Cuối tuần qua, Art In The Forest - không gian nghệ thuật trong rừng tại Đại Lải, Vĩnh Phúc đã tiếp nhận thêm 5 tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Điều này không chỉ khiến người yêu nghệ thuật cảm thấy thỏa mãn khi được đắm mình trong không gian nghệ thuật ngoài trời ấn tượng, mà ngay chính các nhà điêu khắc cũng hài lòng bởi những ý tưởng đầy sáng tạo và cá tính mà họ ấp ủ nhiều năm đã trở thành hiện thực.
Tín hiệu lạc quan
Trong không gian xanh mướt ở Đại Lải, 5 tác phẩm điêu khắc ngoài trời của các nghệ sĩ trẻ tham dự được chọn lựa bởi dự án Art In The Forest 2016 (do Flamingo Đại Lải tổ chức) đã đem lại cho người xem nhiều cảm nhận mới về loại hình nghệ thuật này.
Không chỉ đem lại những ấn tượng về thị giác mà ở mỗi tác phẩm đều toát lên những vẻ đẹp đồng điệu với thiên nhiên, cuộc sống. Ở trong nước, hiện nay rất hiếm có một dự án nào ưu ái nghệ thuật điêu khắc và hội họa đương đại Việt Nam như vậy. Không chỉ được thỏa sức sáng tạo mà các nghệ sĩ còn được hỗ trợ làm việc trong một môi trường lý tưởng.
Trình diễn các tác phẩm điêu khắc ngoài trời tại Đại Lải
Chia sẻ về điều này, nhà điêu khắc Mukai Katsumi, khách mời đặc biệt của dự án cho rằng, trong suốt quãng đời làm nghệ thuật nhiều chục năm của mình, chưa bao giờ ông thực hiện tác phẩm bằng gỗ lim, chất liệu rắn chắc đến như vậy. Hơi tiếc là số lượng các nghệ sĩ có thể tham gia dự án này không nhiều nhưng đó cũng có thể coi là tín hiệu tiên phong, mở đường cho xu hướng đồng hành cùng với các nghệ sĩ trẻ.
Trong hội họa, đặc biệt là với mỹ thuật đương đại, tính tới thời điểm này, đây là một trong rất ít dự án nhận được sự hỗ trợ lớn thì trong các lĩnh vực khác như sân khấu, âm nhạc, xu hướng đồng hành cùng doanh nghiệp cũng đã đơm nhiều trái ngọt.
Về âm nhạc hàn lâm, có thể kể đến các chương trình hòa nhạc giao hưởng thường niên của Toyota, Hennessy… Cùng đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã bắt đầu bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực này khi góp phần đưa những ban nhạc, nghệ sĩ nổi danh làm thần tượng của bao thế hệ một thời về với khán giả trong nước như vở ballet Hồ Thiên Nga, nhóm tứ tấu The Bond, Boney M và sắp tới là ban nhạc huyền thoại Modern Talking…
Đối với sân khấu, bên cạnh các dự án, các công trình được thực hiện theo hình thức đặt hàng lấy từ ngân sách của nhà nước thì các nghệ sĩ, các đơn vị, nhà hát cũng đã có sự kết nối với doanh nghiệp. Điển hình nhất có thể kể đến Nhà hát Tuổi Trẻ với chuyến lưu diễn phía Nam và hàng trăm buổi diễn miễn phí phục vụ các khán giả trẻ, học sinh, sinh viên mang tên “Chắp cánh niềm tin” đã mang đến nhiều hiệu ứng xã hội tốt đẹp.
Lời nói dối cuối cùng của tác giả Lưu Quang Vũ là vở kịch khởi động dự án 100 đêm diễn miễn phí ''Chắp cánh niềm tin''
Lợi ích đôi bên
“Đầu tư cho văn hóa là đầu tư khó nhất”. Đó là tâm sự không chỉ của những người quản lý văn hóa mà cả các doanh nghiệp khi muốn đồng hành cùng nghệ thuật cũng phải thừa nhận như vậy. Song, trên thực tế có thể thấy xu hướng đầu tư cho văn hóa đang là một trào lưu được nhiều doanh nghiệp hướng tới bởi lợi ích không chỉ của doanh nghiệp mà còn đem lại cho nghệ thuật một vị trí mới trên bản đồ nghệ thuật quốc tế. Như ở Trung Quốc, giá tranh của các họa sĩ hiện đại Trung Quốc cao ngất, bởi các doanh nghiệp nước này sẵn sàng bỏ cả triệu USD để đẩy giá tranh của các nghệ sĩ Trung Quốc trên thị trường thế giới.
Việc các nhà tài trợ đồng hành cùng các chương trình nghệ thuật không chỉ là xu hướng, nó còn phản ánh rất rõ quan điểm, thông điệp, cách làm thương hiệu của mỗi doanh nghiệp khi góp công, góp của cho mỗi chương trình.
Tại thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp khi đầu tư, tài trợ cho nghệ thuật đều mong muốn quảng bá thương hiệu, gia tăng độ nhận diện cho thương hiệu với đông đảo công chúng. Và vì mục đích này, họ hướng tới các đơn vị, các chương trình được nhiều người yêu thích, phù hợp với quảng đại quần chúng như âm nhạc, các sự kiện văn hóa lớn thay vì những hình thức nghệ thuật kén người xem hơn, mang tính bác học hơn, hoặc đang gặp khó khăn.
Đêm nhạc cổ điển Toyota 2016 có sự tham gia biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng bậc nhất Ba Lan Baltic Neopolis
Đạo diễn, NSND Chí Trung, một trong những người được coi là rất tài trong việc kêu gọi doanh nghiệp đồng hành với sân khấu chia sẻ: “Trong thời điểm này, các doanh nghiệp cũng có hai mặt, lợi và không lợi và tôi chỉ tôn trọng những “bà đỡ” cho nghệ thuật có tâm chứ không chỉ có tiền không. Không thể đầu tư ngắn mà thành công nhanh được và tiền không phải là yếu tố tiên quyết”.
Cũng theo NSND Chí Trung, nếu có mô hình như ở nước ngoài khi doanh nghiệp địa phương có trách nhiệm đóng góp vào quỹ dành riêng cho nghệ thuật chứ không phải đầu tư một cách trực tiếp để người làm nghệ thuật không bị sức ép bởi những cái tên tài trợ. Điều này sẽ giúp nghệ sĩ được tự do làm nghệ thuật.
Dẫu biết rằng, ở đâu đó, cái bắt tay của doanh nghiệp với nghệ thuật trong thời điểm này là mối quan hệ qua lại mang nhiều tính quảng bá của doanh nghiệp nhưng ở thời điểm này, nghệ thuật vẫn cần những cái bắt tay như vậy để có thể đến được với công chúng.
MAI AN