Đầu xuôi, đuôi vẫn khó lọt

Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 với nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các nghị định, thông tư làm tiền đề, động lực để luật sớm phát huy hiệu quả cũng là lúc bộc lộ nhiều thách thức. 
Phim Tro tàn rực rỡ được sản xuất bằng kinh phí từ các quỹ, giải thưởng điện ảnh ở nước ngoài. Ảnh: ĐPCC
Phim Tro tàn rực rỡ được sản xuất bằng kinh phí từ các quỹ, giải thưởng điện ảnh ở nước ngoài. Ảnh: ĐPCC

Xin chưa góp quỹ

Nghị định “Quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh” được xem là văn bản dưới luật quan trọng. Không phải đến thời điểm này, câu chuyện về Quỹ điện ảnh mới thu hút nhiều sự quan tâm đến thế. Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL và ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhìn nhận, phải tranh luận rất nhiều mới giữ lại được nội dung về quỹ trong luật. “Trong quá trình xây dựng luật cũng như thảo luận tại Quốc hội, đã có nhiều ý kiến bỏ nội dung này khỏi luật. Nhưng ngay cả khi có rồi, việc triển khai cũng cực kỳ nan giải”, ông Vi Kiến Thành cho biết. 

Trong dự thảo nghị định về nguồn vốn của quỹ, nhà nước sẽ hỗ trợ vốn ban đầu, đồng thời huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn thu nhập hợp pháp khác. Tuy nhiên, tranh cãi lớn nhất liên quan đến đề xuất “trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam; 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; 5% phí hậu kiểm”.

Ông Vi Kiến Thành cho biết, những con số này được đưa ra dựa trên việc tham khảo quỹ của các quốc gia, gặp gỡ các bên liên quan. Bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty BHD, giữ nguyên quan điểm: “Trong giai đoạn khó khăn này, rạp chiếu phim không thể gồng nổi chi phí để cho vào quỹ điện ảnh. Vì thế, rạp xin chưa đóng góp”. Theo ông Vi Kiến Thành, hiện chưa đạt đồng thuận về khoản đóng góp từ phía rạp chiếu ở thời điểm này. Do đó, rất có thể quy định về quỹ sẽ tách ra khỏi nghị định lần này, thành một văn bản độc lập để tiếp tục nghiên cứu, khảo sát.

Đó cũng là lý do bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, cho rằng, thực tế bao năm qua vẫn chưa có câu trả lời về quỹ, cần sự đánh giá, tham khảo từ các ngành liên quan. Ngoài câu chuyện nguồn vốn, bài toán vận hành, cơ cấu tổ chức cũng được nhiều nhà làm phim quan tâm. Kêu gọi sự chung tay của những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, ông Tạ Quang Đông cho biết sẽ cố gắng tháo điểm nghẽn để có quỹ. Tuy nhiên, khi đặt ra câu hỏi liệu có mốc thời gian mục tiêu nào được đặt ra, đại diện Cục Điện ảnh cho biết, để có bộ máy tổ chức, nhân sự, cần thêm thời gian và khó có thể đưa ra thời điểm chính xác.  

Nâng lên hay hạ xuống

Cũng liên quan đến những con số, 2 vấn đề về tỷ lệ suất chiếu, khung giờ phim Việt Nam tại rạp và tỷ lệ thời lượng, giờ phát sóng phim Việt Nam trên truyền hình cũng tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi.

Về tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, nghị định đề xuất phim truyện Việt Nam phải đảm bảo đạt ít nhất 25% tổng số suất chiếu trong năm và được ưu tiên vào khung thời gian 18-22 giờ. Hầu hết các nhà sản xuất đồng tình quan điểm này, thậm chí còn muốn tăng tỷ lệ lên.

Đầu xuôi, đuôi vẫn khó lọt ảnh 1 Quy định tỷ lệ suất chiếu và khung giờ phim Việt tại rạp nên linh hoạt theo thực tế. Ảnh: GALAXY

Ông Nguyễn Trinh Hoan, đại diện HK Film, phân tích, trung bình mỗi ngày rạp chiếu có khoảng 6.000 suất chiếu. Nếu lấy mốc từ 25% tức là các phim Việt chỉ có khoảng 1.500 suất chiếu. Con số 25% đang dưới mức hiện thực. Mỗi phim Việt ra trung bình phải có 1.700-4.000 suất/ngày mới có khả năng thu hồi vốn trong khoảng thời gian đó. Nhà sản xuất Dung Bình Dương cũng cho rằng, tỷ lệ này nên nâng lên 35%-40% với lý do: “Nhiều nhà sản xuất còn nhiều phim chưa được phát hành. Nếu không có chính sách ưu tiên cho phim Việt, ngày càng có nhiều đơn vị bị chôn vốn dẫn đến thua lỗ”. 

Còn ở góc độ rạp chiếu, ông Nguyễn Sơn, đại diện cụm rạp Cinestar, cho biết: “Ngoài phát triển văn hóa và góp phần phát triển điện ảnh nước nhà, phục vụ giải trí, lợi nhuận doanh nghiệp cũng là mục đích lớn. Việc quy định 25% tổng suất chiếu/năm với phim nước ngoài tùy thuộc số lượng phim của năm đó. Dù luôn ủng hộ phim Việt nhưng có những phim, chúng tôi mở suất chiếu ra và không có khách nên buộc lòng phải cắt suất để ưu tiên cho phim khác. Với những năm có phim Việt hot, chúng tôi mới đảm bảo tỷ lệ này và ngược lại”. 

Đối với lĩnh vực phim truyền hình, quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam phải đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình không mới nhưng vẫn gây tranh luận. Ngay từ năm 2010, khi quy định đi vào thực tiễn, con số này đã đặt ra không ít thách thức. Thời gian gần đây, trước nhiều thay đổi của thị trường, áp lực dành cho đơn vị phát sóng không nhỏ. Đại diện Đài Truyền hình TPHCM nhấn mạnh, hiện nay rất khó trong việc trao đổi, mua bán nguồn phim như các năm trước đây do hầu hết đơn vị sản xuất đều có nhiều hạ tầng để khai thác sau khi phát trên truyền hình. Con số này, theo Đài Truyền hình TPHCM, nên giảm xuống còn 15%. 

Đồng quan điểm, đại diện VieON cho biết với thực trạng kịch bản hạn chế, thiếu đội ngũ biên kịch giỏi, trường quay không đạt chuẩn, chi phí sản xuất còn cao hơn tiền mua bản quyền phim nước ngoài và đặc biệt doanh thu quảng cáo trên truyền hình sụt giảm nghiêm trọng… tỷ lệ 30% chiếu phim Việt Nam là bài toán đầy thách thức.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, điều quan trọng nhất, Quỹ điện ảnh phải có tiêu chí cụ thể, không nên quản lý quá chặt về tài chính vì “người nhận tiền từ quỹ thì danh dự chính là vận mệnh nghề nghiệp của họ”. Nếu không có thay đổi, không thể có quỹ và khi đó không thể đạt mục tiêu giúp điện ảnh Việt có tiếng nói và sự cạnh tranh. 

Tin cùng chuyên mục