Doanh nghiệp bỏ giá cao trúng thầu, còn doanh nghiệp bỏ thầu thấp bị “đánh rớt”. Đó là những khuất tất, bất cập xảy ra trong đấu thầu dược liệu năm 2012 tại Bệnh viện Y học Cổ truyền (YHCT) Kiên Giang…
Từ nguồn tin phản ánh việc đấu thầu dược liệu ở tỉnh Kiên Giang thiếu minh bạch, cuối tháng 12-2012, phóng viên Báo SGGP đã gặp cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ nhiều vấn đề liên quan. Ông Phạm Văn Thoại, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết: Tháng 7-2012, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang giao cho Bệnh viện YHCT mở thầu gói thầu dược liệu (gói thầu số 1, cung ứng dược liệu cho Bệnh viện YHCT tỉnh Kiên Giang).
Hồ sơ mời thầu phát hành ngày 26-6-2012 và mở thầu vào sáng 24-7-2012. Tuy nhiên, do phát sinh tình huống cần phải trưng cầu ý kiến nên Bệnh viện YHCT Kiên Giang thông báo đổi ngày mở thầu vào ngày 6-8-2012 cùng với một số thông báo thay đổi tiêu chí đánh giá về mặt kỹ thuật.
Giá gói thầu dược liệu năm 2012 được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt là 14.828.639.000 đồng. Có 4 doanh nghiệp được chọn đánh giá năng lực, gồm: Công ty TNHH Bào chế đông dược Dược Phát (Công ty Dược Phát) đề nghị giá trúng thầu 14.545.988.000 đồng; Công ty TNHH Thương mại - sản xuất - xây dựng Đại Lộc (Công ty Đại Lộc) đưa giá 12.529.571.000 đồng; Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú (Công ty Hòa Phú) đưa giá thầu là 11.945.586.000 đồng và Công ty Dược Trung ương 2 đưa giá là 16.903.970.000 đồng.
Qua chấm thầu, Công ty Dược Phát được chọn. Tuy nhiên, phía Tổ thẩm định của Sở Y tế Kiên Giang phản đối và cho rằng, Công ty Dược Phát không có chức năng kinh doanh (chỉ có chức năng sản xuất) dược liệu nhưng lại đấu thầu tham gia cung ứng dược liệu là sai quy định (vi phạm điều kiện tiên quyết). Nguồn gốc thuốc của nhà thầu Dược Phát chỉ thể hiện được 130 mặt hàng (quy định là 210 mặt hàng)… Theo một thành viên tổ thẩm định, nhiều bệnh viện tuyến dưới phàn nàn rất nhiều về chất lượng dược liệu của Công ty Dược Phát. Tổ thẩm định đề nghị chọn Công ty Hòa Phú vì có chức năng bán buôn và có giá bỏ thầu thấp hơn Công ty Dược Phát trên 2,6 tỷ đồng, giảm đáng kể gánh nặng chi phí.
Trước bất đồng quan điểm kéo dài gần nửa năm, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang phải quyết định hủy thầu và giao Bệnh viện YHCT xây dựng hồ sơ mời thầu vào năm 2013. Hiện tại, Bệnh viện YHCT tỉnh Kiên Giang vẫn tiến hành gia hạn mua dược liệu ngoài thầu của Công ty Dược Phát để cung ứng thuốc cho bệnh viện và các khoa đông y của các bệnh viện tuyến dưới cho đến khi có nhà thầu mới!
Ông Trần Minh Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT cho rằng: “Giá rẻ chưa chắc đã là thuốc tốt, giá mắc cũng chưa chắc là thuốc dở. Nếu có mở thầu lại, bệnh viện cũng giữ quan điểm chọn nhà thầu Dược Phát”. Điều đáng chú ý, khi đề cập đến Công ty Dược Phát, ông Trần Minh Cương gần như nhận định toàn “gam màu xanh”. Còn đề cập đến Công ty Hòa Phú, ông Cương phán ngay: “Doanh nghiệp này bị phát hiện 4 mặt hàng dược liệu giả”. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu ông Cương đưa ra bằng chứng thì ông Cương không thể hiện được.
Qua tìm hiểu từ Sở Y tế Kiên Giang, được biết Công ty Dược Phát đã liên tục trúng thầu cung cấp dược liệu cho Bệnh viện YHCT Kiên Giang trong nhiều năm qua mặc dù giá bỏ thầu của đơn vị này luôn cao hơn các vị khác hàng tỷ đồng. Trước đó, trong đợt đấu thầu năm 2011, giá thầu đơn vị này đưa ra là 33.899.485.000, chỉ thấp hơn giá xây dựng của Bệnh viện YHCT Kiên Giang trên 30 triệu đồng và cao hơn công ty khác trên 3,3 tỷ đồng. Năm 2011, Tổ thẩm định của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cũng đánh giá nhà thầu Dược Phát không đáp ứng yêu cầu cả về kinh nghiệm, tài chính (mới đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2009 và quy định phải có 3 năm kinh nghiệm), không có báo cáo tài chính, giá đề nghị trúng thầu cao hơn nhiều so với công ty khác. Thế nhưng, sau đó không hiểu sao công ty này vẫn trúng thầu!
Dư luận đang nghi vấn liệu đằng sau việc đấu thầu này có “nhóm lợi ích” nào đứng đằng sau?
Cao Phong