
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho thấy, việc xử lý nước thải bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM còn nhiều vướng mắc, nhất là về công nghệ, nên nhiều bệnh viện chưa triển khai được. Tính đến nay, toàn thành phố còn gần 40 đơn vị y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) hoặc có nhưng chưa đạt chuẩn, đã đặt ra nhiều quan ngại cho công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
Chưa có công nghệ thích hợp hay cù cưa
Dù đã được Sở Y tế TPHCM khuyến cáo từ lâu, nhưng đến nay BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM vẫn chưa thể triển khai xây dựng HTXLNT. BV nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (quận 5), vốn là một thương xá cũ kỹ, chật hẹp, nước thải của BV từ trước đến nay chỉ xử lý bằng “công nghệ” bể lắng lọc, sục hóa chất. Nói như bác sĩ (BS) Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV, dù đã cố gắng nhưng chưa thể đảm bảo nước sau khi xử lý đạt chuẩn. Bệnh viện đã ra “nghị quyết” xây dựng HTXLNT trong năm 2009, nhưng do mặt bằng chật chội nên phải cân nhắc phương án xây dựng và đến nay mới chuẩn bị hồ sơ mời thầu.
Tương tự, nhiều năm qua BV Bình Dân TPHCM cũng đau đầu với vấn đề xử lý nước thải và đến nay chưa thể triển khai do hạn chế về mặt bằng, lựa chọn công nghệ phù hợp… Trong khi đó, một số BV tuy nói có HTXLNT nhưng thực chất cũng hoạt động… cầm chừng, do chi phí vận hành cao, thiết bị không đồng bộ. Chẳng hạn BV Ung bướu vẫn “xài”… trạm xử lý nước thải. Nói là trạm, nhưng đúng hơn là một cái phòng xập xệ khoảng 20m² với ngổn ngang thiết bị, vật dụng cũ mèm.
Mới đây, một lãnh đạo BV Ung bướu cho biết, BV đang triển khai đầu tư xây dựng HTXLNT mới nhưng chưa biết nên lựa chọn công nghệ, quy trình thế nào. Hiện nhiều BV khác như Khoa phụ sản BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Truyền máu huyết học, Nguyễn Tri Phương, Tâm thần… và hầu hết các BV tuyến quận, huyện chưa có HTXLNT hoặc có nhưng xử lý chưa đạt yêu cầu.
Trước thực trạng nước thải của hàng loạt BV chưa được xử lý hoặc xử lý qua loa rồi xả thẳng vào hệ thống nước thải sinh hoạt, UBND TPHCM đã nhiều lần yêu cầu thúc đẩy hoàn thiện HTXLNT tại các BV công, chi ngân sách hàng năm để các BV nâng cấp, xây mới. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa tới 1/3 trong số trên 60 BV công lập cải thiện được HTXLNT. Hầu hết các BV còn lại đều nêu đủ mọi lý do để “cù cưa”, viện cớ không có mặt bằng xây dựng hoặc chưa tìm được công nghệ phù hợp...
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM tham quan HTXLNT BIOFAST tại BV Cam Lộ, Quảng Trị Cố tình phớt lờ công nghệ trong nước?
Từ năm 2007, Công ty cổ phần Công nghệ PETECH ở TPHCM (100% vốn trong nước) đã trình Sở Y tế TPHCM công nghệ xử lý nước thải ký hiệu BIOFAST-ATC. Đây là công nghệ được PETECH nghiên cứu, cải tiến nhằm phù hợp với thực tế xử lý nước thải tại các BV ở Việt Nam. Theo kỹ sư Phan Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT PETECH, công nghệ BIOFAST-ATC có cấu trúc module nên không phải xây dựng, phương thức thi công chỉ cẩu lắp (dùng container), diện tích chiếm dụng tối thiểu chỉ 0,3m²/m³ công suất và thời gian thi công ngắn.
So sánh với đặc tính hệ thống xử lý nước thải BV Kubota-Joukasou (Nhật Bản- vừa được triển khai thử nghiệm tại BV Chợ Rẫy TPHCM), GS-TS Trần Đức Ba, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mới TPHCM nhận định: BIOFAST-ATC có nhiều ưu điểm, hiệu quả và chi phí thấp hơn.
Theo ông Ba, quy trình của BIOFAST-ATC gồm 4 bước, trong khi Kubota-Joukasou chỉ có 3 bước (không có bước ozone oxyd hóa). BIOFAST-ATC có module khử mùi 100%, có hệ thống giám sát các chỉ tiêu chất lượng, kiểm tra toàn lưu trình bằng hiển thị trên computer công nghiệp, Monitor, Digital Splitter, kết nối quản lý qua Internet… còn Kubota-Joukasou không có.
Điều đáng nói, chi phí vận hành của BIOFAST-ATC dưới 1.000 đồng/m³, không cần nhân công, còn Kubota-Joukasou có chi phí trên 2.000 đồng/m³ và cần 3 cán bộ chuyên môn để vận hành (chia 3 ca/ngày)… Chính vì thế, qua thực tiễn 5 năm nghiên cứu, xây dựng HTXLNT, PETECH đã làm chủ công nghệ và xây dựng HTXLNT cho nhiều BV tại các địa phương được đánh giá cao, như hệ thống BIOFAST-ATC 150m³/ngày đang hoạt động tại BV Đa khoa Thốt Nốt (Cần Thơ), BV Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), BV Đa khoa Quảng Trị, BV Đa khoa An Biên (Kiên Giang)…
Hiện nay PETECH đang tiến hành triển khai HTXLNT cho BV Tâm thần và BV Nguyễn Tri Phương (TPHCM). Còn theo kỹ sư Đặng Quang Mỹ (Phó phòng Kế hoạch tổng hợp – Sở Y tế TPHCM): “Qua khảo sát và so sánh cho thấy BIOFAST-ATC đáp ứng công nghệ xử lý nước thải của các BV trên địa bàn TP hiện nay, giải quyết được những hạn chế về mặt bằng, thi công, chi phí vận hành”.
Hiện nay, Sở TN-MT cùng Sở Y tế TPHCM đã thống nhất kiến nghị và được UBNDTP thông qua phương án xã hội hóa xử lý nước thải y tế. Trong việc này, thiết nghĩ cần khuyến khích áp dụng công nghệ trong nước đạt yêu cầu, nhằm giảm chi ngoại tệ, thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.
TƯỜNG LÂM