Từ một đội được xem như thế lực ở giải hạng nhất (Cần Thơ từng xếp thứ 4 ở giải hạng Nhất mùa trước), rồi phải chấp nhận phán quyết quay trở lại vạch xuất phát – làm lại từ đầu ở giải hạng Nhì. Một phần đáng kể trong lòng đội bóng này trở nên hụt hẫng, song với người dân Tây đô, nó còn xót xa hơn nhiều…

Tôn Hoa Sen Cần Thơ (giữa) trong trận gặp Bưu điện ở giải hạng Nhất 2005. Ảnh: Hoàng Vy
Anh Nguyễn Minh Công – giáo viên xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt nói: “Tôi đã hy vọng thật nhiều, thời điểm mà Cần Thơ ngấp nghé vị trí thăng hạng ở mùa rồi thì họ lại hụt hơi trong giai đoạn cuối.
Nhưng điều đó hoàn toàn có thể thông cảm được vì CLB đã nỗ lực hết mình. Nhưng chỉ vì sai lầm của một vài cá nhân mà khiến người hâm mộ phải nuốt trôi án kỷ luật này là rất khó chấp nhận”.
Trong trận đấu cuối cùng của Cần Thơ, nếu đội bóng này vượt qua Đông Á Thép Pomina trên sân Thống Nhất sẽ đồng nghĩa với một suất lên chơi V- League mùa 2006.
Nhưng ngay cả khi họ có đủ 3 điểm trong trận đấu đó thì cũng chưa đảm bảo rằng Cần Thơ sẽ bình an vô sự ở mùa giải 2006. Án kỷ luật mới đây của LĐBĐVN là hệ lụy của những scandal dính líu đến tiêu cực của CLB này ở mùa giải 2004.
“Tôi đã xa Cần Thơ mấy năm nay và hiện đang sống tại TPHCM, nhưng con tim mình luôn dõi theo những bước chân của đội bóng quê hương. Tôi không cho rằng án kỷ luật đó là quá nặng tay nếu những diễn biến tiêu cực của một bộ phận quan chức ở mùa giải 2004 là sự thật. Thật đau đớn và hụt hẫng” – anh Đặng Quốc Bình nói đầy cảm động.
Những ngày này, không khí bóng đá ở Cần Thơ im ắng đến rùng mình. Từ nhiều tuần nay, bóng đá ở thành phố nhộn nhịp nhất miền Tây Nam bộ này dường như đã không còn tồn tại.
Anh Ngọc Quân – Phóng viên thường trú Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ cho biết: “Thực tế thì bóng đá Cần Thơ mới chỉ rộn lên trong khoảng 2 năm gần đây. Nhưng khi mà sự quan tâm của người hâm mộ Cần Thơ đang vào guồng thì họ lại ngay lập tức bị rơi vào sự hụt hẫng. Cho đến lúc này, phần nhiều người dân thậm chí chẳng buồn nghĩ tới bóng đá nữa. Khó thể chấp nhận sự tồi tệ này chỉ bởi những sai lầm của một vài quan chức lãnh đạo đội”.
Kể từ khi có quyết định kỷ luật, bên cạnh việc nộp đơn kháng án, Cần Thơ đã chủ động giải quyết chế độ cho các ngoại binh ra đi. Một vài cầu thủ nội khác cũng đã rục rịch muốn rời đội bóng. Nhưng phần lớn những người còn lại từng là trụ cột của Tôn Hoa Sen Cần Thơ ở mùa trước vẫn nguyện ở lại để làm lại từ đầu. Song, ai cũng có thể đoán ra được bầu không khí đang nặng trĩu trên sân tập giống như cái hồi Đông Á Thép Pomina phải tập chay ở Đạt Đức để đợi phán quyết của LĐBĐVN.
“Tôi còn nhớ hồi nhỏ xíu, tôi thường theo ông chú vượt hàng chục cây số, phải chen lấn, tìm cho mình một chỗ ngồi để hy vọng được xem những trận cầu của Cần Thơ. Nhưng bây giờ cảm giác đó hết rồi. Tôi đã trở nên vô cảm với bóng đá quê hương chỉ trong thời gian ngắn gần đây” – anh Vũ Anh Khoa (huyện Thốt Nốt) chua xót.
Chúng tôi xin trích câu nói của một cựu cầu thủ Việt Nam từng cả cuộc đời gắn bó với bóng đá Cần Thơ – ông Ba Đô, để thay cho lời kết: “Tôi đau đớn, chua xót và có thể một ngày gần nữa đây thôi, tôi sợ rằng mình sẽ bị lãnh cảm với bóng đá nơi đây. Giá như ngày ấy, người ta đừng sai lầm, giá như…”.
Cần Thơ đã tự đạp đổ những gì mình gầy dựng được trong nhiều năm qua. Và giờ thì họ phải làm lại từ đầu từ đống tro tàn. Liệu những người làm bóng đá ở Tây đô có đủ kiên nhẫn?! Một câu hỏi cần nhiều thời gian để giải đáp.
HÀ TRẦN