ĐBQH đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu

Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350.000 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. 

Ngày 7-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025.

Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350.000 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Đồng thời, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

ĐBQH đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu ảnh 1 Các đại  biểu thảo luận sáng 7-1. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các quan điểm nêu tại tờ trình, nhưng đề nghị xác định rõ và bổ sung 3 quan điểm: Việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) để chi đầu tư phát triển; nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai chương trình (2022 – 2023).

Về chính sách thuế: Đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; đồng thời, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cũng như khi thảo luận tại tổ về nội dung này, tại phiên thảo luận sáng 7-1, các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, việc Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất kịp thời và cần thiết. Gói tài khóa tiền tệ nhằm mục đích kích thích và tạo sự đột phá, giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn cũng như không để lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của thế giới.

ĐBQH đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu ảnh 2 ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: VIẾT CHUNG

Tuy nhiên, các ý kiến cũng góp ý nhiều vấn đề xoay quanh nội dung này. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội quan tâm đến chính sách liên quan đến người lao động và thị trường lao động, vì “hiện nay, nếu không phải là công chức nhà nước thì hầu như đều đang phải đối mặt với vấn đề lao động, nhất là tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm”.

Chỉ tính riêng quý 3 vừa rồi, cả nước đã có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh; hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc.

“Biến thể Delta đã cuốn đi khoảng 1/4 mức lương bình quân tháng của người lao động vùng Đông Nam Bộ. Đồng lương của người lao động vốn đã không dư giả gì thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn”-ĐB Nguyễn Thị Thủy nói.

ĐB dẫn kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống cho 3 tháng và chỉ có hơn 4% là đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.

Cho đến nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh hoặc là mệt mỏi sau một thời gian dài làm cách, nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, nhiều người có tâm lý chờ qua tết mới đi làm.

Trong khi đó, nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải đối mặt với áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Điều này đã tạo ra một nghịch lý về lao đông, nơi cần lao động thì không có còn nơi có lao động thì rất khó để tìm việc làm.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, dịch bệnh đã dẫn đến xuất hiện những nhóm tác động dễ bị tổn thương. Với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, sự hạn chế đi lại và khả năng làm việc từ xa đã dẫn tới tình trạng cắt giảm một lượng lớn việc làm. Lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch, tỷ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác, lao động có trình độ thấp, lao động là người lớn tuổi, lao động tự do rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm, kể cả những công việc có tính chất tạm thời.

Do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, dẫn tới số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm. Nghĩa là một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững, trong khi đó, những chính sách an sinh bảo hiểm, chế độ ốm đau, thai sản ở khu vực này rất hạn chế…

Do đó, theo ĐB, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề lao động.

“Nghị quyết này cần tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng cả với lao động chính thức, lao động khu vực phi chính thức. Hiện nay, dự thảo đã dành khoảng 6.600 tỷ đồng cho chính sách này và chỉ dành cho người lao động chính thức là chưa phù hợp”, ĐB Nguyễn Thị Thủy kiến nghị.

ĐB cũng cho rằng, cần dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân, đồng thời dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc. ĐB Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cũng chung quan điểm khi cho rằng, cần xác định nhu cầu kinh tế từ doanh nghiệp, người dân, việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách phù hợp hơn.

 ĐB Trần Đình Văn cũng cho rằng cần lượng hóa, đánh giá tác động thêm và cần có sự phối hợp giải pháp tài khóa và giải pháp tiền tệ. Cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Làm được điều này, vừa kích thích được thị trường, vừa hỗ trợ cả cho cung cầu mang lại giá trị cho xã hội. Đây cũng là giải pháp dễ thực hiện hơn so với các giải pháp khác.

 Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định. ĐB Trần Đình Văn cho rằng, giai đoạn hiện tại phải tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi chi cho phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và là khoản chi tất yếu. Chi cho phòng chống dịch cần tính thêm khoản chi cho vaccine khi tới đây không được viện trợ và mua thuốc chữa trị Covid-19. Khoản chi này nên tách riêng thành một điểm và không nên nằm trong quy định chi cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, cần phải tiến tới xã hội hóa vaccine và điều trị Covid-19 để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời với chủ trương xem Covid là một điểm đặc hữu, từ đó cho phép sự vào cuộc của y tế tư nhân.

Song song đó, ĐB Trần Đình Văn cho rằng, đây là thời điểm "vàng" cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như GTVT, tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân còn ít nên tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng. Cần xác định tăng đầu tư công, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ, đáp ứng yêu cầu kích cầu kinh tế.

Tin cùng chuyên mục