ĐBSCL gỡ khó cho cây ăn trái

Chưa bao giờ vườn cây ăn trái ở ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, hàng chục ngàn hécta bị hạn mặn hoành hành kéo dài dẫn đến nguy cơ thiệt hại, trong khi tình hình xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng dịch Covid-19. 
Nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang suy kiệt do hạn mặn
Nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang suy kiệt do hạn mặn

Tìm giải pháp bảo vệ sản xuất và khôi phục xuất khẩu trong thời gian tới đang được các ngành chức năng, doanh nghiệp, người dân… cấp bách thực hiện.

Nỗ lực tìm đầu ra

Bộ NN-PTNT cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả của cả nước chỉ đạt khoảng 513 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới khiến việc vận chuyển hàng hóa và tiêu thụ bị ảnh hưởng. 

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), đơn vị xuất khẩu bưởi da xanh hàng đầu ở ĐBSCL, bộc bạch: “Lâu nay, bưởi da xanh luôn hút hàng và được giá cao, nhưng mấy tháng nay tiêu thụ ì ạch do tác động của thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác giảm nhập khẩu do dịch bệnh. Chính hệ lụy này đã kéo giá bưởi da xanh từ khoảng 40.000 đồng/kg vào đầu năm 2020 sụt giảm xuống mức 25.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó bán”.

Thông thường mỗi ngày cơ sở Hương Miền Tây thu mua của nông dân ĐBSCL từ hàng chục tấn đến cả trăm tấn bưởi da xanh, nhưng nay cố gắng lắm chỉ mua vào vài tấn. Chỉ chúng tôi kho hàng chất đầy ắp cả ngàn tấn bưởi, ông Đàm Văn Hưng lo lắng: “Xuất khẩu chậm, tồn kho nhiều, làm cho các doanh nghiệp trái cây gặp khó trăm bề về thiếu vốn hoạt động, tăng chi phí lưu kho, hao hụt, bảo quản… Hiện tại, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm đầu ra bằng nhiều cách, từ xuất khẩu đến gia tăng tiêu thụ nội địa, đồng thời kiến nghị ngành chức năng trợ lực để cùng nhau vượt khó…”.

Các nhà chuyên môn cho rằng, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của nước ta, gần đây tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc được kiểm soát tốt hơn, nếu diễn biến thuận lợi thì hy vọng thời gian tới nhu cầu nhập khẩu nông sản sẽ cải thiện với nhiều chính sách khuyến khích phục hồi về tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng trái cây.

Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc được kỳ vọng, nếu tình hình ổn định, khoảng cuối quý 2-2020 có thể tăng nhập khẩu nông sản trở lại. Về cơ bản vẫn còn khó, nhưng các doanh nghiệp cần chuẩn bị trước để khi có điều kiện thuận lợi thì nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu.

Giảm nguy cơ chết cây hàng loạt

Cùng với việc tìm đầu ra, vấn đề cấp bách lúc này là hạn chế tình trạng vườn cây ăn trái chết tràn lan do hạn mặn gây ra. Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, năm nay hạn mặn đến sớm, xâm nhập sâu và kéo dài nên khả năng vườn cây ăn trái ở ĐBSCL bị ảnh hưởng lên đến khoảng 130.000ha, tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Cần thấy rằng, giá trị của vườn cây ăn trái mang lại khá cao với tổng doanh thu bình quân khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, cao hơn cây lúa khoảng 386 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nhiều loại cây ăn trái cũng rất mẫn cảm với nước mặn, vì vậy, nếu để vườn cây bị thiệt hại phải mất nhiều chi phí và thời gian mới phục hồi được.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: “Những ngày qua, nước mặn bao trùm hàng loạt vườn cây ăn trái của tỉnh, trong đó nhiều nơi độ mặn cao và kéo dài, khiến nông dân cả tháng trời chịu trận mà không thể tưới cho cây, bởi xung quanh toàn là nước mặn. Trước tình hình căng thẳng đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp tốc xuất kinh phí hàng chục tỷ đồng thuê sà lan chở nước ngọt về cứu khẩn cấp cho gần 13.000ha sầu riêng. Ngoài ra, nhanh chóng triển khai việc tiếp nước ngọt cho hơn 1.000ha thanh long ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông nhằm giảm nguy cơ bị thiệt hại”. 

Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4-2020, các ngành chức năng ở Tiền Giang đã vận chuyển khoảng 300.000m3 nước ngọt cứu khẩn cấp cho các vườn cây của hơn 18.600 hộ dân. Hiện tại, việc cấp nước ngọt đang tiếp tục triển khai đến cuối tháng 4. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL rà soát diện tích vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn để hướng dẫn người dân các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Viện Cây ăn quả miền Nam lưu ý, người dân cần chuẩn bị các giải pháp phục hồi vườn cây sau khi hạn mặn qua. Nếu vườn cây nào bị chết quá nhiều buộc phải phá bỏ để trồng mới lại, còn thiệt hại ít thì kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL thừa nhận, nhiều vườn cây sẽ bị suy kiệt, năng suất và sản lượng giảm mạnh do hạn mặn gây ra là khó tránh khỏi. Song, điều quan trọng lúc này là nhanh chóng triển khai các giải pháp phục hồi, giảm thiểu vườn cây bị chết càng thấp, càng tốt.

Tin cùng chuyên mục