Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được cả xã hội quan tâm. Bên cạnh các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa... thì rau xanh là mặt hàng mà người tiêu dùng rất chú trọng, nhất là các loại rau ăn lá vì chế biến đơn giản, thậm chí một số loại có thể ăn sống trực tiếp, như rau muống nước. Do vậy, để tạo sản phẩm an toàn cung ứng cho thị trường, TPHCM tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng rau muống nước theo quy trình VietGAP tại xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) và xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi).
Cụ thể, 2 đơn vị Trung tâm Khuyến nông TPHCM, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã xây dựng mô hình “Trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP”, với hơn 132ha (có 146 hộ tham gia) trên tổng diện tích 337,5ha đang sản xuất. Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp đã chứng nhận VietGAP cho 67 cơ sở, với tổng diện tích canh tác là 55,55ha (tương đương 444,4ha diện tích gieo trồng). Ước tính sản lượng đạt khoảng 8.888 tấn rau/năm, trong đó xã Nhị Bình là 2.256 tấn/năm, xã Bình Mỹ là 6.632 tấn/năm.
Để giúp người nông dân trồng rau muống nước an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, thành phố đã quan tâm và hỗ trợ tích cực trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm. Tổ hợp tác rau muống nước xã Nhị Bình cung cấp ra thị trường cho các công ty, cửa hàng, hợp tác xã với sản lượng bình quân 1.500kg/ngày, giá bán chưa sơ chế là 5.000 đồng/kg; sản lượng còn lại được đưa vào các chợ đầu mối, với giá 3.500 - 4.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng tham gia thu mua rau cho nông dân như: Hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh thu mua 800kg/ngày, giá chưa sơ chế là 5.000 đồng/kg và đã qua sơ chế là 7.500 đồng/kg; Công ty Sông Xanh thu mua 200kg/ngày, giá chưa sơ chế là 5.000 đồng/kg; Hợp tác xã Mai Hoa mua 200kg/tuần, giá chưa qua sơ chế là 5.000 đồng/kg và một số cửa hàng, công ty khác thu mua bình quân 200kg - 300kg/ngày, với giá thu mua chưa qua sơ chế là 5.000 đồng/kg. Riêng tại xã Bình Mỹ, đa số các cơ sở sản xuất rau muống nước được chứng nhận VietGAP chủ yếu bán cho các điểm tập kết trên địa bàn xã, giá bán khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg.
Đạt được kết quả trên là nhờ sự mạnh dạn của bà con nông dân trong việc thay đổi tập quán canh tác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất đã được tập huấn, tạo ra sản phẩm rau muống nước an toàn; tạo sự tin tưởng, hợp tác lâu dài và bền vững giữa doanh nghiệp thu mua với nông dân trồng rau. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT TPHCM và chính quyền địa phương.