Hơn ba năm trước, khi con trai đầu sắp đến tuổi học mẫu giáo, tôi hỏi thầy hiệu trưởng có phải đăng ký sớm, thầy lắc đầu “Đến ngày cho trẻ tham quan, làm quen lớp học thì đăng ký một thể.” Nay, con gái út phải tháng 1-2017 mới đến tuổi đi học, nhà trường đã nhắc “không đăng ký trong vòng một tháng sẽ mất quyền ưu tiên”.
Quyền ưu tiên ở đây tức là những trẻ sẵn có anh, chị đang theo học tại trường hoặc có cha/mẹ là giáo viên của trường. Chuyện này không lạ với người sống ở thành phố lớn như Brussels, Antwerp, Ghent... vì mật độ dân ở phố dày, các bà mẹ ngay lúc biết có thai đã phải đi đăng ký lớp mẫu giáo cho con. Nhưng bây giờ đến trường ở thị trấn nhỏ thanh vắng của chúng tôi cũng trở nên đông đúc, chật chội rồi. Theo tổ chức GO! (Mạng giáo dục của Cộng đồng Flanders nói tiếng Hà Lan thuộc Bỉ), năm nay có gần 3.700 trẻ em vùng này không được chấp nhận lựa chọn trường học đầu tiên, tăng gần 35% so với năm ngoái. Tăng dân số dẫn đến lớp học phình ra, thêm nhiều học sinh không được nhận vào trường khi đăng ký lựa chọn đầu, cha mẹ buộc phải tìm trường học xa hơn. Và còn một lý do sâu xa: chỉ trong vòng mấy năm gần đây dân nhập cư cũng như dòng người tị nạn từ vùng có chiến tranh như Syria, Iraq, Afghanistan... đổ vào Bỉ cũng nhiều hơn.
Khá nhiều tủ sách mini ngoài đường khuyến khích học và đọc sách với điều kiện: khi mang một cuốn sách về nhà hãy đặt thế vào đó cuốn khác bạn có
Một người bạn ở Việt Nam bảo tôi “Giờ dân Âu cũng nên nếm mùi khổ cực một chút chứ, nên nhường cơm sẻ áo cho người khó khăn với chứ, chẳng lẽ cứ sướng cả đời à”. Tháng 9-2015 vừa qua được coi là cao trào của khủng hoảng về dân tị nạn với con số kỷ lục 5.472 người dồn về thủ đô Brussels, trong đó dân tị nạn Syria chiếm 1/4. Song song hàng ngày cung cấp nhu cầu thiết yếu như thức ăn, quần áo, thuốc men... cho người tị nạn, nhiều nhóm tình nguyện còn đến từng lều trại tư vấn tâm lý, hỗ trợ về thủ tục pháp lý thậm chí bắt đầu ngay các bài dạy tiếng Hà Lan. Đúng là dân Bỉ đang nhường cơm sẻ áo với người tị nạn, nhưng kiểu “lá lành đùm lá rách” này thực ra cũng là cách đầu tư đầy khôn ngoan và hiệu quả về lâu dài: học tiếng sớm thì hòa nhập xã hội nhanh, tìm được việc làm nhanh sẽ sớm đóng thuế trở lại cho nhà nước.
Phải theo các lớp học tiếng địa phương mới hiểu người Bỉ coi trọng và đầu tư kỹ lưỡng cho việc học ngôn ngữ thế nào. Ở vị trí địa chính trị đặc biệt, bản thân dân vùng Flander cũng hiểu lợi thế của việc cùng lúc nói được tiếng Hà Lan, Pháp, Đức và dĩ nhiên cả tiếng Anh đã và đang giúp họ dễ dàng tìm việc làm ở bên ngoài biên giới như Hà Lan, Pháp, Đức, Luxembourg, Thụy Sĩ... Các lớp học tiếng Hà Lan cho người nhập cư chủ yếu miễn phí, giờ học linh hoạt ban ngày hoặc tối, thậm chí còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, giải trí khiến người nhập cư cảm thấy được khích lệ đặc biệt.
Trung tâm CVO chuyên dạy tiếng Hà Lan cho người lớn (chủ yếu dân nhập cư theo học) thông báo nhiều quán cà phê đã tham gia hệ thống Café Combinne - nơi người nước ngoài và người nói tiếng Hà Lan có thể đến gặp gỡ và luyện tiếng địa phương. Các quán cà phê kiểu này phục vụ luân phiên, rất tiện cho khách. Hầu như ngày nào người nhập cư cũng có nơi đến uống một ly cà phê hoặc cốc sữa miễn phí, ngồi xuống bàn cùng nhóm tình nguyện gồm dăm ba sinh viên hoặc người địa phương sẵn sàng nghe tâm sự, giúp phát âm từ khó, sửa lỗi câu này chữa chính tả chữ kia. Đến đó, cảm giác như ở nhà bởi thường có người địa phương tình nguyện đợi ở đó và nói: Ta cùng trò chuyện nhé. Vấn đề là gì nào? Nghe tha thiết ấm lòng lắm.
Kiều Bích Hương