Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan chỉ đạt trung bình 3%/năm. Nếu muốn vượt lên, Thái Lan cần thay đổi mô hình phát triển kinh tế và xã hội. Theo đó, Chính phủ Thái Lan tập trung vào mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG: Bio - Circular - Green) để phá vỡ giới hạn, tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cụ thể, Chính phủ Thái Lan coi trọng việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data) để tạo nông trại thông minh; ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để xác định nông dân và nguồn gốc chính xác của các sản phẩm từ nông nghiệp; giảm chi phí trồng trọt bằng cách cung cấp chất dinh dưỡng và nước theo nhu cầu của cây trồng, giám sát theo thời gian thực. Giá trị của khu vực nông nghiệp được nâng lên nhờ đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm; tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và đất đai; đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và tạo đủ thu nhập cho khoảng 12 triệu nông dân.
Báo Bangkok Post dẫn lời ông Tanit Sorat, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Thái Lan (EconThai), cho rằng, việc sản xuất thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ giúp Thái Lan thu được nhiều giá trị thương mại hơn, thay vì chỉ xuất khẩu các mặt hàng như gạo, dầu cọ và cao su… hiện kém cạnh tranh hơn so với các nước láng giềng. Theo ông Tanit, Thái Lan không thể chỉ dựa vào cơ cấu kinh tế kéo dài hàng thập kỷ qua để đối phó với những thay đổi nhanh chóng của điều kiện kinh tế toàn cầu hiện nay.
Song song đó, để nhắm tới mục tiêu trở thành trung tâm của ASEAN trong lĩnh vực kinh tế sinh thái vào năm 2027, Thái Lan đã tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Singapore phù hợp với mô hình kinh tế BCG. Ngày 12-10 vừa qua, hai nước đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nông nghiệp và doanh nghiệp bền vững. Đây là hợp tác kinh tế đầu tiên giữa Thái Lan và Singapore sau 5 năm kể từ cuộc gặp cuối cùng vào năm 2017.
Trước mắt, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến giữa các nhà xuất khẩu Thái Lan và các nhà nhập khẩu Singapore, tập trung vào các doanh nghiệp liên quan đến mô hình BCG như sản xuất protein có nguồn gốc thực vật và thực phẩm chế biến từ các thành phần tự nhiên. Các chuyên gia ước tính, thị trường sản phẩm sinh học sẽ tăng từ 400 tỷ USD vào năm 2020 lên 487 tỷ USD vào năm 2024. Đây là cơ hội để Thái Lan nâng giá trị nông nghiệp của nước này lên gấp nhiều lần.
Đơn cử như bã mía, ở Thái Lan có giá 1 baht/kg, khi được phát triển như một hợp chất được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm, giá trị tăng lên 260 baht/kg, thậm chí 1.000 baht/kg khi được sử dụng làm tiền chất trong sản xuất nhựa sinh học (bioplastic) hoặc sử dụng trong nuôi cấy tảo được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất Biomethanol trong sản xuất dầu sinh học. Chính phủ Thái Lan cũng đặt ra mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2036.