Các nhà quản lý thể thao Việt Nam vừa đề xuất xin ngân sách nhà nước bổ sung thêm mỗi năm khoảng 40 tỷ đồng cho một kế hoạch 10 năm, nhằm đầu tư cho một số VĐV có triển vọng của một số môn thuộc nhóm 1 (nhóm Olympic) để cụ thể hóa tham vọng huy chương tầm cỡ thế giới (Asiad và Olympic).
Còn nhớ, cách đây 10 năm, nhằm triển khai chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao giai đoạn 2005 - 2014, Tổng cục TDTT đã đề xuất xin mỗi năm 100 tỷ đồng để đầu tư phát triển 30 môn phục vụ SEA Games, 10 - 15 môn cho Asiad, 2 - 5 môn cho Olympic. Mục tiêu của chiến lược này là để thể thao Việt Nam phải nằm trong tốp 3 của Đông Nam Á, tốp 15 của châu Á và có huy chương tại Olympic, bắt đầu từ Olympic Bắc Kinh 2008. Kết quả, chúng ta chỉ có 1 HCB tại đấu trường Olympic ở môn cử tạ, không vào được tốp 15 ở 3 kỳ Asiad. Như vậy, chiến lược 10 năm lần trước chỉ hoàn thành được duy nhất chỉ tiêu tại SEA Games, đấu trường mang nhiều ý nghĩa tinh thần chứ không thể hiện được sự phát triển của thể thao đỉnh cao. Đấy là chưa nói, về mặt cá nhân, thể thao Việt Nam cũng chỉ có một vài gương mặt nổi bật như Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Tiến Minh, Hoàng Xuân Vinh… Vì vậy, khó có thể nói là việc tiêu tốn 100 tỷ đồng/năm đã có kết quả đúng kỳ vọng.
Số tiền 40 tỷ đồng nếu tính cả lạm phát, trượt giá thì đúng là quá nhỏ so với đề án 100 tỷ cách đây 10 năm. Tuy nhiên, vì số tiền này chỉ tập trung cho khoảng 7 môn nên nó cũng không hề nhỏ. Vấn đề thật ra không nằm ở chỗ con số mà ở chất lượng đào tạo. Những gì đã diễn ra trong 10 năm trước rất cần được các nhà quản lý thể thao nghiên cứu để rút ra bài học chứ không phải bớt đi số tiền là sẽ hiệu quả hơn. Vì thực tế cho thấy từ việc phát hiện nhân tài cho đến khi đào tạo ra một VĐV đẳng cấp thế giới hoàn chỉnh là không đơn giản. Mỗi năm, bơi lội Việt Nam tiêu tốn khoảng 5 tỷ đồng cho Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn dài hạn ở nước ngoài, nhưng khả năng có huy chương tại Olympic vẫn còn xa vời. Ngay ở Asiad, từ năm 2002 đến nay, số lượng HCV mỗi lúc một giảm xuống cho dù số HCB và HCĐ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ở thể thao đỉnh cao và nhất là trong thế giới thể thao chuyên nghiệp, từ HCB thành HCV có khi không bao giờ thay đổi được chứ không phải cứ đầu tư, cứ nỗ lực là sẽ thành công.
Muốn có thành tích cao, nhất định phải đầu tư, thậm chí là đầu tư lớn. Nhưng với nền thể thao vẫn còn nặng tính bao cấp, chưa thật sự chuyên nghiệp như Việt Nam, đầu tư tiền tỷ cần phải tính đến hiệu quả. Chúng ta không thể lãng phí vài chục tỷ đồng cho một nhóm VĐV, nhưng khả năng đạt thành tích thế giới lại không hề bảo đảm mà chỉ trông đợi vào sự nghiêm túc tập luyện của VĐV đó. Trong khi đó, với thể thao chuyên nghiệp trên thế giới, chính mỗi VĐV phải tự đầu tư cho mình và họ luôn khao khát thành công. Khi ấy, nếu cần đầu tư thêm cũng thỏa đáng.
Tóm lại, số tiền vài chục tỷ đồng bỏ ra có thể là ít nhưng cũng có thể là lãng phí. Những bài học trong quá khứ của các chương trình đào tạo VĐV theo kiểu “nuôi gà chọi” hay việc đăng cai Asiad 2019 với kinh phí tối thiểu đã cho thấy cái mà thể thao Việt Nam cần là một chiến lược đầu tư khôn ngoan, có tính toán khoa học chứ không phải là số tiền ít hay nhiều và cần đâu tư bao nhiêu môn, bao nhiêu VĐV…
VIỆT QUANG