Đẩy mạnh cải tổ ngân hàng

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho đến nay vẫn còn để lại nhiều hệ lụy, đáng kể nhất là tình trạng tăng trưởng chậm chạp của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Một trong những vấn đề mang tính cấp bách đã được đưa ra sau cuộc khủng hoảng này là cải cách hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới, theo đó giảm bớt sự thao túng của hệ thống này với các nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho đến nay vẫn còn để lại nhiều hệ lụy, đáng kể nhất là tình trạng tăng trưởng chậm chạp của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Một trong những vấn đề mang tính cấp bách đã được đưa ra sau cuộc khủng hoảng này là cải cách hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới, theo đó giảm bớt sự thao túng của hệ thống này với các nền kinh tế.

Tuy vậy, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde mới đây đã cảnh báo rằng cải cách ngân hàng nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính đã không có tiến triển. Người đứng đầu IMF cho rằng nguyên nhân là sự phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó có nhiều cuộc vận động hành lang. Phát biểu tại một hội nghị toàn cầu về vốn diễn ra tại London, bà Lagarde nói: “Ngành ngân hàng vẫn còn chăm bẵm vào lợi nhuận ngắn hạn hơn là thận trọng mang tính dài hạn”.

Theo tờ Financial Times, bà Lagarde đã liệt kê nhiều vụ bê bối của hệ thống ngân hàng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó có các vụ rửa tiền và thao túng lãi suất liên ngân hàng (Libor). Vụ thao túng Libor đang bị điều tra và mức phạt cho các ngân hàng ước tính 5,8 tỷ USD, dự báo mức phạt này sẽ tăng thêm vì cuộc điều tra chưa kết thúc và các đơn kiện vẫn đang tăng lên. Mark Carney, Chủ tịch Hội đồng ổn định tài chính, nhóm công tác pháp lý của G20, cho rằng vụ Libor cho thấy “căn bệnh của các định chế tài chính phải được chữa trị”. Ông cho biết sắp tới sẽ có các nguyên tắc công bằng cho các thị trường, quy tắc ứng xử cho các thị trường tài chính chuyên biệt.

Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc IMF, các ngân hàng không chú ý đến hỗ trợ phát triển bền vững. Điều đó buộc các cơ quan quản lý phải chú trọng và cố gắng giải quyết để duy trì sự ổn định và bền vững của các nền kinh tế. Trong bài phát biểu của mình, bà Lagarde còn cho rằng nhiều nước không chấp nhận để các ngân hàng thua lỗ phá sản vì e ngại sẽ gây ra một tác động lớn hơn với nền kinh tế, vì vậy bằng mọi giá họ phải cứu các ngân hàng đó.

Theo bà, một nghiên cứu gần đây của IMF chỉ ra rằng những ngân hàng như thế là nguồn cơn chính của một nguy cơ mang tính hệ thống. Vì vậy, bà kêu gọi cần có thêm những quy định chặt chẽ và giám sát kỹ lưỡng hơn để giải quyết vấn đề này. Theo Tổng Giám đốc IMF, trợ cấp ngầm của các chính phủ cho các ngân hàng vẫn còn lớn, lên tới 70 tỷ USD ở Mỹ và lên đến 300 tỷ USD ở khu vực đồng EUR.

Bà Lagarde kêu gọi các nhà quản lý trên toàn thế giới đồng ý một khuôn khổ để giảm dần các ngân hàng lớn gặp khó khăn cũng như thừa nhận lẫn nhau quy tắc chung cho các thị trường tài chính. Để có được những thay đổi hiệu quả, bà Lagarde nói rằng cần có thay đổi về văn hóa trong các định chế tài chính. Những thay đổi như vậy cho tới nay, theo bà, “không đủ sâu và rộng”. Những thay đổi này đòi hỏi cả nhà đầu tư lẫn lãnh đạo các định chế tài chính cùng thực hiện một cách nghiêm túc. Tổng Giám đốc IMF kết luận: Các ngân hàng lớn tiếp tục thực hiện cải tiến liên quan đến tính thanh khoản vốn, hoạt động và quản lý rủi ro song song với việc phối hợp với các cơ quan quản lý để đảm bảo rằng hệ thống mạnh mẽ, bền bỉ, minh bạch hơn và có thể để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục