ĐBSCL: Gần 40.000ha cây ăn trái có nguy cơ thiếu nước tưới

Tổng cục Thủy lợi cảnh báo, với mức độ xâm nhập mặn như dự báo trong tháng 3, tháng 4-2021, cần đề phòng khả năng gây thiếu nước cho khoảng 40.000ha cây ăn trái ở ĐBSCL. 

Theo Tổng cục Thủy lợi, tại các cửa sông Cửu Long, nước mặn sẽ xâm nhập tăng dần từ nay đến ngày 31-3. Nước mặn 4‰ theo triều cường sẽ vào sâu từ 45-55km.

Riêng khu vực sông Vàm Cỏ, mặn xâm nhập có khả năng ở mức 95-100km, sâu hơn tháng 2 từ 23-25km; khu vực sông Cái Lớn, mặn xâm nhập có khả năng ở mức 55-60km, sâu hơn tháng 2-2021 từ 6-11km.

ĐBSCL: Gần 40.000ha cây ăn trái có nguy cơ thiếu nước tưới ảnh 1 Cán bộ ngành nông nghiệp Hậu Giang kiểm tra độ mặn trên sông Cái Lớn (giáp với Kiên Giang)

Tổng cục Thủy lợi cũng cảnh báo: Với mức độ xâm nhập mặn như dự báo trong tháng 3, tháng 4-2021, cần đề phòng khả năng gây thiếu nước cho khoảng 40.000ha cây ăn trái (Tiền Giang 19.000ha, Bến Tre 15.000ha, Vĩnh Long 1.800ha, Sóc Trăng 3.400ha) và khoảng 5.000ha lúa của tỉnh Trà Vinh.

ĐBSCL: Gần 40.000ha cây ăn trái có nguy cơ thiếu nước tưới ảnh 2 Các nhà vườn miền Tây đang chủ động ứng phó với nước mặn xâm nhập

Theo Cục Trồng trọt, trong các đợt xâm nhập mặn xảy ra từ đầu năm 2021, một số thời điểm đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, nông dân nhiều tỉnh đã chủ động tích nước ngọt tưới cho cây trồng.

Cụ thể, nông dân tỉnh Bến Tre đã đào gần 500 ao với dung tích 500m3 nước/ao; tại Tiền Giang, nông dân đã đầu tư 1.200 dụng cụ tích nước tưới, trong đó đào 109 ao với dung tích 2000m3 nước/ao…, nông dân đã chủ động tích trữ nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái nên đến nay, xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục