Đầu tư vào cổ phiếu giá rẻ - Rủi ro nhiều, lợi nhuận có cao?

Rẻ hơn... trà đá

Tính đến nay, thị trường chứng khoán TPHCM đạt mức 412 điểm, vẫn chưa thể bứt phá mặc dù lượng giao dịch tăng mạnh so với cuối tuần trước. Nguyên nhân lượng giao dịch tăng lên là do nhiều nhà đầu tư thích tìm cơ hội trong rủi ro, khi mà có mã giá giảm chỉ còn 2.400 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn… trà đá! Bởi nhiều nhà đầu tư tuân thủ theo nguyên tắc: Rủi ro nhiều, lợi nhuận cao…

Rẻ hơn... trà đá

Tính đến ngày 30-5, trên sàn chứng khoán TPHCM đã có 60 – 70 mã chứng khoán giảm đến “âm” vốn. Đặc biệt, có một số công ty giá một cổ phiếu rẻ hơn… trà đá! Cụ thể là mã FPC (Công ty CP Full Power) giá chỉ còn 2.400 đồng/cổ phiếu. Các công ty khác như Công ty CP Hàng hải Hà Nội (mã MHC) giá chỉ 3.500 đồng/cổ phiếu; Công ty CP BASA (mã chứng khoán BAS) giá chỉ 3.700 đồng/cổ phiếu và hiện không có giao dịch… Một số mã nổi tiếng khác như REE giá cũng giảm chỉ ở mức hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Vì vậy, trong ngày 30-5, cổ phiếu REE có khối lượng giao dịch nhiều nhất, đạt trên 3 triệu cổ phiếu.

Trước thông tin “lạm phát đã ở mức hai con số mà đòi hỏi lãi suất thấp là điều không thể” như phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình ngày 27-5 vừa qua, càng khiến cho các DN và nhà đầu tư lo lắng cho kế hoạch đầu tư sắp lới. Thời gian qua, đã có quá nhiều DN trên sàn liên tục báo lỗ cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, làm giá cổ phiếu giảm sâu.

Ngoài ra, các mã cổ phiếu ngân hàng cũng giảm giá mạnh. Nguyên nhân, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, có đến 14 ngân hàng đang có mức tăng trưởng tín dụng vượt 20%/năm và sẽ xử lý, nhưng lại không công bố là ngân hàng nào nên gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư đối với ngân hàng. Đồng thời, như lý giải của nhà đầu tư Phạm Đình Hùng (quận 1), hiện nay thị trường địa ốc đang đóng băng, hầu hết ngân hàng đều “dính” vào các dự án bất động sản nên sẽ phải chung số phận trong thời điểm khủng hoảng này. Như vậy, lợi nhuận ngân hàng không thể cao được. Theo TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, với tình hình hiện nay, ngân hàng chưa đến mức phá sản như lo ngại của các nhà đầu tư.

Mạo hiểm với chứng khoán “âm”

Sở dĩ những ngày gần đây giá cổ phiếu tăng nhẹ và khối lượng giao dịch tăng mạnh là do trong lúc nhiều nhà đầu tư chứng khoán lo bán cắt lỗ thì không ít nhà đầu tư khác nhảy vào mua, vì với giá âm sâu như hiện nay là cơ hội tốt để mua vào. Anh Nguyễn Minh Nam (quận 7) cho biết, giá cả bây giờ cái gì cũng cao, chỉ có chứng khoán là rẻ, do vậy tôi tranh thủ mua vào và tập trung mua các mã “âm”, vì có đầu tư rủi ro nhiều, lợi nhuận thu được mới cao.

Thế nhưng, theo TS Hoàng Công Gia Khánh, giá “âm” chưa chắc đã rẻ, vì phải xem xét đến tình hình tài chính, phải so sánh giá thị trường với giá trị tài chính của công ty mới biết giá cổ phiếu của công ty đó có rẻ hay không. Bởi nếu công ty lỗ, giá trị công ty còn lại thấp thì dù cổ phiếu giá vài ngàn đồng vẫn là giá cao. Do vậy, những nhà đầu tư không chuyên vội vàng nhảy vào các mã cổ phiếu âm là điều nguy hiểm, mà nhà đầu tư cần phải phân tích kỹ các báo cáo tài chính, triển vọng công ty, khả năng phát triển trước khi quyết định đầu tư. Một số người thận trọng cũng cảnh báo, đầu tư các cổ phiếu âm trong tình hình hiện nay gặp rủi ro nhiều hơn, vì chỉ cần tình hình tài chính khó khăn kéo dài, lãi suất cao, các DN không sản xuất được rơi vào phá sản thì coi như mất trắng!

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục