Đầu tàu EU khó xử

Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thăm Anh vào tuần này để hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron. Các cuộc đàm phán tập trung vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và vấn đề khó khăn của nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thăm Anh vào tuần này để hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron. Các cuộc đàm phán tập trung vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và vấn đề khó khăn của nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).

Chuyến thăm Anh của bà Merkel diễn ra trong thời điểm Đức là chủ tịch nhóm các quốc gia phát triển (G7), có cuộc họp thượng đỉnh ở Bavaria trong tháng 6. Nhưng khó khăn nhất vẫn là chính sách hạn chế nhập cư công dân EU vào Anh. Đức là nước đầu tàu trong EU luôn ủng hộ cho việc công dân di chuyển tự do trong khối EU.

Ở Anh, ông Cameron cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 về khả năng Anh tách khỏi EU nếu cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2015 mà đảng Bảo thủ tiếp tục giành thắng lợi. Theo chính sách của Thủ tướng Anh Cameron, công dân trong khối EU nhập cư vào Anh chỉ được hưởng chính sách phúc lợi trong 4 năm đầu tiên và những ai tới đây không tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sẽ bị trục xuất. Bà Merkel sẽ rất vất vả khi phải thuyết phục Thủ tướng Anh Cameron từ bỏ chính sách giới hạn nhập cư từ EU. Hồi tháng 10-2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói với người đồng cấp Anh rằng với chính sách hạn chế nhập cư từ EU, Anh đã tự tách mình khỏi khối này. Thủ tướng Đức cho rằng người nhập cư là một mối lợi cho tất cả mọi người nhưng thực tế chính người dân Đức cũng có nhiều cuộc biểu tình chống nhập cư. Nhận thức rõ sức nóng của vấn đề nhập cư, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond trong năm 2014 và cả trong năm 2015 sẽ thân chinh tới các thủ đô thành viên EU nhằm tìm sự hậu thuẫn cho kế hoạch sửa đổi lại chính sách nhập cư của toàn EU.

Chính sách thắt lưng buộc bụng do Thủ tướng Đức Merkel chủ xướng đã giúp nhiều nền kinh tế trong khối EU tạm thời thoát khỏi phá sản nhưng đã dẫn đến mức độ gia tăng nhanh chóng tình trạng thất nghiệp kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tại các nước bị khủng hoảng kinh tế và phải chấp nhận các gói cứu trợ, như: Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, dòng lao động trẻ tuổi ồ ạt tiến về phía Bắc châu Âu, sang Đức hoặc Anh để tìm kiếm việc làm.

Thêm vào đó, làn sóng chống thắt lưng buộc bụng đang gia tăng tại các nước này dự báo sẽ đưa các đảng đối lập lên cầm quyền trong năm 2015 sau khi họ chiếm đa số sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm 2014. Ngay cả tại Pháp, một nước đầu tàu khác trong EU, đảng cực hữu Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen chống khu vực đồng euro và chống người nhập cư cũng đang giành được nhiều ủng hộ. Thậm chí, Hy Lạp cũng đang đe dọa rời khỏi khu vực đồng euro mặc dù đồng tiền chung giờ đây mạnh hơn so với năm 2008. Hơn nữa, tình hình kinh tế toàn khối EU vẫn còn ảm đạm. Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 từ 1,6% còn 1%, trong khi con số này trong năm 2014 chỉ ở mức 0,8%.

Tất cả điều đó cho thấy nước Đức còn nhiều việc phải làm với các thành viên còn lại, nhất là với cả Anh và các thành viên phía Nam của EU. Bà Merkel sẽ phải thuyết phục người dân Đức rằng tiền thuế của họ đóng góp vào việc xây dựng khối EU không phải là những đồng tiền lãng phí, rằng EU sẽ có một tương lai vững vàng nếu tất cả có niềm tin.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục