Câu chuyện trong tác phẩm của chị xoay quanh một vấn đề chưa bao giờ hết nóng, việc nuôi dạy những đứa con có một phần hay toàn bộ là dòng máu Việt trên một vùng đất có quá nhiều khác biệt.
Quên tiếng Việt, quên truyền thống văn hóa
Chị N.H., sinh năm 1981 tại Việt Nam. Năm 2013, chị qua Úc định cư cùng chồng khi đã có 2 con, đứa lớn 4 tuổi và đứa nhỏ 2 tuổi. Do có 4 năm lớn lên ở Việt Nam nên đứa lớn sử dụng tiếng Việt rất tốt, nhưng chỉ 2 năm sau, bé đã hoàn toàn không còn nhớ được cách dùng tiếng Việt cũng như các từ trong tiếng Việt.
Có thể nói, dù với bất cứ lý do nào khi rời xa quê hương đất nước để đến với những vùng đất mới, những bậc cha mẹ Việt đều có chung một mong muốn là không để những thế hệ tiếp theo lãng quên đi nguồn gốc, quê hương của mình. Thế nhưng, đây lại gần như là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi mà điều kiện sống thực tế hầu như không có chỗ để sử dụng tiếng Việt.
Chị N.T.H., hiện đang định cư tại Berlin (Đức), trong cuộc hội thảo về việc giữ gìn truyền thống Việt tại nước ngoài cho biết, áp lực cuộc sống khiến cho phần lớn việc dạy con đều chuyển cho phía nhà trường. Tại đó, ngoài việc học, dĩ nhiên bằng tiếng Đức, bé cũng giao lưu với bạn bè bằng ngôn ngữ bản địa, học hỏi văn hóa bản địa để từ đó hội nhập vào cuộc sống. Trong khi đó, về nhà thời gian tiếp xúc với bố mẹ lại rất ít và những lúc như thế, do mệt mỏi, căng thẳng nên để tránh phải giải thích, cả bố mẹ cũng chuyển qua dùng tiếng Đức. Dần dần tiếng Việt ít được sử dụng khiến truyền thống, tập tục… càng bị quên lãng.
Trong khi đó, việc dạy tiếng Việt dù được chú trọng, nhiều cộng đồng Việt đã mở các lớp dạy tiếng Việt nhưng hiệu quả thực tế chưa cao vì nhiều nguyên nhân như: tâm lý dễ chán nản khi tiếp cận với một ngôn ngữ khá phức tạp về cả mặt ngữ pháp và thanh điệu; nhu cầu sử dụng thực tế không cao; gia đình quá bận rộn, bản thân các bé cũng bận việc học ở trường; nhiều người Việt sống phân tán, khó mở lớp…
Nỗ lực của các phụ huynh
Là một nhà báo, Kiều Bích Hương khi thực hiện cuốn sách Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ đã có một cái nhìn toàn diện về công cuộc dạy con của các bà mẹ Việt chốn trời Tây. Cuốn sách được chia làm 2 phần, phần đầu tập hợp những bài viết, trải nghiệm của một người phụ nữ, người vợ đến sống ở một vùng đất xa lạ cho đến khi là người mẹ với những vấn đề phải lo, phải nghĩ cho thế hệ tiếp sau. Phần hai là trọng tâm của cuốn sách gồm tập hợp các chia sẻ của những bà mẹ Việt ở khắp các châu lục về phương pháp nuôi dạy con.
Để thực hiện phần này, tác giả đã dành nhiều công sức trong suốt 2 năm nhằm liên lạc, trao đổi với các bà mẹ Việt hiện đang sống ở nhiều quốc gia từ Anh, Hà Lan, Đức, Pháp, Séc, Thụy Điển, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Myanmar… Khác với nhiều cuốn sách bàn về việc nuôi con khác thường định hướng theo một chiều cụ thể nào đó, tác giả Kiều Bích Hương lại cho rằng “Chẳng đứa trẻ nào giống nhau. Chẳng cách dạy con nào có thể áp dụng hoàn hảo cho mọi đứa trẻ ngoài sự kiên nhẫn và tình yêu không điều kiện của cha mẹ”. Đó là chưa kể bối cảnh gia đình, điều kiện sống cũng có rất nhiều khác biệt. Chính vì vậy, tác giả thay vì viết thì lại trích dẫn nguyên văn những lá thư chia sẻ về cách giáo dục và nuôi dạy con. Đó có thể là chuyện vui, chuyện buồn, có thể là thành công hay đôi khi là thất bại nhưng tựu trung là những bài học kinh nghiệm về việc nuôi dạy con của các bà mẹ Việt .
Đó thực sự là một thử thách. Bà mẹ N.H. ở Úc thì chật vật chỉ để giúp con phân biệt được các ngôi thứ khi xưng hô trong tiếng Việt. Chị Đ.H. tại Pháp thì khổ sở khi con chị lẫn lộn “mấy cái bạn”, “mấy cái mẹ” do thói quen dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Đây cũng là trở ngại lớn nhất của các bà mẹ trong việc dạy con do các bé trong cùng một khoảng thời gian phải tiếp xúc với nhiều dạng ngôn ngữ khác nhau. Rồi có mẹ thì dạy con qua các bài hát Việt, có người lại đọc truyện Việt cho con nghe. Có bà mẹ thì thuyết phục cả gia đình những ngày cuối tuần chỉ nói tiếng Việt để con cái không quên ngôn ngữ của quê hương.
Chung tay của tất cả
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm có chủ đề “Học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” nhằm trao đổi những khó khăn về vấn đề này. Nếu ai cũng thống nhất với việc cần thiết phải duy trì việc gìn giữ văn hóa Việt cho các thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài thông qua việc dạy tiếng Việt thì ngược lại làm cách nào để dạy lại là một việc gây nhiều tranh cãi. Việc mở trường, trung tâm dạy tiếng Việt có thể coi là hiệu quả kêu gọi học sinh đến học lại… rất hẻo. Có người nhà xa, duy trì cho con học được 2-3 tháng đành cho nghỉ, có người bận rộn, không thể sắp xếp thời gian…
Cô giáo Nguyễn Thanh Tâm ở Trường tiếng Việt Sao Mai Berlin (Đức), ngôi trường đã 11 năm tuổi nhận xét: “… việc vận động học sinh tới trường, giữ các em ở lại trường cũng khó khăn không khác gì vận động học sinh ở vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam đi học”. Mà Đức còn là quốc gia có cộng đồng người Việt mạnh, các quốc gia ít người Việt như Áo, Thụy Sĩ, Thụy Điển… tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều.
Chính vì vậy, như những câu chuyện trong Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ của Kiều Bích Hương hướng đến việc tự dạy của các bậc phụ huynh, hướng đến sự chung tay của tất cả mọi người trong một gia đình. Chính gia đình hiện đang là nơi hữu hiệu nhất để duy trì tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ người Việt tiếp sau ở xứ người.