Đầu tư 285 triệu USD cho các dự án dược phẩm

Đầu tư 285 triệu USD cho các dự án dược phẩm
Đầu tư 285 triệu USD cho các dự án dược phẩm ảnh 1

Viện Hoá học Công nghiệp đã xây dựng xong dự thảo Chương trình trọng điểm quốc gia về công nghiệp hoá dược giai đoạn 2006-2010, có tính đến 2020, trong đó dự kiến kinh phí đầu tư cho các dự án sản xuất thuốc khoảng 285 triệu USD.

Theo dự báo của ngành y tế, đến năm 2005 mức tiêu thụ thuốc của Việt Nam sẽ đạt từ 1-1,5 tỷ USD/năm và đến năm 2010 đạt từ 2-2,5 tỷ USD/năm; trong khi năm nay, tổng số tiền nhập nguyên liệu để sản xuất thuốc chỉ vào khoảng 320-480 triệu USD. Với tình hình sản xuất như hiện nay, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% mức tiêu dùng của nhân dân.

Viện Hoá học Công nghiệp cho biết, hiện tại ngành công nghiệp dược Việt Nam chưa sản xuất được các nguyên liệu nên việc bào chế thuốc phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu. Cả nước hiện mới có 1 cơ sở sản xuất kháng sinh nguyên liệu Amoxycillin và Ampicillin là Công ty Mekophar, chiếm thị phần rất nhỏ, chỉ bằng 1% giá trị thuốc sản xuất trong nước và bằng 0,3% giá trị tiêu dùng thuốc ở Việt Nam.

Trong khi đó, có tới 120 doanh nghiệp nhà nước, khoảng hơn 400 công ty tư nhân và 28 cơ sở đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất và kinh doanh thuốc nhưng hầu hết là bào chế và kinh doanh thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập ngoại. Hiện tại, lượng thuốc thành phẩm hàng năm phải nhập khẩu chiếm gần 65% nhu cầu tiêu dùng. Riêng thuốc kháng sinh chiếm gần 30% tổng số thuốc sử dụng.

Để ngành dược phát triển bền vững, hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, Chương trình phát triển ngành công nghiệp hoá dược đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn tới phấn đấu sản xuất được 300 tấn kháng sinh, 200 tấn hoạt chất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, 300-500 tấn Sorbitol (nguyên liệu để sản xuất Vitamin C) và 1.000 tấn tá dược cao cấp.

Ngành dược cũng cần khai thác triệt để nguyên liệu tự nhiên trong nước như các hoạt chất chiết tách từ dược liệu, sinh vật biển và các nguồn tự nhiên nói chung; xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh thế hệ 1-3 và nghiên cứu công nghệ sản xuất kháng sinh thế hệ 4, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tạo sự chủ động trong lĩnh sản xuất và cung ứng thuốc.

V.Q (Theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục