng lấy tiền, việc sơn sửa, cải tạo là việc họ phải làm, cớ sao phải ép người thuê chịu khoản này để tăng giá?”, Bằng bức xúc.
Tương tự, ở khu trọ xập xệ nằm trong hẻm C5, đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), những ngày qua, nhiều sinh viên Trường Trung cấp Nam Sài Gòn trọ học ở đây cũng dọn dẹp vật dụng sinh hoạt tìm nơi ở mới vì chủ trọ tăng giá 200.000 - 300.000 đồng/phòng (tùy diện tích). Lý do tăng giá chủ khu trọ này đưa ra mà người thuê thấy rất vô lý là cuối năm vừa qua bị… công an xử phạt các vi phạm về an toàn PCCC (!?).
Giữa trưa nắng gắt, anh Đinh Công Phương, quê huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (đang là công nhân Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân) chở vợ và đứa con trai 2 tuổi trên chiếc xe gắn máy cà tàng, vừa đi vừa liếc nhìn vào các tờ rơi có ghi dòng chữ “Cho thuê phòng trọ” dán trên các trụ điện.
Đang lúc chờ chồng gọi điện thoại nói chuyện với chủ trọ ghi trên tờ rơi, chị Trần Ngọc Huyền (vợ anh Phương), nói với giọng buồn: “Cả buổi sáng nay, vợ chồng em rảo hết các con hẻm trên đường Hồ Học Lãm, tỉnh lộ 10… mà vẫn chưa tìm được phòng trọ phù hợp với thu nhập, nơi nào cũng nói giá cao ngất. Công ty đã bắt đầu làm việc trở lại nhưng chỗ ở vẫn chưa có. Chưa tìm được chỗ ở nên chưa biết gửi con ở đâu, không biết vài ngày tới sẽ thế nào nữa?”.
Chị Huyền cho biết, trước tết, vợ chồng chị thuê căn phòng 18m² giá 1 triệu đồng trên đường số 7 (phường Tân Tạo, gần công ty), sau tết vô, bà chủ trọ lấy lý do, mới nối nước thủy cục nên tăng lên 1,3 triệu đồng. Làm công nhân, thu nhập ít ỏi nên vợ chồng chị trả phòng, đành thuê ở xa chỗ làm nhưng giá có thấp hơn chút đỉnh.
Ghi nhận của PV Báo SGGP, từ mùng 8 Tết đến nay, tại nhiều khu trọ - nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất thuộc các phường 4 (quận 8), phường Tân Tạo, Bình Trị Đông B, Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), phường Linh Trung và Linh Xuân (quận Thủ Đức), phường Tân Thuận Đông (quận 7)…, tình trạng chủ trọ bất ngờ tăng giá cho thuê trọ sau tết rất phổ biến.
Hầu hết những lý do chủ trọ đưa ra đều không hợp lý: cải tạo lại nhà trọ, thay mới thiết bị PCCC, lắp đặt lại hệ thống điện, giá điện và nước tăng nhẹ, xây cổng rào để đảm bảo an ninh… khiến người thuê trọ bức xúc. Cũng vì lý do này, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng người thuê lớn tiếng, suýt dẫn đến ẩu đả với chủ trọ.
Cần theo dõi, vận động sâu sát
Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo một số phường có nhiều khu nhà trọ tập trung, chúng tôi nhận được câu trả lời chung chung: Địa phương vẫn thường xuyên vận động chủ trọ không tăng giá điện, nước và giá phòng, rất nhiều chủ trọ đã thực hiện đúng như cam kết, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp chủ trọ hứa nhưng sau đó không thực hiện, việc này địa phương khó mà giám sát hết được.
Hầu hết các phường đều cho biết, tới đây sẽ giao nhiều vụ cụ thể này cho trưởng các khu phố, tổ dân phố, cảnh sát khu vực để công tác vận động chủ trọ không tăng giá được hiệu quả hơn, góp phần thực hiện tốt chủ trương bình ổn giá của TP.
Ngoài các khu nhà trọ do người dân cất lên cho thuê, hiện nay nhiều doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng có những khu nhà lưu trú tập trung dành cho công nhân ở, sinh hoạt. Tuy nhiên, do các khu nhà trên hạn chế về giờ giấc đi lại hoặc sợ cháy nổ nên không cho sử dụng các loại bếp nấu, ủi quần áo… khiến phần lớn công nhân không thiết tha, ra ngoài thuê trọ tư nhân để ở, sinh hoạt tiện lợi hơn.
| |
TUẤN VŨ