Đầu tư thiếu đồng bộ gây lãng phí - Bài 1: Hạn chế kết nối hạ tầng giao thông

Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ở TPHCM mặc dù đã được cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư, thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, đã không được đầu tư đồng bộ, không “đến nơi đến chốn” và không phát huy hiệu quả như mong muốn.
Đầu tư thiếu đồng bộ gây lãng phí - Bài 1: Hạn chế kết nối hạ tầng giao thông

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm là những nguyên tắc quan trọng trong đầu tư. Thế nhưng, còn có một nguyên tắc khác không kém phần quan trọng trong hoạt động này, đó là đầu tư đồng bộ, dứt điểm, đầu tư “đến nơi đến chốn”. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ở TPHCM mặc dù đã được cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư, thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, đã không được đầu tư đồng bộ, không “đến nơi đến chốn” và không phát huy hiệu quả như mong muốn.

Cảng Phú Hữu vắng bóng tàu hàng do thiếu kết nối hạ tầng giao thông. Ảnh: Phạm Cao Minh

Cảng Phú Hữu vắng bóng tàu hàng do thiếu kết nối hạ tầng giao thông. Ảnh: Phạm Cao Minh

Cảng chờ... đường

Cảng sông Phú Định một ngày đầu tháng 3-2014, con đường dẫn vào cảng lốm đốm ổ gà... Suốt bến sông dài chỉ có hai con tàu nhỏ đang “làm hàng”. Tiếp chúng tôi ngay tại bến cảng, ông Trần Hòa Lan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng sông thành phố - đơn vị trực tiếp quản lý cảng sông Phú Định cho hay, mặc dù đã mở rộng một số cầu cảng cho phù hợp với yêu cầu của chủ hàng nhưng sau ba năm hoạt động, từ năm 2011 đến nay cảng sông Phú Định mới khai thác được gần 50% công suất thiết kế. Lượng hàng hóa thông qua năm 2013 đạt khoảng 900.000 tấn, đây là con số cao nhất từ khi cảng đi vào hoạt động trong khi công suất thiết kế của cảng là 2 triệu tấn hàng hóa thông qua/năm.

Giải thích về thực trạng này, ông Trần Hòa Lan nói, trước hết, khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cảng. Thế nhưng, quan trọng không kém, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đến cảng còn nhiều bất cập là nguyên nhân không nhỏ, đưa đến tình trạng này. Mùa nắng còn đỡ, trong suốt ba tháng mùa mưa: 9, 10 và 11 mưa kết hợp với triều cường, nhiều lúc đã gây ngập qua đầu gối người lớn đến gần 2 tấc. Những lúc như vậy, không những khách hàng ngại đến với Phú Định mà ngay cả nhân viên của cảng sông cũng được tạm… cho ở nhà, chờ nước rút mới vào cơ quan.

Liên tiếp những năm gần đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM buộc phải đóng bớt một số tuyến xe buýt hoặc tạm cắt một số chuyến trong các giờ cao điểm. Đây là hậu quả đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước khi hoạt động vận tải hành khách công cộng không được đầu tư… “đến nơi đến chốn”. Từ những năm 2001 - 2002 đến nay, bên cạnh việc đầu tư đổi mới phương tiện vận tải, trợ giá cho hoạt động xe buýt… thì công tác đầu tư xây dựng bến bãi… chưa được quan tâm đúng mức. Hiện tại, bến bãi: thiếu; trạm dừng, nhà chờ: không đủ… Thậm chí, nhiều quận, huyện khi xây dựng quy hoạch phát triển đô thị, quên luôn việc dành đất cho vận tải công cộng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, diện tích đất dành cho bến bãi vận tải cũng mới chỉ cân đối được hơn 70% so với quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009. Thiếu bến bãi, thiếu trạm dừng, nhà chờ, ngành giao thông vận tải TPHCM gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức lại luồng tuyến xe buýt.

Tính gì cũng phải... chờ

Ngay từ những tháng đầu năm 2014 cảng biển Phú Hữu đã có nhiều tin vui. Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Giám đốc Cảng biển Phú Hữu, cho biết đường vào cảng đã được khai thông, cảng vừa đón một số tàu khách lớn… Đặc biệt, lãnh đạo cảng đi “xúc tiến thương mại” đã nhận được phản hồi tốt của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, để có được sự chuyển mình mạnh mẽ sau hơn 3 năm “bất động”, cảng Phú Hữu vẫn cần được đầu tư đồng bộ hơn nữa. Đường Nguyễn Duy Trinh nối đường vào cảng Phú Hữu với Vành đai 2, để hàng hóa có thể từ cảng đi về miền Đông, miền Tây Nam bộ, hiện còn rất nhỏ. Cầu Huyện Thanh nằm trên tuyến đường này tải trọng chỉ 30 tấn, không đủ sức chịu tải cho xe tải lớn… Hai công trình nêu trên nếu được nâng cấp mới đáp ứng được yêu cầu hoạt động của cảng. Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Thảo cho hay, cảng Phú Hữu vẫn phải chờ. Theo tính toán sơ bộ của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, để đầu tư đồng bộ: nâng cấp cầu Huyện Thanh và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, ước phải tốn trên 350 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay. Cảng Phú Hữu, vì thế, không biết sẽ phải chờ đến bao giờ?

Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước chưa có đường để hàng hóa ra vào cảng thuận lợi. Ảnh: Phạm Cao Minh
Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước chưa có đường để hàng hóa ra vào cảng thuận lợi. Ảnh: Phạm Cao Minh

Nhiều nguyên nhân làm cho dự án đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ theo hình thức BOT thất bại và một trong số đó chính là sự không đồng bộ trong đầu tư trục giao thông này. Theo kế hoạch, từ cầu Phú Mỹ sẽ có một con đường mới hoàn toàn kết nối với xa lộ Hà Nội. Có con đường này, thành phố sẽ có điều kiện tổ chức lại giao thông theo hướng hạn chế dần xe tải, xe container và nhiều phương tiện giao thông khác đi từ hướng Đông sang hướng Tây, lưu thông trong nội thành. Chúng sẽ được tổ chức cho lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ và ra xa lộ Hà Nội, tránh ảnh hưởng xấu đến giao thông nội đô. Dự án đầu tư xây dựng con đường mới được thành phố xúc tiến đầu tư gần như cùng thời điểm với việc kêu gọi đầu tư cầu Phú Mỹ. Thế nhưng, cầu Phú Mỹ thì đã hoàn thành nhưng đường thì chưa… Không được kết nối liên hoàn, cầu Phú Mỹ kém hấp dẫn các phương tiện giao thông và điều này đã làm cho việc thu phí hoàn vốn đầu tư thêm khó khăn.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục