
Năm 2006 là một năm thành công của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là các lĩnh vực hội nhập và phát triển kinh tế. Đây là thành quả của công cuộc cải cách toàn diện mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành và việc thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là một bước đột phá quan trọng trong quá trình cải cách.
Tại Diễn đàn về Đầu tư Việt Nam lần thứ 2 do Euromoney Conferenes phối hợp tổ chức mới đây ở Hà Nội, Tiến sĩ Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị SCIC đã cho biết vai trò của tổng công ty này là một tổ chức tài chính đặc biệt của Chính phủ được thành lập để thực hiện mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo nguyên tắc tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương với chức năng đầu tư, kinh doanh vốn thông qua một tổ chức tài chính chuyên nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả và quyền tự chủ của doanh nghiệp phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Nhiệm vụ cơ bản của SCIC là tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước với vai trò là cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2007 sẽ có khoảng 1.300 doanh nghiệp và đến năm 2010 sẽ có thêm khoảng 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước thuộc diện chuyển giao quyền sở hữu vốn Nhà nước cho SCIC.

Các nhà đầu tư theo dõi giá chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI. Ảnh: Thành Tâm
SCIC quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để tạo ra giá trị và hiệu quả tối đa, tổ chức huy động vốn trong nước và quốc tế nhằm tăng năng lực tài chính của Nhà nước đầu tư nền kinh tế, thay cho phương thức cấp phát ưu đãi vốn qua ngân sách Nhà nước.
SCIC thực hiện đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước vào các lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước với mục tiêu bảo toàn phát triển vốn, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính, tư vấn đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, ủy thác đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính thức hoạt động từ 1-8-2006, SCIC đã bước đầu xây dựng được bộ máy tổ chức theo hướng chuyên nghiệp với một đội ngũ nhân viên trẻ và được đào tạo cơ bản về đầu tư tài chính, thị trường vốn. Tính đến đầu tháng 2-2007, SCIC đã nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 294 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau với tổng giá trị sổ sách phần vốn Nhà nước vào khoảng 2.961 tỷ đồng, giá trị thị trường tài sản SCIC nắm giữ ước tính khoảng 29.251 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Băng Tâm nhấn mạnh mục tiêu và định hướng của SCIC là làm tốt vai trò cổ đông năng động và tích cực của doanh nghiệp, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện đổi mới phương thức chọn và cử người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa lãnh đạo doanh nghiệp, người đại diện và SCIC để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh tại doanh nghiệp; chủ động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nhân lực; chú trọng đến phát triển bền vững và gia tăng giá trị công ty thông qua việc đầu tư linh hoạt, chuyển đổi cơ cấu đầu tư theo hướng giảm đầu tư với số lượng lớn, phân tán để tập trung, chú trọng vào chất lượng, quy mô và hiệu quả đầu tư.
SCIC cam kết thực hiện vai trò nhà đầu tư chiến lược có hiệu quả, huy động và tập trung nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực then chốt; tạo giá trị phát triển bền vững, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh, tiến tới tối đa hóa giá trị đầu tư; tập trung vốn đầu tư vào các doanh nghiệp và lĩnh vực mới có tiềm năng trong và ngoài nước. Đặc biệt là chú trọng đến việc hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án mới có ý nghĩa chiến lược quốc gia bằng các hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần, phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu của các công ty thành viên…
Cuối cùng là SCIC khẳng định thực hiện vai trò một nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp, tin cậy, làm cầu nối giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận với các dự án đầu tư; tư vấn giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược, tiếp cận thị trường vốn, áp dụng các tiêu chí quản trị doanh nghiệp tốt nhất. Với vai trò này, SCIC sẽ đóng góp tham mưu cho Chính phủ trong việc hoạch định chính sách, phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường vốn và quyết định phương án đầu tư có hiệu quả. SCIC tiến tới xây dựng thành một tập đoàn tài chính chuyên nghiệp được quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Đây là một mô hình cải cách mạnh mẽ của Chính phủ với quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước.
ANH KHUÊ