Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn CNTT thế giới

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNTT

Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới - WITFOR 2009 đã chính thức khai mạc hôm qua, 26-8, tại Hà Nội. Tới dự và phát biểu khai mạc với tư cách Chủ tịch danh dự diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam coi công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông là một công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNTT

(SGGP). – Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới - WITFOR 2009 đã chính thức khai mạc hôm qua, 26-8, tại Hà Nội. Tới dự và phát biểu khai mạc với tư cách Chủ tịch danh dự diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam coi công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông là một công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đẩy mạnh hợp tác với các nước về CNTT và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quý báu của các nước và cộng đồng quốc tế để Việt Nam thực hiện thắng lợi những mục tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển CNTT nói riêng.

Ngay trong phiên họp toàn thể đầu tiên của diễn đàn với chủ đề “Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững”, Phó Tổng thư ký Liên minh viễn thông quốc tế Houlin Zhao nhận định, ngành CNTT của Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong 5 năm qua so với các quốc gia trong khu vực.

Ông Houlin Zhao mong muốn thông qua diễn đàn, câu chuyện thành công cũng như những kinh nghiệm phát triển của Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn. Đồng quan điểm này, ông Basie von Solms, Chủ tịch Liên đoàn Khoa học CNTT thế giới (IFIP - đơn vị sáng lập diễn đàn) cũng nhận định, Việt Nam có nền tảng phát triển CNTT tốt và có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực.

Anh Phương

Đối thoại “Công nghệ thông tin – Đánh giá đa chiều”
Phát triển đến đâu phải quản lý được đến đó

Chương trình giao lưu giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và các tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu trên thế giới với sinh viên, doanh nghiệp Việt Nam đã diễn ra ngày 26-8 với chủ đề “Công nghệ thông tin – Đánh giá đa chiều”. Đây là một trong những hoạt động nhân Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới - WITFOR 2009.

Phải bỏ tư duy quản lý được mới cho phát triển

Tham dự chương trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, sự phát triển của CNTT cần đến 3 “chân kiềng”: nắm chắc nhu cầu của thị trường trong nước; nhu cầu và khả năng tìm kiếm đối tác từ thị trường nước ngoài; và chuẩn bị đủ nguồn nhân lực tốt. Và tất nhiên, điều kiện tối quan trọng là tất cả những yếu tố đó được bao trùm trong một môi trường pháp lý tốt.

Ông Đỗ Trung Tá, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT cho biết: “Để có thể đạt được mục tiêu trở thành một cường quốc về CNTT vào năm 2020 thì không thể giữ lối tư duy cũ là quản lý được đến đâu mới phát triển đến đó mà phải thay đổi tư duy theo hướng phát triển đến đâu phải quản lý được đến đó”.

Tuy là lần đầu tiên đến Việt Nam và tự nhận mình “chưa hiểu biết nhiều về Việt Nam”, nhưng thông qua việc đi thăm hai doanh nghiệp VTC và Viettel, ông Houlin Zhao, Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế tin rằng Chính phủ Việt Nam đã quan tâm thích đáng và tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của CNTT. Ông cho rằng, nhiều tổ chức nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo các chuyên gia CNTT ở nước ngoài hoặc theo những chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Một đặc điểm thuận lợi quan trọng cho sự phát triển CNTT ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT-TT là Việt Nam hiện đã có hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT khá tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin nhanh chóng, tiện lợi cho nhân dân. “Sự cố đứt cáp quang vào năm 2007 khiến Việt Nam có nguy cơ bị cô lập về thông tin là một lời cảnh báo cần thiết và đã thôi thúc chúng tôi tìm mọi cách huy động mọi nguồn đầu tư để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và xây dựng chế tài đảm bảo an toàn cho hệ thống trong quá trình hoạt động”, ông Hồng nói thêm.

Đam mê + năng lực cá nhân = Chuyên gia CNTT giỏi

Phần giao lưu giữa các bạn trẻ với 3 lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong ngành CNTT đã diễn ra sôi động với sự dẫn dắt dí dỏm của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT. Hai vị Tổng giám đốc khác cùng tham gia giao lưu là Tổng Giám đốc Intel Việt Nam Thân Trọng Phúc và Tổng Giám đốc IBM Việt Nam Võ Tấn Long.

Thông điệp mà họ gửi tới giới trẻ Việt Nam là với đam mê và năng lực cá nhân - đặc biệt là trình độ tiếng Anh và khả năng làm việc theo nhóm - các bạn trẻ hoàn toàn có thể tìm được vị trí thích hợp để phát huy khả năng của mình tại Việt Nam.  Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều bày tỏ hy vọng các chuyên gia CNTT trẻ của Việt Nam sẽ phát triển được những sản phẩm phần mềm mang thương hiệu Việt Nam có khả năng “đứng” được trên thị trường CNTT thế giới. Vị lãnh đạo FPT gợi ý: “Trước hết hãy xây dựng những phần mềm cho khách hàng Việt Nam sử dụng. Khi khách hàng Việt Nam tin tưởng và chấp nhận có nghĩa là sản phẩm rất có khả năng tiến ra thị trường thế giới”.

Thư Anh

Tính đến tháng 5-2009, Việt Nam đã có 25% dân số sử dụng Internet, tăng hơn 10 lần so với năm 2003 và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, lưu lượng kết nối Internet đã tăng 27 lần so với năm 2004. Ngành CNTT Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt trong những năm vừa qua, doanh thu hàng năm tăng bình quân 30%. Năm 2008, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái nhưng ngành CNTT của Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%, doanh thu đạt trên 10 tỷ USD. Việt Nam hiện đứng thứ 18 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet, thứ 6 ở châu Á về tốc độ phát triển Internet.

Về nhân lực CNTT, tính đến thời điểm 2008, Việt Nam đã có hơn 207.000 lao động trong lĩnh vực CNTT và hàng năm tăng thêm từ 15 đến 20.000 lao động được đào tạo từ hơn 400 trường đại học, cao đẳng và trung tâm tin học trên toàn quốc.

(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp)

Tin cùng chuyên mục