Tháng 8 năm 2004, tại thành phố Huế, tỉnh Phú Thọ đã vượt qua nhiều đối thủ để giành quyền đăng cai ngày hội lớn nhất của thể thao học đường vào năm 2008. Sau những lời hứa có cánh về một viễn cảnh tuyệt vời của đại hội sẽ diễn ra trên vùng đất Tổ vua Hùng, vừa qua, chúng tôi đã đến Phú Thọ để tìm hiểu công tác chuẩn bị của địa phương này cho HKPĐ sẽ diễn ra vào năm sau, và đã lộ ra nhiều vấn đề…
- Nước đến chân mới nhảy

Bà Nguyễn Thị Kim Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhận cờ đăng cai HKPĐ toàn quốc 2008 tại lễ bế mạc đại hội năm 2004 diễn ra tại Huế. Ảnh: P.H
Chuẩn bị cho HKPĐ toàn quốc, các nguồn kinh phí chủ yếu từ trung ương sẽ rót vào Phú Thọ khoảng 494 tỷ đồng cho công tác đăng cai, thế nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Phú Thọ vừa chính thức đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) xin thêm tiền xây dựng 4 tòa nhà 5 tầng để làm chỗ ở cho 3.350 VĐV về dự đại hội, sau đó, những tòa nhà này sẽ là ký túc xá cho sinh viên trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ).
Theo tỉnh Phú Thọ, nếu không được cấp kinh phí số VĐV này sẽ phải ăn, ngủ, sinh hoạt tại 220 phòng học của các trường trên địa bàn tỉnh, thậm chí thuê nhà dân để ở (!?). Đây chính là khó khăn lớn nhất mà Bộ GD-ĐT và địa phương đăng cai tổ chức chưa tìm được tiếng nói chung.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc gặp mặt lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã nhận xét: “Công tác tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2008 đúng là nước đến chân mới nhảy!”.
Bà Nguyễn Thị Kim Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ kiêm Trưởng BTC Hội khỏe tỉnh Phú Thọ cho biết, đến nay, các bộ phận liên quan mới ngồi với nhau được 3 lần nên quá nhiều vấn đề cần giải quyết mà chưa đâu, vào đâu.
Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ Hội khỏe chỉ có sân vận động Quân khu 2 cùng 4 nhà thi đấu đa năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng. Riêng sân vận động tỉnh sắp hoàn thành, nhưng còn tới 17 công trình lớn như bể bơi, một số nhà thi đấu vẫn đang và sắp xây dựng.
Trong đó, ngoại trừ sân vận động tỉnh và bể bơi với kinh phí được cấp trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, những công trình còn lại được xây dựng từ nguồn kinh phí “Chương trình mục tiêu” với dự kiến hơn 48 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 29 tỷ đồng, số còn lại tiếp tục được cấp trong năm 2007 và 2008.
- Hơn 3.300 VĐV sẽ phải ngủ tại các phòng học?
Dù có khó khăn ở các cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, nhưng với kinh nghiệm cứ để “nước đến chân… hãy nhảy” của nhiều đại hội trước, vì đến lúc đó không thể không cấp kinh phí nếu không muốn đại hội bị “phá sản”, nên mọi việc rồi cũng hoàn tất dù có thể tốn kém và ảnh hưởng chất lượng công trình (!).
Tuy nhiên, vấn đề đau đầu nhất hiện nay của BTC và của tỉnh Phú Thọ lại là chỗ ăn, ở cho khoảng hơn 14 nghìn người về tham dự. Bởi hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ chỉ đáp ứng được 3.300 chỗ, cùng 7.650 người phải lưu trú tại các ký túc xá mà vẫn “dội” ra 3.350 VĐV, và những VĐV này dự kiến phải ngủ tại phòng học như “đề án 2” do tỉnh Phú Thọ đề ra nếu không được cấp tiền xây thêm ký túc xá!?
Việc này đã khiến Bộ GD-ĐT và những đơn vị liên quan không hài lòng vì gần 3 năm trước tại Huế (2004), các lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã hứa sẽ đảm bảo thật tốt việc ăn, ở cho các đoàn đến tranh tài, thế mà giờ đây lại bảo là không lo được nếu không cấp thêm kinh phí để xây nhà nghỉ. Vậy trách nhiệm của những lời đảm bảo khi tranh quyền đăng cai của lãnh đạo địa phương để đâu, hay đó chỉ là những lời “có cánh” cho qua chuyện?
Sắp tới, Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu quan sẽ phải tìm biện pháp khả thi giải quyết vấn đề này.
MINH GIANG