TPHCM cần gì, mong muốn gì để thích ứng với điều kiện phải tiết giảm tỷ lệ ngân sách để lại? GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.
Cần đầu tư mạnh về hạ tầng
° Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về phương án giảm tỷ lệ thu ngân sách TPHCM được giữ lại từ 23% xuống 18% và lời đề nghị “khó chối từ” của Thủ tướng Chính phủ?
° GS-TS Nguyễn Trọng Hòa: Trước hết phải nói, không phải bây giờ mà từ lâu TPHCM đã “vì cả nước” luôn đóng góp rất lớn cho ngân sách Trung ương. Trong bối cảnh nợ công tăng cao, với trách nhiệm là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM phải chung tay hơn nữa để cùng cả nước vượt qua khó khăn này là việc hợp lý. Tuy nhiên, để cho người dân TPHCM hiểu và ủng hộ đề nghị của Chính phủ thì Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình kế hoạch dùng tiền để lại của TP như thế nào. Thời gian vừa qua với thông tin nhiều địa phương trong cả nước “thu không đủ bù chi”, hàng năm đều phải xin thêm tiền của Trung ương nhưng vẫn xây trụ sở hoành tráng; các tổng công ty Nhà nước kinh doanh thua lỗ, mất hàng ngàn tỷ đồng như Vinalines, Vinashin... đã làm không ít người dân TPHCM bức xúc. Trong khi TPHCM phải chịu đựng vấn nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường mà chưa có đủ kinh phí để xử lý thì lại có nơi xài tiền không hiệu quả như vậy, là điều khó chấp nhận. Trước khi quyết định đầu tư các dự án, đặc biệt các dự án quan trọng, Chính phủ nên công khai và giải thích về quyết định đầu tư của mình. Minh bạch như vậy, lòng dân ủng hộ, sẽ là động lực quan trọng để Chính phủ vượt qua khó khăn này.
° Theo ông, Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ cho TPHCM vừa làm tốt trách nhiệm chia sẻ này mà vẫn có điều kiện để phát triển, chăm lo đời sống cho người dân?
° TPHCM là hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hơn 10 năm qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có mức tăng trưởng ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 1,5 lần. Vùng chỉ chiếm 8% diện tích và 17% dân số của cả nước nhưng sản xuất hơn 40% GDP của cả nước, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia và là vùng thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông để kết nối vùng, để các địa phương trong vùng có thể liên kết, hỗ trợ nhau phát triển còn rất thiếu. Theo quy định, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Do vậy, để TPHCM cũng như cả Vùng kinh tế trọng điểm phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc gia, Chính phủ phải đầu tư thỏa đáng cho hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trong vùng. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, để TPHCM có điều kiện thu hút hơn nữa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Chính phủ nên mạnh dạn cho phép TPHCM một số cơ chế đặc biệt hơn nữa để TP chủ động hơn trong kêu gọi đầu tư. TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước nên sức hấp dẫn trong đầu tư vào đây rất lớn. Chỉ cần có cơ chế phù hợp là có thể khơi dòng nguồn vốn đầu tư này.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được đầu tư cải tạo. Ảnh: CAO THĂNG
Rà soát, cắt giảm những chi phí kém hiệu quả
° Theo ông, lĩnh vực nào TPHCM có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhiều nhất? Và các quy định nào cần có để thu hút đầu tư hơn nữa?
° Là một trung tâm kinh tế của cả nước, TPHCM hấp dẫn nhà đầu tư trong rất nhiều lĩnh vực. Đơn cử như lĩnh vực đất đai. TPHCM có thể khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường được đầu tư mới, hai bên các tuyến kênh mới được nạo vét và chỉnh trang như Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội… Hiện TPHCM đã có quy chế quản lý quy hoạch 1/2.000 và quản lý kiến trúc đường Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, đường Võ Văn Kiệt và sắp tới sẽ xây dựng thêm nhiều quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc trên một số trục giao thông quan trọng cũng như một số tuyến kênh mới được chỉnh trang và nạo vét. Đây là cơ sở quan trọng để TPHCM kêu gọi đầu tư, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho phát triển đô thị. Thời gian qua, TPHCM cũng đã tiến hành đấu giá đất, giao nhiều quỹ đất để “đổi lấy hạ tầng”, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm lực của mình. Một trong những nguyên nhân là thủ tục đầu tư còn nhiêu khê, phức tạp. Chính phủ có thể cho TPHCM cơ chế đặc biệt để khai thác tiềm năng to lớn này cho phát triển đô thị. Việc này không những giúp TPHCM có thêm nguồn vốn đầu tư mà còn gián tiếp giúp TP giải quyết vấn nạn kẹt xe và ngập nước, bởi một khi đã có điều kiện thực hiện tốt quy hoạch thì sẽ giảm được 2 vấn nạn trên. Chưa kể, theo quy định hiện hành, đây là khoản thu mà TPHCM được giữ lại 100% để đầu tư phát triển.
Ngoài ra, TPHCM cũng có thể thu thêm một số khoản phí như phí ô tô cá nhân đi vào khu trung tâm thành phố, phí giữ xe… Việc này còn có thể giúp TP hạn chế xe cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng.
° Ông có nghĩ rằng TPHCM có thể chi tiêu tiết kiệm hơn thay vì đặt thêm phí, tạo thêm gánh nặng cho người dân?
° Tất nhiên, TPHCM nên rà soát, cắt giảm bớt các khoản chi chưa hiệu quả để dồn lực cho phát triển trong bối cảnh nguồn thu để lại bị giảm. Tôi ủng hộ TPHCM xây dựng 7 chương trình trọng điểm để có cơ sở giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính… Thế nhưng theo tôi, ngay cả việc thực hiện 7 chương trình trọng điểm, TPHCM cũng nên xem xét lại bởi có nhiều chương trình, dự án chồng lấn lên nhau, hiệu quả chưa cao. Và trong 7 chương trình trọng điểm này, TP nên cân nhắc chọn ra những chương trình, dự án quan trọng nhất, hiệu quả có sức lan tỏa nhất để tập trung đầu tư “đến nơi đến chốn” nhằm tạo cú hích cho sự phát triển. Hiện nay có nhiều chương trình, dự án được thực hiện theo kiểu “nối đuôi nhau”, dự án, chương trình trước chưa được tổng kết, đánh giá hiệu quả thì đã triển khai tiếp chương trình, dự án sau, làm cho công tác đánh giá hiệu quả của dự án không rõ. Việc đầu tư vì thế khó hiệu quả.
° Chính phủ vừa có ý kiến sẽ quan tâm phân bổ các nguồn vốn vay ODA cũng như nhiều nguồn vay ưu đãi khác cho TPHCM. Đây cũng sẽ là một hướng ra cho thành phố nhằm giải quyết các khó khăn về vốn đầu tư?
° Đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, trong các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn ODA, TPHCM vẫn cần có vốn đối ứng để thực hiện. Do vậy, quan trọng không kém quyết định trên của Chính phủ là Chính phủ phải nhanh chóng cho TPHCM được cơ chế chủ động nhiều hơn nữa.
° Xin cám ơn ông!
NGUYỄN KHOA (thực hiện)
>> Giảm tỷ lệ ngân sách để lại, TPHCM làm gì để phát triển? - i 1: Cấp thiết cho TPHCM cơ chế phù hợp