ĐBSCL: Chưa đào tạo các nghề xã hội cần

ĐBSCL: Chưa đào tạo các nghề xã hội cần

Hôm qua 18-6, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TBXH, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 20/2006/QĐ của Thủ tướng về phát triển GD-ĐT và dạy nghề ở ĐBSCL đến năm 2010.

“Vùng trũng”

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TBXH, trong 3 năm qua việc GD-ĐT và dạy nghề ở ĐBSCL có bước phát triển nhanh, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL từ 14,13% năm 2005 lên 20,58% vào cuối năm 2008.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo ĐBSCL còn khá khiêm tốn so với tỷ lệ chung cả nước là 25%. Các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang hiện có tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đến 15%. Do chất lượng lao động ở ĐBSCL thấp nên nhiều lợi thế, thế mạnh của ĐBSCL vẫn đang tồn tại ở dạng tiềm năng. Tháng 1-2006, Chính phủ đã có Quyết định riêng về phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010. Tuy vậy, đào tạo nghề ở ĐBSCL vẫn đang ì ạch đi sau so với nhu cầu.

ĐBSCL: Chưa đào tạo các nghề xã hội cần ảnh 1

Học nghề cơ khí và sửa chữa điện tử tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh An Giang.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Thời gian qua, ngân sách Trung ương, chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề nhưng thực chất cơ sở hạ tầng dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu học nghề của xã hội. Hầu hết các cơ sở dạy nghề đều có quy mô nhỏ, thiết bị giảng dạy nghề ít và lạc hậu. Có trung tâm dạy nghề xác định các nghề do mình dạy không còn phù hợp với nhu cầu xã hội nhưng vẫn tiếp tục dạy vì chưa có thiết bị mới, nghề mới… để dạy.

Nhiều Trung tâm dạy nghề ở ĐBSCL đang dạy những gì mình có chứ không phải dạy các nghề xã hội cần. Ngoài những khó khăn chung của vùng, dạy nghề ở các địa bàn có đông đồng bào Khmer như Sóc Trăng, Trà Vinh còn nhiều khó khăn do trình độ văn hóa của bà con Khmer thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. 

Theo các quy định hiện hành, thanh niên muốn theo học tại các trường trung cấp nghề phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Trong thực tế, nhiều thanh niên nông thôn ở Sóc Trăng và bà con Khmer chưa học hết lớp 9.

Khắc phục cách nào?

Hôm qua, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 20/2006/QĐ của Thủ tướng về phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL, nhiều đại biểu cho rằng: dạy nghề ở ĐBSCL đang yếu kém toàn diện. Nổi bật là thiếu giáo viên, cơ sở vật chất thiếu thốn, năng lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết: địa phương này có đến 68 cơ sở dạy nghề nhưng không có biên chế chính thức cho dạy nghề. Hiện tỉnh Bến Tre rất khó thu hút được giáo viên dạy nghề giỏi. Hoạt động dạy nghề chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư nên Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho dạy nghề ở ĐBSCL. Các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống thì mong muốn Trung ương cần có cơ chế, chính sách.

Nhiều đại biểu đánh giá: Nhà nước có chính sách hỗ trợ lực lượng giáo viên dạy tại các trường chuyên hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng chưa có chính sách cho những giáo viên dạy kèm học sinh yếu kém. Nếu những học sinh phổ thông có học lực trung bình yếu được giảng dạy tốt sẽ làm đầu vào các trường dạy nghề phong phú hơn, tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên. 

Ông Nguyễn Thanh Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, đề xuất: Nhà nước cần tăng mức đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề cho ĐBSCL. Bộ LĐ-TBXH phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn chỉnh sửa đổi, bổ sung các chính sách cho người học và người dạy nghề.

NHẬT CHÁNH

Mục tiêu phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010: Nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL để phát huy sức mạnh của vùng, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng ĐBSCL phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một vùng kinh tế trọng điểm cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Trích Quyết định số 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng về phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010.

Tin cùng chuyên mục